Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

LINH TINH! (9/2019)

*Dạo này chẳng biết viết gì lên đây, chuyện hoa,lá,chuyện trong nhà, ngoài ngõ gì cũng viết rồi. Người già thì không đi đâu nhiều để có nhiều đề tài,chỉ quẩn quanh thể dục, chợ búa cơm nước, chẳng có gì mới!
*Gần đây mình lại tiếp tục đi bộ buổi tối với chị bạn xóm bên, hai chị em cứ 18 giờ 30 là đi 3 vòng cư xá, vừa đi vừa tám chỉ 40 phút là xong!(để xem siêng được bao lâu). Thể dục buổi sáng thì duy trì đều đặn!
* Con mèo đang tuổi vị thành niên mà đã dính bầu, cách đây 2 tháng mình tưởng nó còn bé, thấy đã bỏ nhà đi chơi qua đêm nên đi chích ngừa đẻ, ai dè nó đã có bầu trước đó rồi, hôm 25/9 đẻ được 1 con, nhà cửa ta nói toàn nghe mùi nước đái mèo, ăn nhiều, ị nhiều , đái nhiều, phá cũng nhiều, hở ra là mấy cuộn giấy vệ sinh nó lôi nó xé bằng hết thì thôi! Đang yên đang lành lôi mèo về để dọn, vừa dọn vừa càm ràm, chẳng ai bắt phải thế! Gọi cô bán vé số tìm ai thích mèo thì cho họ nuôi, vậy là trong 3 nốt nhạc, mèo lên đường với cô ấy! Giờ còn chó Lu cũng thuộc dạng vô tổ chức, đái, ị khắp nơi! Mình thì thích nhà cửa sạch sẽ, thơm tho mà chó thì nuôi cả đàn mười mấy năm nay, giờ còn mỗi mình Lu thả dưới nhà nên hễ có khách là phải đi theo tìm dấu vết của Lu để dọn!haizzza! chán rồi!

* Anh em nhà Sam- Kem thì cuối tuần mới về ngoại 1 ngày, sam lớn rồi chỉ thích ra ngoài chơi không thích ở trong nhà nên nhiều khi than thở về bà ngoại chán với cả nhà bà không đẹp bằng nhà Sam...! Em Kem còn nhỏ nên vẫn thích bà vì được bế đi xem sông, xem chim, cá...Kem đang tập nói, mỏ chu ra để kêu mèo, biết gọi ba ơi, hỏi các bộ phận trên cơ thể là biết chỉ, người lớn nói gì cũng hiểu, bà nói đi chơi là ra vui vẻ chào ông, rồi đi tìm dép...Kem con gái nhưng nghịch hơn anh Sam hồi bé! Có thau nước là Kem cho một nắm kẹo vào rửa, cho thú bông vào tắm xong thì bê lên uống! Không kịp thời cản Kem thì không biết Kem phá đến đâu!Con gái mà thích leo trèo, chọc phá anh, nhiều khi anh đang chơi, Kem buồn buồn là lại đánh anh một cái, ồn ào mà vui! Hôm rồi anh Sam bị sốt siêu vi phải nghĩ học gần một tuần, chẳng ăn uống gì được người ốm nhom. Nay thì Sam khỏe và đi học lại rồi!
  
Anh em nhà Sam- Kem:





Nhóm tập thể dục buổi sáng:

Bánh xèo chay ngày mưa!

Bún Chả giò tôm và thịt bò xào: 


Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

MÙA MƯA 2019 !


1/Mấy hôm nay SG trời mưa suốt, bầu trời lúc nào cũng xậm xịt! Nếu là cách đây vài năm (là hồi còn đi làm) thì hẳn mình ngán ngẩm bởi mưa thì kèm theo kẹt xe, ghét cái kiểu đi xe mà 2 chân cứ chống để đẩy xe nhích từng cm! Đi từ nhà tới cơ quan có vài km mà mất khá nhiều thời gian! qua rồi cảnh ấy!


