U buồn là một cảm giác không vui, buồn bã , thiếu niềm vui, là một trạng thái tâm lý xuất hiện khi có việc không hài lòng với cuộc sống, là kiểu buồn âm thầm lặng lẽ.... Nhưng chuyện mình kể ở đây thì có u mà không có buồn nha ông Giáo (hi!hi):
1/ Đầu năm tự xem tử vi biết năm nay mình gặp hạn Toán tận, hạn này được xem là một trong 8 hạn mà mỗi người đều gặp phải. Nó lặp lại theo một chu kỳ nhất định trong
cuộc đời của mỗi người. Hạn Toán tận chỉ về tiền bạc, sức khỏe
và thường xảy ra đột ngột, nếu nghiêm trọng có khi ảnh hưởng đến tính mạng. Mình không mê tín nhưng nhiều khi thấy trên thực
tế cũng gần đúng.
(hình nhặt trên FB cô Bích Hậu)
2/ Chuyện cũ: Năm 2002, một ngày đẹp trời con gái phát hiện cổ bên trái của
mình to hơn. Đi khám phát hiện bị u đa nhân tuyến giáp (trình về y khoa thấp nên cứ nghe tới u, bướu là hãi).Khi đó mình
mới ngoài 40 tuổi, con cái còn nhỏ nên lo là lỡ có bề gì thì chồng con khổ.(kiểu ảo tưởng). Đi khám ở một BS đầu
ngành về ung bướu trong hơn một năm, cứ 3 tháng đến khám lấy thuốc uống. Rồi sang năm 2003, biết BS đang điều trị cho mình quen với anh bạn đồng nghiệp nên mình nhờ ảnh hỏi dùm có cách nào xử lý triệt để được không ? BS hẹn đến bệnh viện và sau đó quyết định
cho mình mổ, cắt hết một bên thùy trái. Còn lại một bên thùy phải chịu trách
nhiệm cung cấp hormon cho cơ thể. Hồi đó đi mổ một mình, những gì cần giải quyết trong, sau phẫu thuật thì mình nhờ cô y tá quen hỗ trợ. Rồi mọi việc cũng qua vì khi đó mình còn trẻ.
(Tìm hiểu thêm: Tuyến giáp là một tuyến nội tiết trong cơ thể, có hình dạng như một con bướm, gồm hai thùy trái phải liên kết với nhau qua eo giáp và sản xuất hormone. Tuyến giáp nằm trọn vẹn ở vùng cổ trước và dưới sụn giáp . Tuyến này sản sinh ra nội tiết tố giáp để kiểm soát quá trình trao đổi chất của cơ thể và các chức năng cơ bản khác như tiêu hóa, tim mạch, phát triển xương…Bướu giáp đa nhân nhân là sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp, từ đó hình thành nên một hoặc nhiều nốt nhân. Trường hợp tuyến giáp có một khối u, thường nằm một bên cổ. Nhân giáp có thể là đơn nhân hoặc đa nhân, lành tính hoặc ác tính. Phần lớn bướu giáp nhân không gây triệu chứng và thường được phát hiện tình cờ qua siêu âm cổ. Theo thống kê thì càng lớn tuổi càng dễ bị bướu giáp nhân. Tỷ lệ khoảng 7% ở nhóm tuổi trưởng thành và khoảng 5% ở nữ ; 1% ở nam. Tuy nhiên tỷ lệ mắc nhân ác tính phổ biến ở nam hơn nữ).
3/...Cứ tưởng vậy là ổn, nhưng năm 2017, trong một lần đi
khám tổng quát, BS nhìn cổ và nói mình có u ở tuyến giáp bên phải, đi siêu âm
kiểm tra ra kết quả là bị bướu đa nhân tiếp. BS nói cứ sống chung với nó vì: Bướu giáp nhân là
bệnh tuyến giáp thường gặp, đặc biệt là ở phụ nữ, phần lớn là lành tính và hàng
năm chỉ cần đi kiểm tra: siêu âm xem nhân có lớn thêm không và xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ của các hormone do tuyến giáp sản xuất gồm: hormon thyroxine
(T4) ; triiodothyronine (T3) và một loại hormon do tuyến yên sản xuất (TSH) có
tác động tới tuyến giáp, dựa
vào các thông số trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ xác định được người bệnh
có đang bị rối loạn chức năng tuyến giáp không để ra phác đồ điều trị, nếu các chỉ số ở mức bình thường thì "sống chung với ...lũ".
3/ Chuyện mới: Mình sống chung với đa nhân tuyến giáp như vậy cho đến hai năm
nay thì có cảm giác bị chèn ép ở cổ, nuốt khó nên đi kiểm tra, các chỉ số về nồng độ
hormone tuyến giáp bình thường, nhưng bướu giáp thì lớn hơn so với lần kiểm tra trước, nên mình nghĩ là phải “xử lý” nó thôi, để lâu, già sức khỏe yếu sẽ khó giải quyết hơn. Bây giờ kỹ thuật hiện đại, không như
20 năm trước phải mổ, nằm viện mấy ngày, nghỉ sau mổ cả tuần mới hồi phục và phải cắt hết một bên thùy trái.
Mình đã nghe về kỹ
thuật đốt sóng cao tần vài năm trước nhưng chưa được áp dụng đại trà như hiện nay. Tìm hiểu
nhiều bài viết, video của các chuyên gia, BS mình thấy kỹ thuật này tiên tiến,
mà phàm cái gì mới, nhiều ưu điểm, máy móc hiện đại thì tốn nhiều money. Nghiên
cứu, nghe ngóng thêm 2 tuần và mình quyết định đến một phòng khám tư của một
BS chuyên về đốt sóng cao tần tuyến giáp (BS đang
làm việc ở một BV chuyên khoa ung bướu). Hẹn ngày khám, các bước làm nhanh gọn gồm:
Siêu âm thăm khám xong thì BS tư vấn để bệnh
nhân tự quyết định nên mổ hay đốt sóng cao tần. Cụ thể trường hợp của mình các
nhân đã xâm lấn hết ¾ thùy phải nên theo BS thì có 2 hướng xử lý sau:
Một là: mổ, c.ắt trọn
thùy phải, ưu điểm là không còn chỗ cho nhân mọc lại và chi phí thì được bảo
hiểm chi trả một phần. Còn khuyết: mổ thì khả năng vết mổ cũ lâu ngày có thể bị
dính và sau mổ để lại sẹo gây mất thẩm mỹ nhưng mình đã lớn tuổi không cần …đẹp hơn hiện nay nên có phải mổ cũng không sao. Mổ thì phải vào viện, gây mê… và nằm
lại vài ngày để theo dõi, nếu
cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, (cả hai thùy) thì mình phải dùng thuốc (trọn phần
đời còn lại) để thay thế sự thiếu hụt hormone giáp tự nhiên trong cơ thể.
(Viết thêm để hiểu cho tường tận vấn đề: Cơ thể
con người có thể sống mà không cần tuyến giáp, nhưng việc phẫu thuật cắt bỏ toản
bộ tuyến giáp sẽ ảnh hưởng đến cơ thể. Nếu chỉ cắt bỏ một thùy
tuyến giáp, thùy còn lại vẫn hoạt động thì người bệnh chỉ cần sử dụng hormone
tuyến giáp bổ sung trong một thời gian sau mổ rồi ngưng vì thùy bên còn lại sẽ bổ sung hormone. Khi cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, tức cả
hai thùy thì cơ thể không sản xuất hormone nữa, do đó người bệnh cần
uống thuốc thay thế hormone này suốt đời để duy trì chức năng cơ bản của cơ thể. sau khi thực hiện phẫu thuật lại cần phải thường xuyên kiểm
tra sức khỏe và điều chỉnh liều lượng hormone giáp để đảm bảo cân bằng hormone
trong cơ thể)
Hai là: đốt song cao tần (RFA). Do bướu đã ăn gần như
trọn thùy phải nên chỉ có thể giữ lại một phần nhỏ. Việc uống thuốc bổ sung
hormone là bắt buộc dù mổ hay đốt. Nhưng nếu mình quên uống thuốc một tuần thì
vẫn ok do phần thùy còn lại tuy ít vẫn sản xuất ra hormone. Ưu điểm của thủ thuật
này là giúp hạn chế tối thiểu nguy cơ biến chứng phẫu
thuật do phương pháp gây mê trong phẫu thuật. Đầu dò kim của phương
pháp điều trị sóng cao tần giúp đi sâu vào trung tâm cấu trúc khối u,
nhờ năng lượng dòng điện giúp tiêu diệt các tế bào u từ lành tính tới ác tính.
Trong khi thực hiện thủ
thuật, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn. Quá trình đốt sóng u tuyến giáp được thực
hiện qua đầu kim nhỏ nên không để lại sẹo lớn. Sau đốt sóng, người bệnh chỉ cần nằm
nghỉ 30-60 phút và có thể ra về, nghỉ ngơi thời gian ngắn là có thể ăn, chơi như người bình thường. Riêng mình thì sau đốt sẽ còn lại một phần nhỏ tuyến giáp nên khả năng nhân mọc lại trên phần thùy này
trong tương lai là rất có thể (5 năm- 10 năm hay bao lâu mọc tiếp là do …cách
ăn ở của mình! hì). BS lưu ý chi phí đốt cao hơn mổ và theo mình thăm dò thì kỹ
thuật này mới chưa được chi bảo hiểm.
Sau khi nghe BS tư vấn mình quyết định trong một nốt
nhạc là "xử lý nó" theo cách đốt sóng cao tần. Bước tiếp theo là BS tiến hành chọc hút tế bào lấy
mẫu mô làm xét nghiệm (sinh thiết) để kiểm tra, xác định xem khối u lành tính hay ác tính. Rồi lấy m.áu để xét nghiệm...mọi việc chỉ tiến hành trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ và chiều cùng ngày phòng
khám gửi kết quả sinh thiết của mình là : lành tính.
Phòng khám (PK) đặt lịch ngày 21/12 mình vào BV Gia Định để BS đốt sóng cao tần, nhưng sáng ngày 20 PK gọi báo 11 giờ 30 cùng ngày tới BV để làm. Đến đúng hẹn, vào phòng chờ cùng hai bệnh nhân khác. Không hên là hôm đó BS phải xử lý việc ở BV nên thay vì 12 giờ làm thì 15 giờ BS mới tới làm. Mình chờ đợi lâu nên mệt, trong 3 người, mình là ca phức tạp nhất nên phải làm sau cùng nhưng lại được đưa vào phòng mổ sớm nên chứng kiến BS đốt cho 2 ca kia (hai người kia làm một tiếng thì riêng mình cũng gần một tiếng đồng hồ mới xong). Do mệt vì chờ đợi lâu thêm căng thẳng nên trong quá trình làm huyết áp của mình lên quá cao (BS phải dừng để xử lý vụ huyết áp, tạm ổn thì mới làm tiếp). Túm váy lại là có chút trục trặc kỹ thuật và số mình còn hên lắm luôn. Kết quả cuối cùng sau những "bất ổn" thì đã xử lý xong những nhân giáp. Việc tiếp theo là tái khám sau đốt 1 tuần, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm, trong thời gian đó về lý thuyết là u sẽ hoại tử và teo dần đến hết.
*/ Như vậy là sau đúng 20 năm, mình bị lại bệnh cũ và hiện nay gần như là 2 thùy đã “lên đường” đi trước các bộ phận khác của cơ thể. Hạn Toán tận là
không biết trước, và tử vi của mình nói rằng mình mà đã nghĩ đến chuyện gì là làm ngay và luôn không chần chừ, chuẩn phải không ông Giáo?
Cuối năm dương lịch xử lý những chuyện cần xử lý để sang năm mới với một tâm thế mới,sống là phải sống vui, sống khỏe. Kể chuyện mình đi đốt sóng cao tần tuyến giáp một mình (là mình thấy không cần thiết phải có người đi kèm, nhiều khi người ngồi chờ còn mệt mỏi hơn cả người bệnh. Mặt khác đây chỉ là một thủ thuật trong y khoa nên chỗ PK cũng nói không cần người đi cùng). Trường hợp của mình có chút sự cố, nhóm "quý bà" cứ bảo sao không gọi đi cùng, xin cảm ơn các chị, em nhưng tử vi của mình đã nói rồi: là Người cô đơn, vất vả (và chuyện sống, ch.ết cũng có số).
( Thông tin tìm hiểu qua Google: Đốt sóng cao tần (RFA) là thủ thuật sử dụng sóng cao tần đưa vào u tuyến giáp là một kỹ thuật xâm lấn tối thiểu qua da qua một đầu kim dưới hướng dẫn của siêu âm, sử dụng năng lượng nhiệt nhằm để tiêu diệt các khối u, bướu trong tuyến giáp. Các tế bào được tiêu diệt bằng sóng cao tần sẽ tiêu giảm dần theo thời gian, đây là phương pháp điều trị y khoa hiện đại, an toàn, không mổ, đang được sử dụng phổ biến hiện nay giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng đặc biệt với các ca phẫu thuật mổ mở, đảm bảo tính thẩm mỹ trong điều trị. Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ, vô khuẩn vùng cổ và tiến hành đốt sóng.
Cơ chế hoạt động của phương pháp này là
do sự ma sát của các icon trong mô bị tiêu hủy dưới dòng điện xoay chiều có tần
số cao, nằm trong khoảng sóng âm thanh. Nhiệt độ dòng điện duy trì trong trung
tâm khối u ở mức 60-100 độ C. Dòng điện được truyền vào khối u thông qua một
điện cực dạng kim, sóng radio được truyền qua đầu kim và sinh nhiệt. Dòng năng
lượng nhiệt này làm tăng ma sát trong mô khối u, làm các tế bào mất nước, dẫn
đến hoại tử đông khối u.Thể tích khối bướu giáp sau đốt sóng sẽ giảm dần qua thời
gian. Sau 3 tháng đốt sóng, kích thước khối u có thể giảm từ 40-70%, sau một
năm có thể chỉ còn mô sẹo).