Mẹ mình là nữ hộ sinh ở trạm y tế xã (trạm xá), nói là nữ hộ sinh nhưng mẹ mình không chỉ đỡ đẻ mà kiêm
nhiệm nhiều việc khác. Trạm xá xã ngày ấy (mình chỉ nhớ và ấn tượng thời
gian từ 1968 đến 1974 vì mình là thế hệ 6X) có 4 người phụ nữ, mẹ mình
lớn tuổi nhất. Có một trạm Trưởng là y sỹ (mình
nhớ có thời điểm là chú Tứ, rồi dì Nhâm), một người phụ trách tủ thuốc (dì
Liễu), một y tá (dì Vinh) và mẹ mình như trên mình đã nói là bà đỡ. Mọi người
trong trạm xá đều có thể vừa là y tá (chích thuốc), vừa là hộ lý và khi cần vẫn
có thể đỡ đẻ thay mẹ mình. Nhưng có lẽ mẹ mình là một bà đỡ mát tay dù tính bà có
thể nói là nóng như ...lửa (ahi!hi). Các sản phụ ngày ấy chắc không quên mẹ
mình vì bà rất tận tâm với công việc, tay nghề cứng nhưng cũng sẵn sàng làm các
cô, các chị xấu cái hổ nếu đau đẻ mà la...to, hoặc đang từ ruộng cấy về
chưa kịp rửa chân...mà leo lên bàn đẻ...
Mẹ mình học nghề hộ sinh từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước
(học trường lớp hẳn hoi, có mấy cuốn sách dạy đỡ đẻ mẹ giữ lại, hồi
còn ở nhà mình thi thoảng vẫn lôi ra xem giải buồn). Mẹ mình tuy nóng
tính nhưng mát tay nên tâm lý của sản phụ và người nhà luôn muốn mẹ mình đỡ.
Nhiều người đi thoát ly làm việc nhưng đến ngày sinh con lại về quê và mẹ mình
là người được nhờ...làm bà mụ. Nhà mình hồi ấy ăn sổ gạo (thuộc diện phi nông nghiệp) nhưng nếp, khoai lang thì ăn không hết
vì sau khi đẻ mẹ tròn con vuông thì người ta mang đến biếu bà đỡ. Quà quê chỉ
vậy thôi nhưng tấm lòng của bà con cô bác đối với mẹ mình thì hẳn đến bây giờ
nhiều người ở xã vẫn chưa quên bà ..."Châu
tiêm" (Châu là tên chồng của mẹ
mình, còn tiêm là vì bà làm ở trạm xá- gọi theo nghề của bà).
Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, công việc của mẹ mình được
mọi người quý lắm. Tuy có trạm y tế, nhưng không phải ai cũng đến kịp trạm xá
để đẻ, nhiều khi đang dở tay cấy, gặt ngoài đồng không kịp về nhà là tạt vào
trạm xá đẻ luôn hoặc đang làm việc tại nhà mà đau bụng không đi kịp đến trạm xá
thì người nhà tới thẳng nhà mình kêu mẹ mình đến tận nhà đỡ. Những năm 1965 đến
1968, anh, chị mình đã đi thoát ly nhà chỉ có 2 mẹ con nên nếu là ban đêm có
người gọi đi đỡ đẻ, nhiều khi mẹ mình vác cả mình đi trong đêm. Những năm ấy
chiến tranh ác liệt, mẹ mình còn đi cứu
thương (thương binh ở chiến trường ra)...
Mình cũng hay được mẹ dắt đi theo từ đầu xã đến cuối xã (hồi
đó còn là xã Đức Phong- rồi Châu Phong, mãi sau này mới sáp nhập với Đức Sơn
nên gọi là Tùng Ảnh),mình rất thích được đi theo mẹ như thế vì mọi người quý mẹ
mình và mình được ăn theo sự “nổi
tiếng" này. Vào nhà ai chơi hễ có quả cam, trái chuối, khúc mía, quả
ổi là ưu tiên cho mình (mình tự hào khi
có người mẹ nổi tiếng cấp xã dù chỉ là nữ hộ sinh).Những năm mẹ mình ở SG
với mình, lâu lâu lại có người đến thăm, hỏi ra mới biết là các cô, cậu ấy là
do mẹ mình ...đỡ !