Ảnh mưa đẹp
Nghỉ ở nhà thoải mái về thời gian, tưởng là mưa không tới mặt, nắng không tới đầu, ấy vậy mà năm ngoái mình đau cái đầu vì vụ mỗi lần mưa là trong nhà chỗ nào cũng nước, có những lúc mình chán nản đến mức chỉ ước được ở trong một căn nhà cấp 4 với mái tôn nước chảy tuồn tuột xuống cống chứ không kiểu nghẹt cống mà không biết nghẹt đoạn nào! Lúc đó cứ mỗi lần trời xậm xịt muốn mưa là lòng mình ngổn 
ngang với nước! Là phụ nữ, chẳng ai muốn là trụ cột trong gia đình để mà lo nghĩ đủ thứ kiểu như thế! Có mùa mưa trước nữa, mỗi lần mưa to mà nghe chuông điện thoại là giật hết cả mình, chả là căn hộ chung cư cũ của mình trên phố ở lầu trên cùng, nhà đã 100 năm có lẻ nên mưa là thấm từ trên xuống dưới, vậy là bà cô không chồng nhà dưới cứ đè mình ra hỏi tại sao mưa là nhà cô ấy có nước!Mình nói chị cứ kêu thợ sửa làm sao cho nhà chị hết dột còn tiền thợ để em trả, cô ấy không chịu cứ quay quắt bắt mình phải lên giải quyết, haizzzz!Ta nói ăn không ngon, ngủ không yên với bà cô ấy (giọng thì the thé nghe đau hết cả tym), những lúc như thế mình chỉ muốn trốn! Giờ thì cô ấy bán nhà đi chỗ khác rồi, chủ mới họ sửa cống từ trên xuống dưới nên hết thấm và nếu không ổn thì cùng tìm giải pháp khắc phục chứ chẳng ai mưa thì cứ gọi nhà trên để hỏi (dù mình đi khỏi căn nhà ấy đã hơn chục năm).
   Nhà cũ ở phố cổ!(hihi):


2/ Nghỉ ở nhà là mình không còn phải chúi đầu vào hồ sơ để đọc để viết,không phải suy nghĩ với công việc đầu óc! Thời gian qua mình chơi nhiều hơn làm, công việc thời vụ, lu bu vào một thời điểm rồi thư thả khi ổn định, chờ hết hạn hơp đồng lại quay vòng tiếp, nhiều khi cứ chay lông nhông ngoài đường dù nắng dù mưa,vất vả tí mà chả phải suy nghĩ gì nhiều, rảnh thì nghe nhạc, xem phim, nghe phật pháp...Cuộc sống cứ thế trôi trong yên bình! Mình thích thời gian này (chưa quá già, nhưng cũng không còn trẻ để phải lăn lộn với cơm áo, gạo tiền, con cái và sự nghiệp).
3/Ai thì cũng cầu mong cuộc sống khi về già có sức khỏe , có một khoản tiển dưỡng già để trong ngân hàng, có những người bạn tốt, có một không gian riêng và luôn có sự bình an trong tâm! Nhìn lại thì mình chỉ mong vấn đề sức khỏe luôn duy trì ở mức ổn định còn mấy thứ kia thì hình như mình đã có rồi! Người già cần sự bình an trong tâm, đó là điều cần thiết và như vậy thì sức khỏe cũng tốt theo.
4/Mùa mưa, mấy cây hoa trước nhà và trên lầu đều nở đẹp, nhiều lúc đứng ngắm hoa với tiết trời se lạnh, mình cảm thấy hạnh phúc, không mong gì hơn cuộc sống như hiện nay! Cảm ơn đất trời, cảm ơn phước đức của ông, bà, cha mẹ để lại cho mình sự bình an!









Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

VƯỢT DÒNG SINH TỬ !


   (Theo Thích Nguyên Hùng- trong Hoa sen Đất Việt)

Nếu ai đã từng đứng trước một dòng thác lũ sẽ tưởng tượng ra được sự hung hãn của nó, cuồn cuộn cuốn phăng đi và nhận chìm tất cả. Sự sống chết của con người nói riêng, của muôn loài chúng sinh trong lục đạo nói chung, cũng được ví như dòng thác lũ ấy....
Lần nọ, khi đức Phật đang ở trong tu viện Jetavana, một vị Thiên từ cõi trời bay xuống và hỏi: “Làm thế nào để vượt thoát bộc lưu?” (Bộc lưu, dòng thác lũ, từ đó được dùng để chỉ cho dòng hữu vi, dòng tham ái, dòng vô minh, chấp thủ hay dòng sinh tử luân hồi).
                        
Sinh tử như một dòng thác lũ cuồn cuộn cuốn phăng đi bao kiếp sống của chúng sinh, trong Phật giáo, đó là nỗi khổ đau lớn nhất trong những khổ đau của kiếp người. Lẽ hẳn nhiên trong dòng chảy của cuộc đời vẫn có những khúc sông bình lặng, hiền hoà. Song nếu bình tâm nhận diện thật khách quan thì ai cũng nhận ra rằng có quá nhiều sóng gió bão bùng trong dòng chảy của kiếp người, mà bi thương nhất là phải chảy qua cửa tử sinh. Vậy có cách nào để vượt qua dòng thác ấy? Đức Phật trả lời vị Thiên: “Không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu”.
Hình như vẫn chưa hiểu ý đức Thế Tôn, vị Thiên lại hỏi: “Thưa tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu” ? “Này hiền giả, khi đứng lại, thời Ta chìm xuống; khi bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu”.
Trong dòng thác sinh tử luân hồi, đứng lại có nghĩa là chấp ngã, là bám víu vào cái ta, cái của ta; còn bước tới là chạy theo ngoại cảnh, chạy theo những thứ sắc dục, tiền tài, danh vọng, quyền lực... Tất cả đều là nguyên nhân của khổ đau sinh tử luân hồi. Thực ra, bản chất của cuộc đời vốn bất sinh, bất diệt, vốn không có khổ đau.

Khổ đau là do chấp ngã, do nhầm tưởng, do nhận thức sai lầm về bản chất của thế giới và con người. Bản chất của cuộc đời vốn Duyên sinh, Vô ngã mà chúng sinh cứ cho là thường hằng, hữu ngã (đứng lại), rồi khởi tâm tham đắm, chấp thủ, thành ra bị chìm đắm trong khổ đau, trong hận thù, trong chiến tranh. Vì lầm chấp thế giới là thường hằng, hữu ngã cho nên suốt một đời bon chen danh lợi, chạy theo ngoại cảnh, tiền tài, sắc dục (bước tới)... đến nỗi thân tàn ma dại mà mấy ai tỉnh ra!

Người có trí tuệ nhận ra sự thật của cuộc đời và không đành lòng để cho dòng thác sinh tử nhấn chìm hay cuốn trôi đi kiếp sống vốn thật hiếm hoi mới nhặt được này. Người có trí tuệ càng không thể bằng lòng để bị nhấn chìm hay bị cuốn trôi đi khi biết rằng dòng thác loạn sinh tử ấy do chính mình tạo ra.

