Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

THÚY KIỀU ĐOÀN VIÊN !

+ Khi nói đến hai từ "đoàn viên", ta thường nghĩ tới niềm vui và hạnh phúc. Vậy với Thuý Kiều, sau mười lăm năm lưu lạc, chịu nhiều khổ đau :"Hết hạn nọ đến hạn kia/Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần" (phải bán mình chuộc cha; bị bán 2 lần vào lầu xanh; 2 lần làm con hầu, người ở; bị đánh ghen đến ê chề, mang tiếng hại ch.ết chồng là Từ Hải...). Khi đoàn tụ với gia đình, gặp lại người tình xưa thì nàng có vui, có hạnh phúc không? Chúng ta cùng tìm hiểu xem: 

                        (từ câu 2980 đến câu 3254 trong Truyện Kiều)   

                                                         

...Sau 15 năm lưu lạc, trải qua nhiều khổ đau, cuối cùng Kiều đành chọn cách nhảy xuống sông Tiền Đường để mong giải thoát số phận, nhưng nàng vẫn còn "nặng nợ" trần gian:

"...Oan kia theo mãi với tình,

Một mình mình biết một mình mình hay.

Làm cho sống đọa thác đày,

Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi.

....

Một mình cay đắng trăm đường

Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi!

....

Thôi thì một thác cho rồi,

Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông,

Trông vời con nước mênh mông.

Đem mình gieo xuống giữa dòng Trường Giang"

....Sau khi được cứu sống và tu cùng Sư Giác Duyên:" Mùi thiền đã bén muối dưa/ Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng", thì gia đình tìm gặp được Kiều, cả nhà đoàn viên :

..." Nhìn xem đủ mặt một nhà

  Xuân già còn trẻ, huyên già còn tươi.

   Hai em phương trưởng hòa hai.

  Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa

   Tưởng bây giờ là bao giờ,

 Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao". (Từ câu 3009- 3014)

Tưởng rằng ngày đoàn viên được gặp lại người xưa sẽ là niềm vui, hạnh phúc của  Kiều nhưng đó lại chính là bi kịch về tinh thần đối với nàng: "Tình nhân lại gặp tình nhân/ Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình!" 

  Là bi kịch khi nàng nghĩ rằng mình không còn xứng đáng với Kim Trọng:

" Riêng lòng đã thẹn lắm thay,

Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi.

....

 Cũng là giở duốc bày trò,

Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi

 Người yêu ta xấu với người, 

Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau".  

Đã tự thấy mình "nhơ nhuốc", giờ nàng lại phải đối diện với mối quan hệ "tay ba" hết sức "khó xử", chua xót với Kim Trọng và Thúy Vân thì làm sao có thể coi là niềm vui trọn vẹn? Khi “tiệc đoàn viên” được mở ra, bên cạnh niềm vui, hạnh phúc được đoàn tụ với gia đình, tưởng rằng Thúy Kiều còn có thể tìm lại "cảm xúc" của tình đầu thơ mộng với chàng Kim Trọng. Thế nhưng, qua “đêm tái hợp”, hạnh phúc tưởng như "sờ , nắm" được đó lại thật xa vời:

                           " Chữ trinh còn lại chút này                 

                       Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan

                              Còn nhiều ân ái chan chan,

                         Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi..." 

                           

.. Tại sao lại có cảnh khó xử, trớ trêu như vậy, chúng ta trở về thời gian mười lăm năm trước, thì thấy mối quan hệ giữa Thúy Vân và Kim Trọng chỉ xuất phát khi gia đình Kiều “Gặp cơn binh địa ba đào” đưa đẩy Kiều tới việc phải chọn giữa tình và hiếu và Thúy Kiều đã chọn cách "bán mình chuộc cha". Trước khi ra đi, Kiều đã "trăn trở, vật vã, đau khổ" để trao duyên và là tình đầu của mình với Kim Trọng cho em gái là Thúy Vân: 

"Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim ,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kỳ,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên!
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt, khuất lời,
Rảy xin chén nước cho người thác oan.
Bây giờ trâm gãy bình tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
Phân sao phận bạc như vôi?
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!"
 (từ câu 721 đến 756).  
 
(P/s:đây chính là đoạn mẹ mình hay ngâm để ru cháu nên là đoạn mình biết từ lúc chưa hiểu nhiều về Kiều )                                                 

+ ...Thúy Vân biết tình cảm của Kiều với Kim Trọng như vậy nên ngày đoàn viên, Vân đã đề cập tới chuyện tình duyên năm xưa của chị, giãi bày cùng chị mọi lẽ, thuyết phục chị và kể rằng tình cảm của Kim Trọng trong mười lăm năm qua vẫn chỉ dành cho Thúy Kiều : "Những là rày ước mai ao/Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình", nên Thúy Vân muốn trả lại chồng của mình là Kim Trọng cho chị gái

"...Gặp cơn binh địa ba đào
Vậy đem duyên chị buộc vào cho em.
Cũng là phận cải duyên kim,
Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao?
Những là rày ước mai ao,
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình!
Bây giờ gương vỡ lại lành,
Khuôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi.
Còn duyên may lại còn người
Còn vầng trăng cũ còn lời nguyền xưa ".(từ câu 3065 đến câu 3074)

Còn đối với Thúy Kiều, cứ ngỡ được đoàn tụ với gia đình là yên ổn. Nhưng thật sự đó lại là một bi kịch đau đớn nhất trong cuộc đời nàng. Nhất là khi Thúy Vân khơi vào nỗi đau tưởng đã "ngủ yên". Ngày đoàn viên, trong tâm trí Kiều, mối tình đẹp đẽ năm xưa với Kim Trọng đã là quá khứ, đã là dĩ vãng:

"Dứt lời nàng vội gạt đi,
Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ?
Một lời tuy có ước xưa,
Xét mình dãi gió dầm mưa đã nhiều.  
Nói càng hổ thẹn trăm chiều
Thà cho ngọn nước thủy triều chảy xuôi."  (từ câu 3077  đến 3082) 

+ Kiều chẳng những từ chối lời tác hợp của Thúy Vân mà khi nghe Kim Trọng phân tích, động viên nên tái hợp dù nàng có  "thế nào đi chăng nữa" :

                        "...Xưa nay trong đạo đàn bà
                      Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường.
                          Có khi biến có khi thường.
                    ...Như nàng lấy Hiếu làm Trinh,
                  Bụi nào cho đục được mình ấy vay.
                       Trời còn để có hôm nay,
                Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.
                        Hoa tàn mà lại thêm tươi,
                Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa..."
           ....
                "Chàng rằng : Gắn bó một lời
             Bỗng không cá nước, chim trời lìa nhau.
                     Xót người lưu lạc bấy lâu,
              Tưởng thề thốt nặng nên đau đớn nhiều.
                     Thương nhau sinh tử đã liều,
              Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình.
                    Chừng xuân tơ liễu còn xanh,
              Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân..."

   Nghe vậy nhưng Kiều vẫn từ chối:

"...Từ rày khép cửa phòng thu
 Chẳng tu thì cũng như tu mới là.
 Chàng dù nghĩ đến tình xa
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ (kỳ).
Nói chi kết tóc xe tơ
Đã buồn cả ruột mà dơ cả đời
....
Sự đời đã tắt lửa lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!
Dở dang nào có hay gì,
Đã tu, tu trót, qua thì, thì thôi…
...
Thiếp từ ngộ biến đến giờ,
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa
Bấy chầy gió táp mưa sa
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn
Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế còn toan nỗi nào."

Như vậy sau mười lăm năm lưu lạc, ngày Thúy Kiều trở về đoàn viên cùng gia đình cũng chính là ngày nàng buông bỏ hai thứ: từ bỏ mối tình cầm sắt với Kim Trọng và từ bỏ khúc đàn định mệnh của đời nàng.
 Quyết định sau cùng của Thúy Kiều là chỉ làm bạn với Kim Trọng chứ không là tình chăn gối vợ chồng::

                   " ...Khi chén rượu khi cuộc cờ,
                    Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên"
    .....          
                    "Một phen tri kỷ cùng nhau
                  Cuốn dây từ đấy về sau xin chừa".

 Nàng nghĩ rằng từ bỏ những điều đó sẽ cho nàng sự bình an trong tâm, để nàng quên đi những gì đau khổ mà nàng đã trải qua trong mười lăm năm đằng đẵng. 
Thật sự việc Kiều được trở về đoàn viên cùng gia đình lại chính là một nỗi trái ngang không dứt đối với cuộc đời nhiều éo le, nhiều đau khổ của nàng: Tình yêu và hạnh phúc đã không còn kể từ khi nàng trao tình yêu của mình cho em gái.
Sau mười lăm năm lưu lạc, ngày đoàn tụ chỉ là trên danh nghĩa còn thực tế thì không thể và không bao giờ có chuyện nàng tái hợp lại với Kim Trọng vì nàng thấy không xứng đáng và về tình chị em cũng không bao giờ làm như thế được. Đó chính là bi kịch là nỗi đoạn trường mà Thúy Kiều; Thúy Vân hay Kim Trọng không thể xử lý được một cách vẹn toàn:

                      "Ngẫm hay muôn sự tại trời
                   Trời kia đã bắt làm người có thân.
                        Bắt phong trần, phải phong trần.
                  Cho thanh cao, mới được phần thanh cao.
                        Có đâu thiên vị người nào. 
                   Chữ tài, chữ mệnh dồi dào cả hai.
                        Có tài mà cậy chi tài,
                   Chữ tài liền với chữ tai một vần.
                        Đã mang lấy nghiệp vào thân,
                 Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
                       Thiện căn ở tại lòng ta,
                  Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài..."

Nguyễn Du cho Kiều đoàn tụ ta nghĩ đó là cái kết có hậu, là sự kết thúc mười lăm năm lưu lạc của Kiều nhưng đó lại chính là khúc đoạn trường trong cung đàn bạc mệnh, là một kết thúc đầy bi kịch đối với Kiều.  Kiều có thực sự được đoàn tụ cùng gia đình hay nàng sẽ phải sống những ngày khổ đau về tinh thần ngay giữa nhà mình, bên cạnh người yêu mình?
 Như lớp trẻ bây giờ hay nói thì sẽ là : "Nàng đang cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình" !