+ Ai đã từng đọc, nghe truyện Kiều thì không thể không biết Thúy Vân, nàng chính là em của Thúy Kiều (Đầu lòng hai ả Tố Nga/ Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân), chị của Vương Quan và là vợ của Kim Trọng (người yêu của Thúy Kiều).
Trong truyện Kiều, Thúy Vân là nhân vật phụ, là cái bóng mờ nhạt bên cạnh người chị gái tài sắc, vẹn toàn. Khi tả về Thúy Kiều, Nguyễn Du để cho Kiều được bộc lộ vẻ đẹp hơn người và khi gặp cảnh trái ngang cũng cho nàng được quyền giãi bày, được nói hết tâm tư, tình cảm của mình, bởi vậy mọi người dành hết lời khen, sự thương cảm cho Kiều.
Còn Thúy Vân thì không
được như vậy vì nàng chỉ "làm nền" cho Thúy Kiều nổi bật, khi tìm hiểu về nhân vật Thúy Vân ta mới thấy cuộc đời nàng tuy yên
ả, không sóng gió, chìm nổi, lênh đênh như Kiều nhưng đời nàng có nhiều bi kịch hơn
là hạnh phúc.
“Kiều ơi em đợi kiếp nào để yêu !”
1/Về vẻ đẹp của Thúy Vân được Nguyễn Du tả rất ấn tượng:
“Vân xem trang trọng khác vời.
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết hờn màu da”.
Thúy
Vân đẹp là vậy nhưng nàng vẫn thua chị gái cả về sắc và tài:
“Kiều
càng sắc sảo mặn mà,
so bề tài sắc lại là phần hơn.”
…
“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề
riêng ăn đứt Hồ cầm một trương."
2/Khi gia đình họ Vương đang sống trong cảnh bình yên:“Êm đềm tướng rủ màn che/Tường đông ong bướm đi về mặc ai” thì gặp
cơn gia biến, Thúy Kiều đã không tiếc thân mình, từ bỏ chữ tình, bán mình chuộc
cha cho tròn chữ hiếu. Trong cảnh như vậy, Thúy Vân chắc chắn có
nhiều suy nghĩ. Khi thấy chị phải bán mình cứu gia đình, nàng cảm
thấy áy náy:“Cơ trời dâu bể đa đoan/Một
nhà để chị riêng oan một mình”,nàng rất muốn làm một điều gì đó để trả ơn
chị gái. Nghĩ vậy nên khi Kiều:"Hở môi thì cũng thẹn thùng/Để lòng thì lại phụ lòng với ai", nói với Vân:“Ngồi
lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”, là khi Kiều muốn trao duyên, gửi mối tình
đầu của mình với Kim Trọng cho Thúy Vân thì nàng không dám chối từ mà lặng im ngồi
nghe chị giãi bày và giữ lại trong lòng mình lời muốn nói với chị là : nàng không yêu Kim Trọng.
...Thương
chị phải bán mình cứu gia đình, đó là sự hy sinh cao cả không gì có thể sánh
bằng thì việc nàng: lấy người
yêu chị làm chồng, dù gì thì cũng quá nhỏ bé nên nàng không thể (không có cơ hội) để nói tâm tư của mình.Trong khi Thúy Kiều được quyền khóc khi chia tay tình đầu thì ngược lại Vân im lặng mà nếu
được khóc thì hẳn nước mắt của Vân không dành cho Kim Trọng.
Trong sâu thẳm trái tim mình, nàng cũng có những khát khao của tuổi thanh xuân,
nội tâm nàng cũng giằng xé, đau đớn không thua gì chị mình...
3/Nếu
như Kiều phải chịu nhiều cay đắng, ê chề trong suốt 15 năm lưu lạc (thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần) đến
nỗi phải nhảy xuống sông Tiền Đường để giải thoát (may được cứu sống). Nhưng dù
ở tận cùng của sự đau khổ, Kiều cũng đã được hưởng niềm hạnh phúc ngọt ngào của mối
đầu với Kim Trọng. Rồi sau đó dù chìm nổi ba đào Kiều vẫn có những tháng
ngày hạnh phúc bên Thúc Sinh và mặn nồng tình chồng vợ bên Từ Hải. Hai mối tình
sau này tuy mang nhiều ân nghĩa, không say mê như tình đầu :Thúc Sinh yêu Kiều thật
sự nhưng chỉ vì sợ vợ và nhu nhược nên hai người phải chia tay trong ê chề bởi sự ghen tuông của Hoạn Thư. Còn Từ Hải không những yêu thương Kiều mà còn cho
Kiều những tháng ngày làm vợ hạnh phúc, giúp Kiều được ân đền , oán trả: “Cùng nhau trông mặt cả cười/ dang tay về
chốn chướng mai tự tình”. Những hạnh phúc đó của Kiều là “sờ, nắm” được, không phải hạnh phúc giả
tạo.
Còn
Vân thì sao? Kể từ khi :“ Gặp cơn binh
địa ba đào/ lại đem tình chị buộc vào duyên em” thì coi như hạnh phúc lứa
đôi của Thúy Vân chấm hết từ đây.
Thúy Vân không trách Kiều đã buộc mình vào mối duyên oan nghiệt với Kim
Trọng mà nếu có trách thì trách Kiều đã quên nàng cũng là một người
con gái có trái tim biết yêu và khao khát được yêu như chị. Vì muốn chị được
yên lòng trước khi rời gia đình mà Vân đành phải chấp nhận thay chị thực hiện lời hẹn ước,
lấy Kim Trọng làm chồng và nàng đã chôn chặt cõi lòng mình. Hẳn có lúc Thúy
Vân đã thầm ước, được yêu say đắm như chị để rồi có phải trả giá bằng mười lăm
năm đoạn trường hẳn nàng cũng cam lòng!
Thúy
Vân khao khát được yêu, nhưng không thể từ chối đề nghị của chị (lấy Kim
Trọng làm chồng), làm sao nàng có thể từ chối điều đó khi chị nàng phải bán thân
mình vì
chữ hiếu mà phải bỏ chữ tình. Vậy cớ gì nàng lại không thể bỏ chữ tình để
làm tròn chữ nghĩa với chị, vậy nên nàng dấu kín nỗi niềm của mình. Xét ra, sự im lặng đó của nàng cũng là một sự hy
sinh, không thua gì sự hy sinh của Kiều cho gia đình.
…Trong Mười lăm năm lưu lạc, Kiều chịu nhiều ê chề, đau đớn cả
về thể xác lẫn tinh thần thì mười lăm năm đó Vân chung sống với Kim Trọng. Thử
hỏi nàng có khi nào được hạnh phúc như chị mình khi sống với Thúc
Sinh hay Từ Hải không ?
+ Về phần Kim Trọng, mười lăm năm trước, khi nghe tin Kiều phải bán mình chuộc cha, chàng đã từng đau đớn, xót thương đến độ :
“Vật mình vẫy gió tuôn
mưa,
Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai.
Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi,
Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê”
Hay :
“Ruột tằm ngày một héo hon,
Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve.
Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê,
Máu theo nước mắt hồn
lìa chiêm bao”.
+ Thời gian đầu khi mới cưới Thúy Vân làm vợ, Kim Trọng vẫn
chưa lúc nào thôi nhung nhớ Kiều:
“Tuy rằng vui chữ vu quy.
Vui này đã cất sầu kia được nào!
Khi ăn ở lúc ra vào,
Càng âu duyên mới càng dào tình xưa.
Nỗi nàng nhớ đến bao
giờ,
Tuôn châu đòi trận, vò
tơ trăm vòng.
Có khi vắng vẻ thư
phòng,
Đốt lò hương, giở phím
đồng ngày xưa.
Bẻ bai, rủ rỉ tiếng tơ,
Trầm bay nhạt khói, gió
đưa lay rèm
Dường như bên chái,
trước thềm,
Tiếng Kiều đồng vọng, bóng xiêm mơ màng.
Bởi lòng tạc đá ghi
vàng,
Tưởng nàng nên lại thấy
nàng về đây”. (từ câu 2843 đến câu 2856)
+ Còn trong mười lăm năm làm
chồng Thúy Vân, trái tim của chàng Kim chưa hề một lần dành cho nàng, chưa bao giờ Kim Trọng tỏ ra quan tâm hay chung
thủy với vợ mà luôn nghĩ về mối tình đầu với Kiều: “Vui là vui gượng kẻo là/ Ai tri âm đó mặn mà với ai” hay: “Những là rày ước mai ao/Mười lăm năm ấy
biết bào nhiều tình!”
Nhìn chung thì cuộc đời Kiều thật bất hạnh nhưng xét ra nàng đã có được
mối tình đầu với Kim Trọng rất đẹp, còn về sau lại có thêm tình yêu của Thúc
Sinh và Từ Hải. Còn Thúy Vân, nàng chưa hề được yêu, nàng chưa một lần được
chạm đến cảm xúc của tình yêu.
“… Gặp cơn binh địa ba đào,
Vậy đem duyên chị buộc
vào duyên em.
Cũng là phận cải, duyên kim ,
Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao.”
Mặt khác, Kiều dù đã trao duyên cho em nhưng vẫn không thể
dứt tình với người yêu: "Chiếc thoa
với bức tờ mây/Duyên này thì giữ vật này của chung". (đây là những kỷ
vật mà Kim Trọng trao cho Thúy Kiều để làm tin khi hai người hẹn ước, khi giao
lại cho Vân rồi Kiều vẫn muốn đó là của chung??). Dù tự nguyện trao kỷ vật cho em nhưng
nàng không thanh thản vì tim nàng vẫn giữ chặt lấy tình yêu đó, nàng mong sau này Kim
Trọng và em gái dù là vợ chồng cũng đừng quên nàng. Cứ như vậy thì hỏi sao Thúy Vân có thể
sống hạnh phúc với Kim Trọng được :
” Mất người còn chút
của tin
Phím đàn với mảnh hương
nguyền ngày xưa.
Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy xe tơ
phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá
cây,
Gió hiu hiu thổi thì
hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời
thề.
Nát thân bồ liễu đền
ghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất
lời
Rảy xin chén nước cho
người thác oan.”
Trong hoàn cảnh trớ trêu như vậy, Thúy Vân cũng không thể buông
lời trách chị hay trách chồng mình, nàng im lặng chịu đựng. Đó chính là nỗi niềm, là
bi kịch của Thúy Vân.
3/Ngày Thúy Kiều được trở về đoàn viên cùng gia đình, trước
những gì mà chị mình đã phải trải qua trong mười lăm lưu lạc ấy, Thúy Vân lại
một lần nữa hy sinh hạnh phúc riêng của mình (dù đó là hạnh phúc mong manh,
hờ hững) nhưng đó lại là thứ hạnh phúc duy nhất nàng đang có để đem “trả’ chồng mình cho chị. Nàng nói
với chị mà như nói với chính mình:
“Bây giờ gương vỡ lại
lành,
Khuôn thiêng lừa lọc đã
đành có nơi.
Còn duyên may lại còn
người,
Còn vầng trăng bạc còn
lời nguyền xưa.
Quả mai ba bảy đương
vừa,
Đào non sớm liệu xe tơ
kịp thì”.
Việc đề nghị "trả" chồng cho chị của Thúy Vân là một bi kịch nữa trong đời nàng!
4/ Viết đầy đủ về bi kịch của cuộc đời Thúy Vân thì nhà Thơ Trương Nam Hương có bài thơ “Tâm Sự nàng Thúy Vân” đầy cảm xúc, lột tả hết tâm tư của Thúy Vân, nói hết được hoàn cảnh éo le của nàng đó là :“tình chị duyên em”.
(Bài thơ này mình rất thích và đã từng chép lại trong bài
viết cùng tên đăng năm 2020):
“Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành,
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim.
Ơ kìa! Sao chị ngồi im
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên.
Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ khuất, đừng quên người còn.
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu
Là em nói vậy thôi Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không,
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường.
Chị nhiều hờn giận yêu thương,
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò.
Em chưa được thế bao giờ,
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim.
Em thành vợ của chàng Kim,
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao.
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu?”.
Một vài ý kiến phân tích bài thơ :
… “Với Thúy Kiều, sau mười lăm năm cạn chén đoạn trường, mười lăm năm trầm
luân, đau khổ, đọa đầy thân xác, nay nàng trở về đoàn tụ với tình đầu với gia
đình, còn Thúy Vân thì đó lại là mười lăm năm vì thương chị nên đánh đắm con đò
hạnh phúc của mình giữa dòng đời mà không ai thấu hiểu. Tuổi xuân trôi đi, nhạt
nhòa trong nước mắt, mười lăm năm “Con đò xuân xanh” của Vân trôi đi trong
vô vọng có chồng mà không có tình yêu : “Lấy người yêu chị làm chồng/Đời
em thể thắt một vòng oan khiên” . Thật là một cuộc hôn nhân oan trái :”lấy
người yêu chị làm chồng”
+ Kiều có đau thương nhưng cũng có
những giờ phút yêu và được yêu kể cả được vinh hiển, tỏa sáng. Còn Thúy Vân thì
không:
"Chị nhiều hờn giận, yêu thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim”.
+ Những câu thơ cuối tác giả tả nỗi cô đơn
tột cùng của Thúy Vân, cái kết của một bi kịch trong cảnh đoàn viên bẽ bàng,
ngang trái:
Em thành vợ của chàng Kim.
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao.
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!
Câu hỏi: “Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu” nghe
thật buồn và không có câu trả lời vì kiếp này nàng đã là vợ chàng
Kim nên phải làm tròn nghĩa vụ của một người vợ. Nhưng nàng vẫn đau đáu
muốn biết đến bao giờ, đến bao giờ nàng mới được một lần dưới: "vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn
hò" như chị nàng ?”
Một lần nữa xin cảm ơn tác giả Trương Nam Hương đã
cho ta thấy một cách công bằng và đầy đủ bi kịch của cuộc đời Thúy Vân là: cũng
đau khổ không kém gì Thúy Kiều…!