Nhưng bi kịch của kiếp người là không ai tự nhận mình là kẻ ngu dốt. Đó là một hình thức đứng lại. Ôm ấp những tri kiến, những nhận thức nào đó rồi cho là chân lý là một cách đứng lại khác. Tất cả đều là gốc rễ của khổ đau, của những chướng ngại cho chân lý tràn về...
... Chân lý đang ở xung quanh ta, đã bao lần đến gõ cửa tìm ta, nhưng chúng ta không bao giờ mở cửa trái tim ra để đón nhận nó, vì chúng ta đã trót chất chứa trong đó quá nhiều tri thức mà ta cho là chân lý, như ly nước đã đầy. Đó là một hình thức đứng lại tệ hại nhất!
Một mặt khác, chúng ta thường nghĩ rằng hạnh phúc nằm ở tương lai, ở một ngày mai kia ta có nhiều tiền, có địa vị cao trong xã hội, được nhiều người kính nể… và vì vậy ta chạy theo những thứ ấy, tiền tài, danh vọng… Đó là bước tới. Là bước tới hay bị cuốn trôi. Trong khi đó, hạnh phúc có mặt ngay đây, trong giờ phút hiện tại này, khi ta biết buông bỏ. Buông bỏ là không chạy theo ngoại cảnh, là không bước tới. Ngay khi ấy chúng ta được giải thoát, vượt thoát bộc lưu.
Vấn đề chỉ có vậy, tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được, bởi vì chẳng ai nhận ra rằng mình đang bị nhận chìm hay bị cuốn trôi đi trong dòng thác sinh tử, như dòng nước cuốn trôi cành củi mục. Cho nên, vấn đề quan trọng chưa phải ở chỗ “làm thế nào để vượt thoát bộc lưu”, mà là có thấy rằng mình đang sống trong sự nguy hiểm của dòng thác lũ ấy hay không?
Nếu như quả thật không nhận ra rằng mình đang có nguy cơ bị nhấn chìm hoặc sẽ bị cuốn trôi thì làm gì có ước muốn vượt thoát...
Việc tự thân nhìn thấy sự nguy hiểm của cơn thác lũ hay được người khác chỉ cho thấy đều có giá trị như nhau là cùng đi đến hành động tìm đường vượt ra khỏi vòng hiểm nguy. Đối với dòng thác sinh tử, vốn do tự thân mỗi chúng sinh tạo ra, việc nhận chân ra được sự thật “đây là khổ” là điều kiện cần và đủ để vượt thoát bộc lưu.
Phương tiện để vượt sang đến bờ bên kia, trong đạo Phật thì nhiều, ở đây là chiếc thuyền đầy ắp từ bi và trí tuệ: “không đứng lại, không bước tới”. Không đứng lại, không bước tới là không trú trước vào ngã, ngã sở. Đó chính là “vô trú bát-nhã”. Và như thế, vượt thoát bộc lưu chính là nhờ sự hành trì và thể nhập “vô trú bát-nhã”.

 



Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

CHUYỆN NGƯỜI GIÀ !

                                                  

   ( Bài viết của Tuệ Tâm - theo SOH )

P/s: Bài viết này mình tình cờ đọc được trên mạng, thấy không chỉ dành cho người già 
mà cả cho người sắp..già nên xin đưa về đây cho bạn bè mình cùng đọc:

"Viện dưỡng lão – ngôi nhà cuối cùng của tôi…

Con người khi còn sống, nhu cầu thật sự không quá nhiều, không nên quá đặt nặng vật chất, bởi vì tất cả cuối cùng đều phải trả lại cho cái thế giới này! Chi bằng xem nhiều sách, ở bên cạnh người thân nhiều hơn, yêu mến bạn bè bên cạnh, để cho thế giới này vì có tấm lòng yêu thương của bạn mà trở nên càng tốt đẹp!

....Không phải bất đắc dĩ, thì tôi cũng không muốn đi viện dưỡng lão đâu. Nhưng mà từ khi sinh hoạt hàng ngày không còn có thể tự xoay xở, mà con gái vừa làm việc bận rộn vừa phải chăm sóc cháu trai, không rảnh để quan tâm mình, đây dường như là sự lựa chọn duy nhất đối với tôi. Điều kiện sống ở viện dưỡng lão không tệ: Một mình một gian phòng sạch sẽ, được lắp các đồ điện đơn giản thực dụng, đầy đủ các loại phương tiện giải trí; đồ ăn cũng ngon miệng; phục vụ rất chu đáo, bày trí xung quanh cũng rất đẹp. 
Tuy nhiên giá cả đắt đỏ, tiền hưu của tôi nhất định không đủ trả. Nhưng tôi còn có nhà riêng của mình, đem bán nó đi, tiền cũng không còn là vấn đề nữa.
 Nhưng tài sản còn lại, trong tương lai tôi muốn để dành cho con cái. Con cái lại rất hiểu chuyện, chúng nói: “Tài sản của mẹ thì mẹ tùy ý sử dụng, không cần lo cho bọn con”. Số tiền còn lại đúng là tôi muốn chuẩn bị để vào viện dưỡng lão.
Sống trong nhà, kim chỉ cái gì cũng không thiếu, rương hòm, ngăn tủ, ngăn kéo đều đầy ắp các loại đồ dùng. Quần áo bốn mùa, đồ dùng bốn mùa, chồng chất như núi; tôi thích sưu tầm, tem sưu tầm đã thành từng chồng lớn, ấm tử sa cũng đã hơn mười cái. Còn có rất nhiều vật linh tinh cất giấu, nào là ngọc bích, hạt óc chó, vật trang sức. Đặc biệt là sách, cả một mặt tường là giá sách, chật kín đầy ắp; rượu ngon thì Mao Đài, Ngũ Lương, rượu Tây cũng phải mấy bình. Còn có nguyên bộ đồ điện gia dụng, dụng cụ nấu nướng, nồi niêu xoong chảo, củi gạo dầu muối, đủ loại đồ gia vị, nhét chật đầy phòng bếp; còn hơn chục cuốn album ảnh, nhìn một phòng tràn đầy đồ vật, tôi cũng thấy phát rầu! 
Viện dưỡng lão chỉ có một gian phòng, một cái tủ, một cái bàn, một giường, một ghế sô pha, một tủ lạnh, một máy giặt, một TV, một bếp điện từ, một lò vi ba,căn bản không có chỗ để lưu giữ của cải mà mình tích lũy. Trong chớp mắt, tôi đột nhiên cảm giác được, những của cải này đều là dư thừa, chúng cũng không thuộc về mình…
Tôi chẳng qua là nhìn một cái, chơi một chút, dùng một lát, chúng trên thực tế chỉ thuộc về thế giới này, những sinh mệnh lần lượt lướt qua ta, cũng chỉ là quần chúng. 
Cố Cung là của ai, hoàng đế cho rằng là của trẫm đấy, nhưng bây giờ nó là của nhân dân, của xã hội, chỉ có thể trở thành lịch sử. 
Tôi bỗng nhiên hiểu ra: Tại sao Bill Gates muốn đem cho toàn bộ tài sản của mình; tại sao Jack Ma tuyên bố muốn tặng toàn bộ đồ cất giữ cho viện bảo tàng? Đó là bởi vì bọn họ hiểu rồi: Tất cả vốn dĩ không phải của họ! Bọn họ chẳng qua là nhìn một cái, chơi một chút, dùng một lát, sinh không mang theo, chết không mang đi, chi bằng tích đức làm việc thiện lưu lại phúc cho con cháu. Đó mới thật là sáng suốt! 
Một phòng đồ đạc của tôi, thật muốn đem hiến tặng, nhưng lại không nỡ. Phải xử lý chúng trở thành một vấn đề khó khăn, con cháu lại chẳng dùng được bao nhiêu. 
Tôi có thể tưởng tượng, lúc cháu mình đối mặt với những bảo bối tôi khổ tâm tích lũy thì sẽ đối xử thế nào: Quần áo chăn đệm toàn bộ đều vứt đi; hơn chục cuốn album quý báu bị đốt bỏ; sách bị coi như phế phẩm bán đi; đồ cất giữ không có hứng thú sẽ bị dọn sạch; đồ gỗ lim trong nhà không dùng, cũng sẽ đem bán giá rẻ. Giống như phần cuối Hồng Lâu Mộng: “Chỉ còn lại trắng xóa một mảnh, thật sạch sẽ!” 
Tôi quay lại nhìn đống quần áo như núi, chỉ lấy vài bộ thích mặc; đồ dùng phòng bếp chỉ chừa lại một bộ nồi niêu chén bát. Sách chọn lấy vài cuốn đáng đọc; ấm tử sa chọn lại một cái để uống trà. Mang theo chứng minh thư, giấy chứng nhận người già, thẻ y tế, hộ khẩu, đương nhiên còn có thẻ ngân hàng, vậy là đủ rồi! Đây chính là toàn bộ gia sản của tôi! Tôi đi rồi, từ biệt hàng xóm, đem trả ngôi nhà này lại cho thế giới này!
Đúng vậy, đời người chỉ có thể ngủ một giường, ở một gian phòng, dù nhiều hơn nữa đều là để nhìn chơi. Nhân sinh trên đời, quả thật không cần quá nhiều, đừng quá coi trọng vật chất, bởi vì tất cả cuối cùng đều phải trả lại cho thế giới này! Chi bằng xem nhiều sách, ở bên cạnh người thân, yêu mến bạn bè bên cạnh, làm cho thế giới này bởi vì có tấm lòng yêu thương của bạn mà trở nên càng tốt đẹp. "