Trang

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

" NỢ ÂN TÌNH " !

 ".. Những món nợ ân tình khó trả 

   là ân tình không sổ sách khi vay..."(TG  Mạc Phương).

...Năm 1979, mình tốt nghiệp cấp 3, thi vào đại học tổng hợp khoa pháp lý. Mình đã manh nha thích ngành Luật từ khi đọc những cuốn truyện trinh thám của thiếu nhi và định hình khi trường cấp 3 chuyển về sát với Tòa án huyện. Giờ ra chơi là thích nhảy rào sang xem xử mấy vụ trộm cắp trâu, bò...Nhìn mẹ của cô bạn học cùng khóa ngồi xử mình ngưỡng mộ lắm và sâu thẳm trong đầu là hai từ: "ước gì" sau này mình cũng ...oai như thế !hi hi! Nhưng thực tế lại quá phũ phàng khi sau đó mình không đậu đại học như nguyện vọng! (ahu!hu)

 Cuối những năm 70 sang 80 kinh tế (xh nói chung và gia đình nói riêng) phải nói là rất khó khăn nên học xong cấp 3 là bọn mình chỉ mong được đi học hoặc đi làm ngay với  tiêu chí: học gì, làm gì cũng được, miễn không phải ăn bám gia đình. 

...Mẹ mình cũng đã tìm những mối quan hệ quen biết và những người họ hàng gần nơi bà tin là có thể cậy nhờ để gửi gắm niềm hy vọng xin cho mình đi học tiếp (mình đã vài lần nhen nhóm hi vọng khi nghe mình sẽ đi học trung cấp y, cao đẳng sư phạm, trung cấp nấu ăn...), nhưng sau cùng thì chỉ là những lời hứa hẹn chứ không có gì trên thực tế! (hồi đó mà không tìm đường đi học nghề thì chỉ là ở nhà vạ vật chờ năm sau thi lại đại học thôi). Mấy đứa bạn của mình có bố đang làm việc nên đứa thì đi học về ngành lương thực, thực phẩm, đứa thì đi cao đẳng sư phạm, đứa thì tiếp tục dùi mài kinh sử để những năm sau thi tiếp...Nếu có một chữ nếu thì có khi mọi thứ đã lại thay đổi! (giờ thì mình hiểu thế nào là duyên là nghiệp- mọi chuyện đã là ...định mệnh) .

Đang trong lúc gần như không còn hy vọng để đi học dưới ..đại học (hi!hi) thì mẹ mình nhận được thư của một người chú bà con (họ hàng không gần cũng không quá xa, gọi là chú nhưng ông chỉ hơn mẹ mình một tuổi và lúc còn ở quê nhà hai chú cháu chơi thân với nhau).Thư này là ông chú viết cho mẹ mình để hỏi thăm tình hình quê hương nói chung và gia đình của mẹ mình nói riêng vì ông xa quê đã quá lâu ! 

Hình ông chú đây:

 ..Điều đặc biệt mình muốn viết ở đây là: lúc mẹ mình nhận thư ông thì ông đang ở SG và làm việc ở một trường chuyên đào tạo về Luật! Cái ngành học này hồi đó chả ai quan tâm, người ta chỉ muốn cho con học về những ngành nào liên quan đến lương thực và thực phẩm, xuất nhập khẩu... (Luật thì không hot như bây giờ)! hihi! Bởi vậy, người ta bảo "có phần không cần phải lo", không phải đi tìm, duyên tới là tới một cách tự nhiên vậy đó. Đúng là mình đang chết đuối vớ được cọc thật luôn! Mẹ mình trả lời thư và kể chuyện về mình...kèm theo thư  của mẹ mình là thư mình gửi cho ông chú để ông xem chữ viết và hành văn xem có được không (rất may mình đã từng đi thi  hoc sinh giỏi ...văn! hihi). Thư từ qua lại vài lần thì ông báo tháng 12 năm 1979, trường nơi ông làm việc có một kỳ thi dành cho CBNV trong ngành TA đi học nâng cao nghiệp vụ, có chỉ tiêu tuyển mới là học sinh phổ thông, ông đăng ký danh sách cho mình thi. Nhưng mình phải vào SG trước một tuần để ôn tập theo hướng dẫn chung của Nhà trường! Vậy là mình cùng chị gái khăn gói vào SG, lần đầu tiên được đi xa và một hy vọng khác của mình (...) cũng nhen nhóm từ đây! Mình vào SG ở nhà ông chú, ôn tập, thi xong mình trở về quê chờ kết quả! Khoảng hơn một tháng sau thì mình nhận được giấy gọi nhập học vào tháng 2/1980, học tại Bình Triệu, Thủ Đức! Khỏi nói là mình và mẹ mình đã vui như thế nào! Cảm xúc ấy ai đã trải qua mới hiểu...Mình có nói nhiều lần lời cảm ơn với ông thì cũng chưa bao giờ là đủ! (P/s: sau đó vài năm thì mình mới học tiếp lên ĐH, đi lòng vòng, lâu hơn bình thường nhưng rồi mình cũng có được tấm bằng ĐH Luật chính quy trong tay như đã từng ao ước ngày nào ! hi!hi!)

...Hai năm học ở Trường Cán Bộ Tư Pháp, mình tiếp xúc với những kiến thức mới, từ ngữ chuyên môn lạ lẫm nhưng vui vì mình được sống trong môi trường khác trước, có thêm nhiều bạn bè. Dù cuộc sống của sinh viên  vẫn có những khó khăn nhất định, tuổi trẻ nên mình và bạn bè vượt qua hết để rồi sau đó mỗi người về lại địa phương công tác và trưởng thành dần lên theo thời gian. (cái cô bé ngày xưa thầm ước được... oai giống như mẹ của bạn đã thành hiện thực sau đúng 10 năm kể từ ngày mình bước chân vào học trường Luật). Lại xa đề mất rồi! hi hi

... Hồi học ở Bình Triệu, cuối tuần mình thường nhảy xe buýt về nhà ông chú ở trung tâm SG để kiếm bữa cơm gia đình vì cơm sinh viên hồi đó không kể thì mọi người cũng biết: cơm độn hạt bobo, canh toàn quốc, nước mắm chỉ là nước muối pha màu...( nhà ông có bà và một cậu con trai thua mình 3 tuổi, lúc đó đang học cấp 2). Tình cảm ông bà dành cho mình (một con bé 18- 19 tuổi ở quê vào) như con cháu trong nhà, không làm cho mình thấy xa cách hay ngại ngùng! Bà năm đó 40 tuổi, ông hơn bà khoảng 16 tuổi! Mình quan sát để nhận biết mình phải xử trí thế nào trong từng hoàn cảnh sống, mình hội nhập với cuộc sống thành thị từ gia đình bà ! Những chiều chủ nhật mình ra đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) đón xe buýt về trường (từ nhà ông, bà lên trường khoảng 7 km) thì bà lại lén dúi cho một ít tiền để có tiền mua vé xe buýt tuần sau về SG (trị giá tiền bà cho  mỗi lần khoảng vài ba chục ngàn bây giờ! Nhưng với mình rất quý vì  hồi đó khó khăn, đi học làm gì có tiền, được nhà nước nuôi toàn bộ- không phải đóng học phí lại còn được phát mỗi tháng 16kg gạo). Hoàn cảnh của ông, bà cũng không khá giả (ông làm công chức ở trường, bà làm ở nhà máy dệt Khánh Hội), vậy nên những đồng tiền bà cho đó là tình cảm bà dành cho mình, chứ nói thực ra mình chỉ là một đứa cháu họ xa bên chồng của bà mà thôi! (Mình dùng từ bà dúi tiền cho là vì bà không muốn ông biết, mà mình là cháu ông nhé!hi!hi . Phải khẳng định một điều, xuyên suốt trong 40 năm biết bà, dù khi mình nghèo, hay khi đã thoát nghèo; còn bà thì khi bán căn nhà mặt tiền trung tâm có tiền rủng rẻng hay khi bà hết sạch tiền phải loay hoay như gà mắc tóc thì bà vẫn luôn quý mình như ngày đầu! . P/s: Ngoài việc mình được ông bà giúp đỡ, cưu mang ra thì ông còn vài đứa cháu họ kiểu như mình được bà xin cho vào làm công nhân nhà máy dệt (nghề của bà), có đứa còn tá túc ở nhà bà hàng năm, rồi các cô ấy lại được bà xin cho đi hợp tác lao động ở nước ngoài, sau về nước kinh tế khá giả! 

...Rồi mình ra trường, Ba mình xin cho mình ở lại SG, đi làm, mình chưa có chỗ ở, lại xin ông, bà  tá túc một thời gian ngắn (khoảng 1 hay 2 tháng -Mình ra trường tháng 10 là đi làm ngay và tháng 12  năm 1981 mình được cơ quan phân cho một căn hộ tập thể ngay trung tâm SG. (Đúng kiểu:  hay không bằng hên). Cứ có nơi an cư rồi sẽ lạc nghiệp, ông bà xưa đúc kết vậy rồi! Sau khi mình đi làm được vài năm rồi thì ông nghỉ hưu nên có suất giữ xe đạp, xe máy ở góc đường Alexander de Rhodes giao với đường Phạm Ngọc Thạch ở gần nhà Văn hóa thanh niên, ông kêu mình 2 tối cuối tuần đến phụ ông để có thêm chút thu nhập. Việc làm thêm này cũng chỉ  trong thời gian ngắn vì sau đó thì hình như bãi xe thay chủ nên mình nghỉ và vẫn thuộc diện hộ ...cận nghèo!( hi!hi). Thời gian đầu, cuộc sống của mình dù có nhà, có việc làm nhưng vẫn chật vật, khó khăn mà giờ nghĩ lại tưởng nhiều lúc không vượt qua được! Tính mình lạc quan và luôn hy vọng rồi sẽ có một ngày mình phải thoát nghèo!Nhất định phải như thế vì mình có sao Thiên phủ tọa mệnh! hihi! 

...Đã 40 năm qua rồi nhưng mình vẫn nhớ những đêm ngủ ở nhà ông bà, tiếng con rắn mối tìm bạn đêm khuya và tiếng xe lam rẽ từ đường Thống Nhất vào đường Lê Văn Hưu, tiếng trái mận chín rụng lộp độp trước ngõ, nhớ bó củi dừa bà buộc gọn để cho mình khi mình có nhà riêng, tiếng bà rổn rảng khi leo cầu thang vừa cao vừa hẹp để đến thăm mình khi mình sinh con... Giờ thì tất cả là hoài niệm!

Tóm lại: Những bước chân ngập ngừng của mình nơi phố thị, viên gạch đầu tiên xây dựng nghề nghiệp cho mình là từ ông, những bữa cơm đạm bạc bên ông, bà và cậu là những ký ức không bao giờ phai mờ trong mình. Ông mất vào tháng 4 âm lịch năm 1989! lúc đó mình cũng chưa thoát nghèo nên ân tình với ông chưa  đền đáp kịp! Thời gian sau đó thì vào ngày giỗ ông mình thu xếp đến thăm bà và thắp nhang tưởng nhớ ông ! (khi mình đến là bà lại gọi vọng: "Ông ơi! cái L nó đến thắp nhang cho ông này, ông phù hộ cho nó nhé"!)

...Còn các con mình thì lại không thể quên những dịp tết đến nhà bà cụ chúc tết mỗi đứa được một ly kem tú ụ và một cái bánh quế cắm lên! (chả là nhà bà ở phố lớn mở quán kinh doanh kem rất đông khách).

...Vật đổi, sao dời, bà bán nhà phố mua nhà trong hẻm, rồi cuối đời ở căn hộ chung cư khu tái định cư ! là duyên là nghiệp của mỗi người, đành chịu chứ làm sao khác được! Mình vẫn dặn lòng là bà còn sống thì tết và giỗ ông thì đừng quên !

 Khi kinh tế sa sút thì tinh thần, sức khỏe cũng xuống theo, bà yếu dần bởi bệnh tật, gãy chân, tiểu đường... bà sống với cậu, 2 mẹ con thôi nên bà buồn là chắc chắn vì tính bà thích vui vẻ! ...và lúc 13giờ 30 phút ngày 15/8/2020 (tức ngày 26/6 AL) bà rời cõi tạm để đi tìm ông ở tuổi 81! Mong bà đi thanh thản, không còn lo lắng chuyện tiền nong, không còn bệnh tật, đau đớn hay buồn phiền nữa bà ạ! bà đi thanh thản bà nhé! Những ân tình ngày trước của ông bà, cháu vẫn nhớ không bao giờ quên vì người ta bảo:" Nợ ân tình trả bao giờ cho hết" phải vậy không bà ơi ?...

Hình ông , bà và cậu khoảng năm 1965:


 Bà lúc còn khỏe:

 Và bà đã đi cùng ông rồi:

                   Nam Mô A Di Đà Phật!

Trong đám tang bà khi mình giới thiệu tên với những người họ hàng bên bà thì ai cũng à lên: A đây là cô L đấy hả, nghe bà nhắc tên nhiều mà giờ mới biết mặt! Mình biết là bà quý mình nên nhắc, chứ tính bà ấy hả, ghét ai thì kể như xong...phim! hihi! 

   Đám tang thời covid (tháng 8/020):