1/ “Mai” là tên một bộ
phim của Trấn Thành, dịp tết (2024) bạn bè rủ nhau đi xem, nghe nói phim hay, biết vậy
thôi chứ mình không có thời gian ra rạp. Giữa tuần, khi đã hết trend Sư Minh
Tuệ, mình vào Netflix (là dịch vụ xem
phim và các chương trình truyền hình trực tuyến của Mỹ. Vì là dịch vụ nên
muốn xem trên tivi, Aipad, điện thoại thì phải đăng ký và đóng tiền). Thấy
phim “MAI” đã được đưa lên Netflix, mình xem, thấy …cũng được. Nhớ câu kết
cuối phim của nhân vật Mai là :“Cảm ơn
anh đã không đợi em”.!
2/ Hãy nhìn vào bên
trong bạn!
+" Phật giáo là đạo của tâm, nên người nào đào luyện tâm, người đó thực
hành Phật giáo. Đức Phật dạy chúng ta hãy xét đoán chính mình
mà đừng xét đoán người khác dầu họ tốt xấu thế nào đi nữa. Chúng ta hãy vất bỏ tất cả những gì làm tâm ta đau khổ trong
khi hành thiền. Phiền não đau khổ, chứ không phải tâm đau khổ. Đức Phật chỉ cho ta con đường và nói: “ Chân lý là như vậy đó ”. Kết luận là: Ai biết nhìn
vào trong tự thân mình thì người đó tỉnh thức: "Đạo
không nằm trên bầu trời. Đạo nằm trong tim." "
+ Có người chỉ, nên đang đọc, để hiểu:
+ Hết trend Sư Minh Tuệ nhưng nhìn thấy những nụ cười an lạc như này vẫn ...mê:
3/ Tập nhìn vào trong tâm mình: (để tự thấy)
Mẹ mình ngày trước làm
hộ sinh ở trạm y tế và cán bộ hội phụ nữ xã nên
hay có các dì ở Phòng Y tế và Hội phụ nữ huyện về công tác (kế hoạch hóa gia đình, chống dịch ...). Các dì hay ngủ lại nhà
mình và tối mình nghe mẹ kể chuyện với các dì (chuyện nọ,
chuyện kia,- phụ nữ nhiều chuyện để nói lắm). Trong đó có chuyện các con ngày
bé, chuyện kể kiểu vầy: Nhà mình có 3 anh em, anh thì hiền lành ít nói, chị gái
thì “đáo để, nư lớn”, khóc dai, lâu
nín và …hay giành đồ của anh, hi!hi (trẻ con đứa
nào chả thế), ví dụ : Hồi bé chị hay khóc nhè, dỗ không nín, hù không sợ, cứ thế khóc nên có khi mẹ phải nắm chân giả bộ thả vào giếng
mà vẫn cứ ...khóc. Lớn hơn, đi học, trời mưa, nhà có mỗi cái áo tơi (áo mưa của xứ Nghệ), lẽ ra hai anh em đội
chung, nhưng chị gái mình nhanh chân, đi trước và lấy áo mưa đi một mình,
anh đi sau phải chặt tàu là chuối để che khỏi ướt…(KLQ: chị mình tên Mai) hi!hi
Mình con út, cách xa tuổi anh, chị khá nhiều nên khi mình đi học thì anh, chị đã trưởng thành. Chuyện về mình thì mẹ kể đơn giản hơn: Hồi bé xíu đã thể thích sạch sẽ, chơi đất, cát lấm lem tay
chân là kêu mẹ rửa ngay, nhưng có điều đặc biệt nhất là "huyên thuyên"…nói nhiều! (ha!ha-bởi vậy) .
Lúc còn đi học: Mình là cô bé vui vẻ, (người hay nói thường vui vẻ- người ít nói nhìn "lầm lì"), nhưng dĩ nhiên là mình cũng có giân hờn.Những lần“lên
cơn giận” chỉ dám thể hiện
khi “mẹ vắng nhà”, chứ có mẹ ở nhà thì :“nỏ dám mô” (không dám), sợ ánh mắt mẹ nhìn lắm luôn (trong ánh mắt ấy có gió, lửa, mây và sấm,sét).hi!hi!