Mẹ mình ngoài việc chính là đỡ đẻ thì còn tham gia Hội phụ
nữ xã nên cũng có nhiều công việc để đi, như đi vận động sinh đẻ có kế hoạch, đi
họp phụ nữ xã, huyện rồi đi phòng chống dịch bệnh, chích ngừa ở các xóm.(hồi ấy còn có nhỏ mũi bằng dung dịch tỏi
chống cảm cúm- Khi chích ngừa thì bọn trẻ tụi mình dạt xa cái bàn mà mẹ mình
chích vì ...sợ! ahu!hu). Còn nhớ hồi í thỉnh thoảng mẹ mình còn thổi cho
mình một quả bong bóng (như bóng bay)
có cái đầu hình ngộ lắm, mãi sau này lớn mình mới biết mẹ mình lấy cái bao cao
su thổi cho mình chơi! (cái này là một dạng quảng cáo cho phong trào sinh đẻ có
kế hoạch) hi!hi! phải nói là mẹ mình cũng sáng tạo thật, vụ bóng bay này thì mấy đứa trẻ con hàng xóm
bạn mình thấy cũng thích!
... Nhà mình ở gần sông, ở giữa sông có một bãi bồi (gọi là làng Soi) những gia đình ở bên
bãi Soi vào mùa nước lụt thì rất vất vả, bù lại hoa màu bên ấy rất tươi tốt .
Mình thích được mẹ dẫn sang Soi vì được đi qua sông bằng đò, cảm giác vừa thích
vừa sợ. Có hai xóm là Soi trên và Soi dưới, mỗi xóm có một bến đò và mỗi
bến chỉ có một con đò (mình không biết có
phải là đò của HTX hay của riêng nhà ai, vì lúc đó mình còn bé không tìm hiểu
kỹ). Mình hay theo mẹ sang xóm Soi dưới vì bến đò gần nhà, Soi trên thì ít
theo mẹ vì xa hơn.
Thường là nếu có ai bên Soi sang bên này đi công việc thì đò
sẽ được neo lại tại bến, ai về lại Soi thì cứ thế mà chèo về (không có người chuyên đưa đò) vì thế từ
con nít đến người già ở xóm Soi đều biết chèo đò. Nếu hôm nào mẹ con mình
sang Soi, ra gặp có ai về Soi thì đi cùng, nếu có đò neo tại bến thì mẹ mình sẽ
tự chèo sang, mẹ mình chèo đò, tuy không khéo như dân làng Soi, nhưng chèo một hồi cũng
sang tới, có thể chệch so với điểm cần đến một đoạn, nhưng không sao, mẹ mình
lên bờ rồi xuống kéo đò lại bến !ahi!hi (mình cũng
đã từng ngưỡng mộ mẹ vì bà biết chèo đò)...Nhưng không phải khi nào
sang Soi thì đò cũng nằm ở bên này bến, nên muốn sang Soi mẹ mình sẽ đứng trên đê và gọi:
Đò ơi ơi ơi ơiiiiiii….!
Khi nghe tiếng gọi đò, nhà dì Tường gần bến đò nghe,
biết là mẹ mình, có trẻ con thì kêu chèo đò sang đón, không có trẻ con ở nhà thì
thường là dì Tường chèo đò sang đón mẹ, con mình qua Soi. (có năm cũng lâu rồi, mình về quê giỗ mẹ ,mình lại muốn được thêm một lần nhớ mẹ khi sang Soi nên đã cùng chị gái theo dì Hòe sang Soi, khi sang thì dì Hòe chèo đò còn khi về dì Tường đưa về).
Mình còn nhớ nhà dì Tường có mấy đứa con sàn sàn tuổi nhau,
có đứa con gái lớn bằng tuổi mình tên Hương. Mỗi lần mình sang nếu H ở nhà là 2 đứa lang thang ra phía sau bãi xem những cây dại mọc và đi hái chùm
trái đo đỏ (chẳng nhớ trái gì).
Cũng có khi mẹ mình sang bên Soi nhưng mình không được đi theo, nhưng ở trong nhà mình vẫn nghe tiếng mẹ gọi
: Đò ơi ơi ơi ơiiiiiii…. trên đê!
...Giờ thì mẹ mình đã về với tổ tiên hai mươi mấy năm rồi, còn
mình thì đã xa quê tính ra cũng gần bốn mươi năm, mỗi lần có dịp về quê ngoại, gặp
các cụ già ngoài đường hỏi thăm con ai, khi nghe nói mình con ...mẹ mình thì
mọi người nhận ra ngay! (nhận ra mẹ mình
trước rồi nhận ra mình sau, hi!hi, mình chỉ ăn theo sự nổi tiếng của mẹ mình
thôi).
Ở thành phố mà thi thoảng mình vẫn như còn nghe tiếng mẹ gọi đò... trong đêm!
Hai mẹ con năm 1993: