Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

HUÔNG ĐẬU ĐẠI HỌC !

Thiên hạ bảo là “học tài thi phận”, chẳng biết đúng sai thế nào hay đó là câu an ủi những người siêng học mà thi hỏng đậu không biết nữa. Thôi thì việc học là của người thi, phụ huynh thì chỉ lo việc hậu cần và ủng hộ về mặt tinh thần thui. Như bài viết trước đã kể nhà mình ở trung tâm của mọi cái trung tâm nên họ hàng có con cháu đến tuổi thi đại học thường ghé nhà gửi, dù không được tiện nghi lắm nhưng vài bữa cũng chẳng sao.
   Năm 1994, có cậu em họ ở NT vào thi ĐH TCKT, chẳng biết cậu ấy học hành thế nào, chỉ biết bố, mẹ là thầy, cô giáo. Vào SG, cậu ta bỏ túi xách xuống là theo bạn bè đi chơi, chả thấy ôn vật gì cả. Mẹ mình nhắc học, nó cười bảo : Giờ mà còn học gì nữa dì ơi.(Mình nghĩ thầm trong bụng: Ku này rớt... chắc). Mấy ngày đi thi, nhà có mỗi chiếc xe máy nên ưu tiên để lão í chở đi, về thì cậu ấy tự về. Vây rồi cậu ấy đậu ĐH điểm cao. Mình nói với cả nhà Ku này hên thôi.
    Năm 1999, một Kucháu con bà chị họ từ ĐL xuống thi,  ku này trông mặt mày sáng sủa, thế mà mẹ nó báo cáo thành tích là thi tốt nghiệp PTTH nó đậu vớt, nên cho đi thi ĐH cho vui với người ta . Thôi thì còn nước còn tát chứ tốt nghiệp suýt rớt lấy đâu ra hơi mà thi với chả đậu. (mà những năm đó thi đại học còn khó lắm, không như bi giờ, trường ĐH nhiều như nấm sau mưa, nhiều trường thiếu sv). Lão í nhà mình lại được giao trọng trách chở    tử đi thi, trước khi đi lão í dặn, thằng này đuối hơi, nấu cơm đừng nấu canh bí mà mua đậu phụ về nhồi thịt cho nó ăn. Mình làm theo cho có phép chứ chẳng tin tưởng gì ba trò linh tinh, đậu là đậu, rớt là rớt chứ tại gì bí với chả bầu. Mẹ nó gọi ĐT xuống nói thách hắn mà đậu ĐH tao cho hắn cái xe máy (sv mà có xe máy lúc í là thuộc loại nhà có điều kiện rồi), chắc mẹ nó nói thế cho vui chứ cũng nghĩ làm gì mà nó đậu nổi. Ngày báo đăng danh sách trúng tuyển, có tên nó trong đó mà nó và cả nhà nó không tin đó là sự thật.Cứ nghĩ tên trùng tên, chờ có giấy báo trúng tuyển của trường rồi mới vui. Nó đậu thật và giờ đi làm gần chục năm rồi còn gì, hôm rồi nghe nó gọi ĐT báo dì ơi con đi thi cao học. (Mình lại nghĩ thầm trong bụng: ĐH còn đậu nữa là cao học, nằm nhò gì).
                                                      
                 hoa trạng nguyên (hình cop trên net)
                                          Trạng nguyên,hoa trạng nguyên,cây hoa trạng nguyên,nhất phẩm hồng,hoa ngày tết,hoa trạng nguyên ngày tết,ý nghĩa hoa trạng nguyên,truyền thuyết hoa trạng nguyên,Euphorbia pulcherrima

      Đến năm 2001, lại một cô cháu họ từ BL xuống thi, con gái, trắng trẻo, xinh xắn, hiền lành, nhưng nhỏ này thuộc vùng sâu vùng xa, học ở đó có giỏi thật nhưng ra thi thố với người ta không biết sao? (mình không tin tưởng 100%). Việc chở cháu đi thi lần này không ai khác ngoài lão vì sau hai đứa kia thấy lão có vẻ “mát tay”, lại cũng bài không ăn bí chỉ ăn thức ăn có chữ đậu, chữ đỗ. Ok, chuyện nhỏ. Chẳng biết do nó học giỏi hay lão í mát tay, hay tại không ăn bí mà ăn đậu hay tại học tài thi phận mà nhỏ này đậu ĐH điểm cao.
Năm 2004, đến lượt con gái mình vượt vũ môn, không nói gì nhiều, nó yêu cầu bố chở đi thi, mặc dù ngày thường nó vẫn chê bố chở đi xe máy mà chóng mặt vì bố đi chậm mà cứ cà giật cà giật. Ừ thì Bố chở, mẹ đắt lo ế mừng. Nói không phải khoe, mình cũng có lo nhưng không lo lắm và con gái mình đậu ĐH thật. Cả nhà cùng vui! Nói chắc tại bố chở ai đi cũng đậu nên có cái huông.
    Sau đó 5 năm, đến lượt ku con thi ĐH, lúc này nhà không ở trung tâm TP nữa, mà đã ra vùng ven, chưa ai thi ĐH ở nhà mới cả, liệu có mất cái huông nhà cũ không đây, nhưng nghĩ còn có bố chở đi, biết đâu đấy? Mình thì không trông mong gì, vì có hôm thầy giáo mời phụ huynh thầy phán, coi chừng rớt tốt nghiệp. Mình về chuẩn bị phương án 2 cho học trường ngoài nước. Nhưng vẫn cho đăng ký thi 2 khối, dĩ nhiên chở đi thi không ai khác là bố. Còn mẹ lo hậu cần hết mọi khả năng mẹ có. Sáng ăn gì, trưa ăn gì…(thực đơn chắc chắn là không bí, không trứng). Thi xong khối A, ku con cũng chẳng có ý kiến ý cò gì ( mình nghĩ thầm làm gì có cửa cho ku). Nghỉ mấy ngày để thi khối C, con chị phán nếu đậu thì đã đậu khối A, thôi đừng bắt nó thi nữa mà căng thẳng, không đậu thì cứ phương án 2 mà thực hiện. Đúng ngày thi khối C, hai chị em nó quảy giỏ đi du lịch Sing – Mã. Cả nhà chuẩn bị tinh thần là ai hỏi bảo em học RMIT, không thi ĐH ( nói thế nếu rớt cho đỡ quê- sĩ diện mà). Nhưng mà ngày có điểm, em đậu thế mới ngựa hay nước cuối chứ lị. Cả nhà vỡ oà niềm vui, mẹ ku lại được dịp nở mũi: Ku giống mẹ mà.
     Sau vụ ku con thi đậu ĐH (công lập hẳn hoi nha), thì xác định là bố “mát tay”. Mùa thi năm nay có thằng cháu họ xa bên nội cũng ở BL thuộc vùng sâu, vùng xa. Bố con nhà nó xuống ở mấy ngày, lão í vẫn làm cái công việc chở đi thi, mình lại lo hậu cần và động viên cháu ráng lên, bác trai chở đứa nào đi thi là đứa đó đậu đấy, bố nó hy vọng lắm vì dòng họ nhà bố nó mấy đời chưa có ai học đại học.Thi xong ĐH, về hai tuần, nó lại khăn gói xuống thi Cao đẳng (cho chắc nă, lỡ rớt ĐH thì còn Cao đẳng). Hôm rồi các trường có điểm chuẩn, nó đậu cả ĐH, cả CĐ. Bố nó gọi điện xuống nói cả họ nhà em mừng 2 bác ạ. ha!haaaaaaa

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

" KHÔNG PHẢI VẬY ! "

*/Hồi đầu những năm 90 của thế kỷ 20 (nói thế cho có vẻ xưa xưa tí), mình có quen cô bạn hai đồng (là đồng niên và đồng nghiệp), tuy làm cùng nghề, nhưng khác chỗ, hai đứa cùng tuổi, nhưng cổ cứ gọi mình bằng chị, xưng em, mình cũng thíck nên kệ, nhưng để đỡ ngại mình kêu cổ bằng tên, xưng... chị .(hi!hi)
                                         

  */ Nhà mình ở trung tâm SG, nhà cổ cách nhà mình trên 10km, cô ấy không biết đi xe máy, lúc đó còn độc thân nên hay xuống nhà mình chơi, khi thì chị gái chở, khi thì đứa em, có khi đi xích lô với má. Mỗi lần xuống đều có quà quê cho cả nhà mình, khi thì bánh ít, bánh giầy và nhiều loại bánh khác mà mình chẳng nhớ tên, chỉ biết ăn thấy ngon! tết thì cổ mang xuống nào mứt mãng cầu, mứt me, mứt bí nhà tự làm… Cổ dân SG chánh hiệu con nai vàng nhưng giản dị như dân quê (vậy mới có kẻ như mình lầm chết). Mình hồi ấy con cái còn nhỏ, ít đi đâu xa được nhà có mỗi cái xe máy cà tàng thì để ông xã đi làm xa, bởi vậy nên hai đứa chơi với nhau cũng lâu mà mình chưa có dịp đến nhà cổ chơi lần nào.
   ... Có hôm cổ đến chơi, mình quý cổ lắm mà không có gì để thể hiện tình cảm nên lôi mấy bộ đồ mặc chật ra nói cổ xem có cái nào dùng được thì lấy mặc chứ đồ cũng còn xài được, bỏ phí. Cổ vui vẻ chọn mấy cái, lần sau xuống chơi mặc bộ đồ của mình rồi hỏi: “chị coi em mặc đồ của...chị đẹp không?”  với thái độ rất chân thành hỏi tiếp
: “chị còn bộ nào bỏ thì đưa em mặc nha”, nghe cổ nói mình cứ nao cả lòng, phải chi giàu, mua tặng cô em cùng tuổi vài bộ đồ mới cho đáng mặt làm chị . hi!hi
  Có năm gần tết, cô ấy mua cho con gái mình một bộ váy đầm đẹp ơi là đẹp, hình như đó là chiếc váy mới đầu tiên con gái mình có. Trước đó con gái mình toàn mặc đồ thun, nếu có váy thì cũng là váy “sida” (đây là hàng viện trợ của tổ chức phi chính phủ cho người dân Cămpuchia, dân buôn bán thu gom rồi chở qua biên giới về VN từng kiện lớn, phân loại đem bán, hàng này hồi đó thịnh lắm, chịu khó chọn cũng có hàng độc). Mình vô cùng ái ngại vì cứ nghĩ cổ phải dành dụm tiền bao lâu mới mua được chiếc váy tặng cháu?Nhưng mình lúc đó cũng đang nát như tương bần nên nhận thì cứ nhận mà áy náy thì vẫn cứ áy náy suông vậy thôi (tính mình vốn đãi bôi, nên tự nhận khuyết điểm cho mau tiến bộ)
        Nói có sách, mách có chứng, váy đầm cổ mua cho con gái mình đây:
                                                   

 */ Rồi một ngày nọ cả nhà mình lên nhà cổ chơi, không mất công tìm nhà vì đó là một căn biệt thự, chiều ngang mặt tiền chắc phải hơn chục mét đó là một căn nhà ngay mặt tiền phố lớn của quận, sân rộng đủ cho trẻ con đá banh, đã nhà dọc lại còn có nhà ngang. Túm lại là mình choáng vì cứ tưởng cổ cũng diện "hộ nghèo" như mình, có khi tưởng nghèo hơn, thế mới nói.
  Năm 2003 mình phải mổ tuyến giáp, mình dấu, không cho người thân và bạn bè biết, kể cả cổ, vậy mà không hiểu kiểu gì mà cổ biết. Hôm mình mới từ viện về nhà thấy cổ xuống thăm, xách theo niêu cá lóc kho tiêu, kêu chị ăn cho lành, đừng ăn thịt bò, rau muống mà sẹo lồi, xấu. Mình cảm động lắm, không nói nên lời.
     Cách đây vài năm, căn biệt thự nhà cô bạn bị giải tỏa để mở đường lớn hơn, nghe cổ báo là bồi thường cũng không ít, anh em chia nhau, cổ mua đất cất  một căn biệt thự khác nghe đâu hoành tráng hơn nhà cũ, mình cũng chưa tới đó vì thường là cổ xuống mình chơi khi cổ thích.
          Bởi vậy, mới nói, hình thức nhiều khi không phản ánh đúng nội dung (hay nội dung này mà hình thức khác) hihi! người giàu không ai  biết họ giàu, có kẻ chẳng có xiền mà giang hồ đồn có vài chục tỷ gửi nhà bank, thế nên lúc kẹt tiền chẳng biết hỏi mượn ai. Dân SG có câu: "thấy zậy mà không phải zậy".Thế  vậy luôn!

Ngày ấy ...

và  năm 2017:

Bổ sung thêm cái hình cô ấy cùng nhóm bạn chơi chung (10/2019):
                                              

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

VIẾT CHO CON GÁI NGÀY ĐI DU HỌC!

*/Thế là sau bao nhiêu ngày chuẩn bị với đủ thứ các thủ tục giấy tờ, chuẩn bị đồ đạc cái nào cần mang đi, cái nào không thì giờ con gái đã lên đường.Thời gian con đi học không quá dài, nhưng cũng không ngắn, đủ để nỗi nhớ con chất đầy nhà. Những gì cần dặn, cần nói với con, mẹ đã nói rồi.
                                               

Mây tan trăng sáng: 4 con giáp đón nhận vận may, đếm tiền mỏi tay, vui cười suốt tháng 5 Âm lịch-4

 ...Mẹ xin nghỉ mấy ngày ở nhà chợ, búa cơm nước và đi ra đi vào chỉ để được gần con thêm. Nghĩ là con đi học cũng chẳng có gì phải buồn, mấy ngày nay hai mẹ con vẫn cười tươi, kể cả khi con lên xe ra sân bay với bạn. Vậy mà giờ lên phòng con, mền gối gọn gàng (không bề bộn như mọi ngày để mà cẳn nhẳn cằn nhằn). Vắng con, nỗi nhớ con ngập tràn. Em sợ mẹ buồn nên mẹ ở đâu, em ở đấy, rồi em đổi tivi từ phòng chị sang phòng mẹ để mẹ coi cho đẹp (vì để ở phòng chị không ai xem). Bố thì lâu lâu lại lên hỏi xem con đã lên máy bay chưa? Cả nhà cứ hướng theo con vậy đấy. Biết là giờ này con còn lu bu đủ thứ (làm thủ tục, gọi điện chào mọi người, chia tay người í, lên máy bay…), chỉ có người ở lại ôm trọn nỗi nhớ con.
Và ngày mai, ngày mốt.. mẹ đi làm về mẹ sẽ không có người để mà cười mà kể chuyện này chuyện nọ…hẹn con năm sau vậy, nhưng có khi về nước con lại theo chàng về dinh. Vậy thì coi như những ngày này mẹ làm quen với việc sau này con sẽ xa mẹ, xa gia đình ta để  có thêm một gia đình mới. Mẹ ôm con thật chặt vào lòng một lần nữa và Chúc con thượng lộ bình an con gái nhé!
......
Hôm nay (02/8/2011) con gái mẹ xa nhà đi kiếm cái chữ của Tây! lần đầu tiên con xa mái ấm gia đình thời gian dài, có nhiều điều đang chờ con ở phía trước.. Tuy con không còn nhỏ, nhưng dù con có lớn bao nhiêu thì con vẫn là con của mẹ vì vậy sự lo lắng khi con đi xa là lẽ đương nhiên vì đó là nỗi lòng của tất cả các bà mẹ.
 Chắc chắn những ngày đầu nơi đất khách, quê người con sẽ nhớ nhà, nhớ người thân và nhớ cả người í của con nữa (mà phần nhớ người í hẳn là nhiều nhất), rồi khí hậu, thức ăn, đủ thứ lạ lẫm khác… Nhưng Mẹ tin là con sẽ vượt qua những khó khăn ban đầu đó để hòa  nhập với mọi người về sinh họat cũng như nhanh chóng thu nhận những kiến thức của thấy, cô giáo.
 Hành trang bố mẹ chuẩn bị cho con hòa nhập với xã hội khi trưởng thành là kiến thức (nói chung về mọi mặt) để con trở thành, trước tiên là người con ngoan, hiếu thảo trong gia đình, rồi đến là người tốt ngoài xã hội. Mẹ chủ quan mà nghĩ rằng, gia đình mình là cái nôi tốt đã nuôi dưỡng con từ thể lực đến trí lực trong một điều kiện tốt nhất (có thể của gia đình mình), mẹ nghĩ con đã đủ trưởng thành để nhận biết điều đó.
 Bố, mẹ có thể ít học, nhưng các con thì phải cố gắng để vượt qua chính mình. Chắc con vẫn nhớ câu chuyện con voi con mẹ kể cho các con nghe : Chú voi con được voi mẹ sinh ra trong sở thú, nên dưới chân mình luôn có một sợi xích, chú voi chưa bao giờ dám đi xa ngoài tầm dài của sợi xích, và trong suy nghĩ của chú voi con khi đã lớn ấy, sợi dây xích có một sức mạnh vô hình mà voi con nghĩ là không thể thắng nổi. Một ngày kia có một con chim chích bông đậu trên đầu voi và nói rằng cậu hãy một lần thử kéo đứt sợi xích xem nào, voi con không tin sức mình có thể làm nổi điều đó, nhưng mỗi ngày chim chích bông cứ kiên trì động viên. Rồi đến một ngày voi con mạnh dạn thử dùng sức kéo sợi xích, dù chưa dùng hết tất cả sức của mình mà sợi xích đã đứt tung, khi đó voi con mới biết là sợi xích dưới chân quá nhỏ bé với sức của mình... Kể câu chuyện ấy, mẹ muốn gửi đến các con một thông điệp là sức, trí lực của các con có thể làm được những việc mà các con chưa bao giờ nghĩ tới. Cách đây hai năm, em trai con cũng đã một lần kéo đứt “sợi xích” vô hình dưới chân mình để thi đậu vào đại học. Mẹ không kỳ vọng các con sẽ là người nổi tiếng, chỉ mong các con thành đạt đúng theo sức của mình (người nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình), đúng vậy không con gái của mẹ?
  Muốn nói với con thật nhiều, muốn dặn dò con thật nhiều khi con đi học xa , bà mẹ nào thì cũng thế thôi. Nhưng mẹ tin là con mẹ sẽ biết phải làm gì trong những trường hợp nào vì từ khi con còn bé tí là con đã được mẹ dạy bảo, căn dặn những điều đó rồi, mẹ tin là con đã thấm vào trong tim.
 Đi xa, khi nào nhớ nhà con hãy thầm hát bài “Quê hương” con nhé, sẽ có khi con khóc vì một hay nhiều điều gì đó mà không có mẹ, có người thân yêu bên cạnh để con tâm sự, giãi bày, để có những lời động viên, tìm hướng giải quyết kịp thời. Nhưng con yên tâm, những người thân yêu của con luôn ở bên con. Bây giờ thông tin liên lạc hiện đại rồi, con hãy nhanh chóng chia sẻ con nhé: Niềm vui chia đôi, niềm vui nhân đôi, nỗi buồn chia đôi, nỗi buồn vơi một nửa, câu này có vẻ xưa nhưng ý nghĩa của nó thì chưa bao giờ lạc hậu đâu con gái ạ. Mẹ không dám nói là mẹ có thể làm được tất cả cho con, nhưng mẹ sẽ làm bằng tất cả khả năng mình có và bằng một trái tim của người Mẹ thì con hãy tin đi, mọi khó khăn nếu con gặp phải trên đường đời con đi sẽ là: Chuyện nhỏ. "Ba, mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con vì con là con ba, vì con là con mẹ.." (Lời một bài hát)
Hôm nay con đi, mẹ chúc con những điều tốt lành nhất sẽ đến với con, con nhớ giữ sức khỏe vì sẽ không có mẹ bên cạnh để nhắc nhở, con tự chăm sóc bản thân mình tốt con nhé. Ở nhà, Bố, mẹ và em cũng sẽ rất nhớ con !!!
  Mẹ của con!

Bài học đầu cho con

Tác giả: Đỗ Trung Quân
Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy hãy yêu?
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Tiếng ếch râm ran bờ ruộng
Con nằm nghe giữa mưa đêm
Quê hương là bàn tay mẹ
Dịu dàng hái lá mồng tơi
Bát canh ngọt ngào tỏa khói
Sau chiều tan học mưa rơi
Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người đều có
Vừa khi mở mắt chào đời
Quê hương là dòng sữa mẹ
Thơm thơm giọt xuống bên nôi
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người./.