Những cơn
giận của mình (từ nhỏ) đã hay “bột phát” và “nư " cũng thuộc dạng chẳng vừa ( nư là cơn giận):
Hồi xưa kinh tế khó khăn, cơm còn độn bo bo, khoai lang khô.Thỉnh thoảng mẹ lại
nấu cơm nếp với đậu phông (lạc) ăn thay cơm (mẹ làm hộ sinh ở quê nên hay được người dân “biếu quà” là khoai lang , nếp). Mình
ghét ăn cơm độn khoai (độn bo bo thì ok) và ghét nhất là cơm nếp nấu với đậu phộng. Hôm nào đi học về , rờ
vào cái chăn bông có phần cơm mẹ ủ (mùa
đông để vậy cho ấm cơm), mở ra thấy món cơm nếp đậu phộng là mình “cáu”. Mà chả biết cáu ai, vì mẹ thì đã
đi trực ở trạm y tế, nhà còn mỗi bà ngoại (già , yếu). Vậy nên mình sẽ ngồi bệt xuống, lưng dựa cột nhà, mặt mày phụng phịu, bê tô cơm nếp vừa ăn vừa lừa hạt đậu phộng trong miệng xong
phun một cái thật xa cho“đã cơn nư giận hờn vu vơ” ("đã nư" là hả cơn giận),
bà ngoại thấy vậy mới dỗ, đưa tô cơm nếp để bà lựa ra cho mà ăn. Còn hôm nào
đi học về trưa, đói bụng mà mẹ bận đi đỡ đẻ không về kịp nấu cơm thì mình sẽ “đá thúng, đụng nia” theo đúng nghĩa đen luôn
á. Đó là chuyện hồi bé, giận còn biết sợ mẹ. Khi lớn, đi làm mình hay muốn người khác làm theo …ý mình! (vì
mình nghĩ ý mình luôn đúng). May là cái nghề mình làm được thể hiện “cái
tôi” đó mà không ai có ý kiến, ý cò gì cả! hi!hi
Khi giao tiếp bên ngoài xã hội và bạn bè, mình "dấu cái tôi", (trong tử vi nói: người thân cư cung thiên di như có hai người trong một là vậy), nhìn vui vẻ, hòa đồng và có thể làm chị "Thanh Tâm"(nơi để bạn bè, các em họ tâm sự), nhưng cũng có lúc mình giận nếu ai đó nói hay làm gì đó không "vừa bụng". Mà mình giận “lặng lẽ”, không ồn ào, giận là sẽ không
giao tiếp nữa, vậy thôi. Trong cuộc sống với chồng, con cũng vậy, khi còn nghe mình
nói nọ, nói kia và cả la lối um sùm là chưa giận nhiều (kiểu còn thương mới nói...nhiều), còn “chọc”
mình giận rồi thì coi như …xong phim: Mình sẽ không nói gì nữa cả, hoàn toàn im lặng
(nhớ có lần chàng Ro chọc mình giận, mình im lặng cho vài tháng luôn, việc quan
trong cần giao tiếp thì mình viết giấy hoạc thông qua con ). Các con cũng rất
sợ chiêu giận mà “im lặng” này của mình! Kiểu giận của mình cũng ... “dễ thương” vì không làm ai "tổn thương" cả! hihi.
Hôm rồi mình đọc bài
nói về sao Thái Tuế ở mệnh, mình trích đem về để đây mà không…bình luận gì cả, nha!
“Sao
Thái tuế là một trong những phụ tinh quan trọng bậc nhất trong khoa tử vi. Thái
Tuế là sao đứng đầu trong vòng thái tuế mang nhiều ý nghĩa tốt nếu như nằm ở
cung mệnh. Tuy nhiên trong khoa tử vi hiếm có sao tốt hoàn toàn mà còn phụ thuộc
vào vị trí, thế đứng và các sao khác nằm tại bản cung đó
Đặc
tính của sao Thái Tuế là: Lý luận,
tranh cãi, quan tụng, thông minh, đấu tranh, lập luận sắc bén và ... cô độc.
Sao Thái tuế nhập mệnh là thượng
cách trong khoa tử vi. Sao thái tuế cũng chủ về khả năng ăn nói lưu loát, giỏi
lý luận và có lý luận sắc bén, rất ưa tranh cãi và luôn nghĩ mình là người thông
minh nhất. Đặc tính của người có sao thái tuế là ít giao tiếp, ngại giao tiếp, nhưng đề cao cái tôi của mình dù có thể không bộc lộ ra bên ngoài. Người có sao Thái tuế ở mệnh khi về già dễ
cô đơn, cô độc, khó tính, ít giao tiếp với bên ngoài.” (hết trích) . Đoạn này là nói về Sao Thái Tuế, còn phạm
Thái Tuế theo cách tính vòng Thái tuế là vấn đề hoàn toàn khác .
4/ Tới chuyện đời thường:
+ Hôm qua mình mới ghé về nhà cũ có công việc: Chung cư giờ vắng vẻ rồi, 8 giờ sáng mà vẫn cửa đóng then cài, nhiều nhà bán, chuyển đi nơi khác, trẻ con ngày xưa giờ đã lớn, tung cánh bay xa, còn người già vài người đã thành gió, mây :
(nơi này giờ chỉ còn là kỷ niệm, là dĩ vãng một thời của mình và gia đình)
+ Thơ: "Thăm lại chốn xưa"
(của tác giả: Lê Thị Thu Hương)
" Em về thăm lại chốn xưa,
Nơi mình cất giữ những mùa yêu thương.
Cỏ hoang mọc kín che đường,
Bụi tầm xuân nở nay hương đâu còn.
Dấu ai còn giữa lối mòn?
Để hoang sơ lại với con tim buồn.
Bên khe nước róc rách tuôn,
Hay từ thuở ấy giọt hờn chưa vơi?
Nhớ xưa đầy ắp tiếng cười,
Trăng thanh gió mát ta ngồi bên nhau.
Căn nhà nhỏ, những luống rau
Chim ca, bướm lượn - bạn bầu cùng ta
Bây giờ người đã mãi xa
Lá rơi hoa rụng, căn nhà quạnh hiu.
Bâng khuâng tìm giữa rừng chiều
Mênh mang kỷ niệm, bao nhiêu nỗi niềm..."
+ Trong một diễn biến khác: Nhà đang ở, có cái cửa kéo bằng sắt, sử dụng lâu ngày bị sệ xuống nên mỗi lần đóng, mở nó kêu, rít nghe rất khó chịu. Việc nhỏ, tìm thợ khó vì mất công, mất buổi của thợ mà tiền công họ cũng chẳng biết tính kiểu gì? Mỗi sáng mình dậy sớm kéo cửa là đã có cảm giác "bất an", tối con đi chơi về khuya đóng cửa cũng ngại làm phiền người già, nên hôm qua mình kêu anh chủ tiệm sắt quen với người bạn nhờ đến xem rồi mình chủ động "đàm phán" : Việc không lớn nên mình sẽ trả tiền công gấp đôi, sau đó có thợ đến sửa ngay trong ngày, giờ ổn rồi. Đúng là: "Không có việc gì khó/ chỉ sợ không có tiền...":
+ Con trai đi công tác Quảng Ngãi về có quà của đảo Lý Sơn:
+ Cô bạn hàng xóm"bỏ phồ về rừng",vừa về SG có công việc:
...và mình lại có quà: Trứng Gà nhà cô bạn nuôi và thơm (dứa) cổ tự trồng:
+ Trong tuần mình lại làm món ốc, chuối, đậu cho chàng Ro ăn:
+Chị bạn chỉ chỗ bán thức ăn sáng là món: bún cá lóc, dọc mùng đúng kiểu Bắc, mình thử ngay và luôn:
+ Nhà mình và nhà bạn ở hai đầu thành phố, đường xa, trời nắng, hai chị em bạn tới chơi thấy mà thương:
+ Hoa sứ nhà nàng: