Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

3 NỖI LO CỦA CON CÁI KHI CHA- MẸ VỀ GIÀ!

                                                 

(Bài của TG Thùy Linh (Theo QQ) Báo VnExpress.net ngày 04/4/2020)

Cha mẹ sống thọ là điều con cái luôn mong đợi. Nhưng khi cha mẹ già, con cái cũng phải có sự chuẩn bị để đón nhận những vấn đề của chính mình.

1. Cha mẹ già, con cái cũng nhiều tuổi lên.
Cơ thể con người là một quá trình lão hóa tự nhiên. Khi cha mẹ ở tuổi cao niên, con cái cũng đã vào tuổi trung niên, không còn được như thời thanh niên.
Không giống phương Tây, văn hóa Á Đông coi việc chăm sóc cha mẹ ở tuổi già là bổn phận, là trách nhiệm báo hiếu. Điều này vô tình tạo một áp lực về cả vật chất, lẫn tin thần lên người con, mà nếu không làm tròn trách nhiệm báo hiếu, họ có thể phải chịu sự chỉ trích, lên án từ xã hội, cộng đồng và sự xử phạt theo pháp luật.
Việc con cái chăm sóc cha mẹ khi bản thân họ cũng về già sẽ trở thành một khó khăn. Làm thế nào đủ sức lực, đủ tài chính để chăm lo cho bản thân lẫn chăm cho cha mẹ già của mình cũng là một vấn đề đáng lưu tâm.

2. Cha mẹ già cần sự nương tựa tài chính
Người già vẫn có những nhu cầu trong đời sống hàng ngày: lương thực phẩm, quần áo, chi phí thuốc men, thăm khám bệnh viện... Ở độ tuổi này, nguy cơ bệnh tật, sức khỏe giảm sút, mất khả năng vận động... đều ở mức cao, đi kèm với đó là chi phí y tế.
Tất nhiên, một bộ phận người cao tuổi có lương hưu, có tiền để dành dụm trong suốt thời tuổi trẻ nhưng không phải ai cũng vậy. Với những người không có tài chính tích lũy, khi họ về già, việc con cái phải lo lắng chi phí sinh hoạt cho cha mẹ là điều không tránh khỏi. Đặc biệt, khi cha mẹ cao tuổi, con cái cũng bước vào tuổi trung niên hoặc về hưu, khả năng kiếm tiền không còn được như trước, dẫn đến nguồn lực tài chính thu hẹp lại.

3. Cha mẹ già cần sự quan tâm tinh thần.
Bên cạnh việc chăm sóc về tài chính, thể chất, một trách nhiệm khác của con cái khi cha mẹ về già chính là chăm sóc tinh thần cho cha mẹ. Trong khi đó, con cái khi bước vào tuổi trung niên sức khỏe, thể chất tinh thần đều yếu đi. Thời gian này, thay vì tập trung tận hưởng cuộc sống, bù đắp những điều tuổi trẻ chưa có cơ hội thực hiện, nhiều người buộc phải tập trung cho việc chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ già, thậm chí phải ở bên giám sát, ngăn ngừa cha mẹ khỏi tai nạn. Do đó, khi cha mẹ già, con cái sẽ đối mặt với vấn đề làm sao để phân bổ thời gian cho bản thân lẫn người thân trong gia đình cho hợp lý.
Vậy có nên coi cha mẹ già là một gánh nặng?
Khổng Tử từng nói về ba mức độ lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ: "Mức độ cao nhất là có thể khiến cha mẹ tin cậy trọn vẹn, thứ hai là không làm cho họ thất vọng, mức thấp nhất chỉ đơn giản là có thể hỗ trợ cho họ kinh tế".
Suresh Rajenthiran, một giám đốc tiếp thị và truyền thông người Malaysia từng chia sẻ quan điểm của mình: "Một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, chúng ta có thể cảm thấy rằng cha mẹ già của mình trở thành một gánh nặng, đặc biệt khi chúng ta đang cố gắng gây dựng sự nghiệp, các mục tiêu hay các mối quan hệ của mình. Nhưng nếu bạn biết những gì cha mẹ đã hy sinh cho bạn, bạn sẽ không còn coi đó là gánh nặng, mà là bổn phận của chính mình."
Đương nhiên, việc chăm lo cho cha mẹ ở tuổi già không bó buộc trong bất cứ quy định nào. Với một số người con, đó có thể là hỗ trợ tài chính để đem đến cho cha mẹ một chất lượng cuộc sống thoải mái, trong khi với những người con khác, đó có thể là việc quan tâm đến các vấn đề sức khỏe cá nhân.
"Chăm sóc" không nhất thiết phải là tiền bạc, vật chất, đôi khi chỉ đơn giản là dành thời gian, thể hiện sự yêu thương. Điều này được thể hiện qua những hành động nhỏ bé, giúp trấn an cha mẹ khi họ rơi vào tâm lý "mình là gánh nặng cho con cái".

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

LINH TINH THÁNG 5 !

*1/Ông bà xưa bảo: "Bói ra ma, quét nhà ra rác" ( ý nói đương nhiên là như thế), còn giờ già cỡ mình hễ đi khám bệnh thì ra một đống bệnh luôn! chán nên bị hội chứng mackeno (là mặc kệ nó, là chấp nhận sống chung với bệnh tật)
17 năm trước mình bị bướu giáp đa nhân, mổ, cắt hết thùy trái, tưởng êm, vài năm gần đây phát hiện bên phải cũng bị y vậy luôn! Rồi thì bị rối loạn chuyển hóa lipid; tăng triglyceid máu đơn thuần; Thời gian gần đây đau, nhức gót chân (P) về đêm, tưởng bị gai  gót nên đi BV chụp X-Quang thì không có gai, siêu âm ra :suy van tĩnh mạch sâu hai chi dưới; dãn tĩnh mạch nông hai chân. Mấy tháng trước dịch cô vy, đi khám bệnh viện gần nhà, khám sơ sơ ra vậy, khám nữa chắc tè le hột me luôn! Nay hết dịch, tái khám, tưởng khả quan hơn ai dè nhân bướu cổ to gấp đôi, mỡ trong máu cũng cao chót vót, chả giảm tí nào! thôi thì cứ vui vẻ sống chung với tụi nó vậy chứ biết làm sao giờ!


*2/Mình thích đọc từ bé, thấy có cô nhà văn trẻ Phan Thúy Hà vừa ra cuốn "Gia đình" là mình đặt mua ngay và luôn (3 cuốn khác nhau cùng tác giả), hôm nay bưu điện đưa sách tới trước 1 cuốn, bóc ra thì OX "giành" xem trước! Niềm vui tuổi già đơn giản vậy thôi, phức tạp làm gì cho thêm...phức tạp!hi!hi!




*3/Mình có cậu em họ ở dưới quê lâu lâu lại gửi cho mình ít quà cây nhà lá vườn, ta nói "của một đồng, công một nén" nhưng mà vui, sầu riêng chín cây ăn ngon và yên cô tâm là sạch:



 * Mình có chị bạn hàng xóm (kiểu gần nhà xa ngõ, nhưng có cửa sau nên nấu gì ngon là chị lại alo) 



  * Còn đây là chị hàng xóm khác ở đối diện nhà phía trước, có vườn ở Bảo Lộc, vào vụ bơ, mang sang cho một rổ:đúng là số có lộc ăn!hi!hi

*4/Mùa hè thì mình hay nấu món này: chè củ sen, hạt sen, táo đỏ, nhãn nhục với đường phèn! (không tăng cân mới lạ)



Còn món này là học trên mạng làm lần đầu: sữa bắp:
Xay rồi lọc, hơi lích kích tí thôi:
  Con gái nghe mẹ làm sữa bắp thi bảo thứ này uống vào mập lắm, mình lại tự động viên, già mập nhìn ...phúc hậu! hi!hi (mỡ máu tăng là vì ăn uống không lành mạnh chứ ở đâu ra)


*5/ Ngày của mẹ, mình tự thưởng, mua cái ghế này về nằm đọc sách, xem phim bên cạnh cái võng của chàng cho chàng đỡ buồn:

Ghế nàng phía trước, võng chàng phía sau:

*6/Hôm đầu tháng đã mua lưới về che nắng cho mấy cây lan, làm có một lớp nên nắng vẫn cứ nắng, lại đi mua thêm lưới về làm thêm một lớp nữa, hơi cực tí nhưng giờ thì ổn rồi:

                lưới che một lớp thì thế này :

 Thêm lớp lưới nữa thì mát hơn :


Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

"TÂM SỰ NÀNG THÚY VÂN" !

*/Mình biết về truyện Kiều của cụ Nguyễn Du qua lời ru của mẹ với các cháu khi mình còn là cô bé con! mẹ mình mê Kiều, thuộc lòng nhiều đoạn của truyện Kiều và bà cũng thích ngâm, ru bằng thơ Kiều nhất là đoạn Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân:
    "...Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
    Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em...
       Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ, thay lời nước non..."

Và đoạn Kiều tiễn Thúc Sinh về quê:
 "  ...Chén đưa nhớ bữa hôm nay,
 Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau!
      Người lên ngựa, kẻ chia bào,
 Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
    ...Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
     Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường..."



(P/S: Bốn câu Kiều:"...Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai/...Chén đưa nhớ bữa hôm nay/Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau" thì mẹ mình đã  mượn của cụ ND để viết cho Ba mình khi tiễn ông trở về Nam năm 1961 với kỳ vọng trong một thời gian ngắn sẽ đoàn viên, nhưng thực tế hơn 20 năm sau hai người mới gặp lại nhau trong một hoàn cảnh quá éo le - Chuyện về mẹ, mình đã có viết trong hồi ký "Mẹ tôi").
Mẹ mình lâu lâu cũng bói Kiều theo kiểu các cụ ngày xưa (giở tay mặt, bắt tay trái). Sau tháng 4/1975 khi không có tin tức của ba mình thì bà bói Kiều, mình nhớ bà đọc đoạn có câu: ..."một cây cù mộc một sân quế hòe" và bà giải thích là ba mình có... nhiều vợ, nhiều con! ahu!hu!
 Mẹ mình mê Kiều đến mức nhà mình hồi đó đã có cuốn truyện Kiều rồi nhưng bà còn tự tay chép hết truyện Kiều (3254 câu).Trong cuộc sống thì những câu thơ trong truyện Kiều cũng hay được áp dụng, từ thế hệ mình trở về trước thì hẳn ai cũng thuộc ít nhất vài câu Kiều để đọc vào những tình huống thực tế nào đó! Kiểu như :"Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không?" hi!hi! 
 Mình nghe mẹ ngâm, ru Kiều nhiều nên mình cũng thuộc kha khá, đủ để mình ru con rồi ru cháu và lâu lâu tức cảnh sinh tình thì đọc vài câu để nhớ mình cũng có biết ...Kiều!hi!hi (kiểu như: Hồi mình còn ở nhà chung cư cổ trên phố, tầng dưới có một chị quá lứa cực kì khó tính, mình nhịn chỉ như nhịn cơm sống, nhiều lúc cũng điên lắm, nhưng chỉ biết đọc câu Kiều để tự an ủi và xả stress "...càng cay nghiêt lắm càng oan trái nhiều"!)he!he!

*/Sau khi nghỉ hưu, nhiều thời gian rảnh nên mình có những thú vui tao nhã như trồng lan, ngắm lan và .. nghe ngâm Kiều (phiêu cực kỳ luôn)! Rồi mình đọc các bài phân tích về thân phận nàng Kiều! Càng đọc nhiều, nghe nhiều mình mới hiểu vì sao mẹ mình mê Kiều, đơn giản là quá hay! Từng câu thơ cụ Nguyễn gieo trong Kiều phải nói là quá "đắt", tính cho đến nay là sau hơn 200 năm mà nhiều nội dung trong Kiều vẫn còn nguyên giá trị! Phân tích về thân phận nàng Kiều thì  trên mạng có nhiều bài hay, chỉ tiếc là phải chi hồi mẹ mình còn sống mà có tư liệu thế này thì hẳn mẹ mình rất thích! 
  Cái này  đọc:
Cái này nghe:

*/Đọc Kiều, biết Kiều ai cũng thương thân phận lưu lạc 15 năm của nàng ấy: "Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân/ Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều..."(Tố Hữu)
... Còn Thúy Vân  mình chưa được đọc bài nào viết về nỗi niềm của Thúy Vân hay và nhiều cảm xúc như bài thơ dưới đây của nhà thơ Trương Nam Hương! 

Tâm sự nàng Thúy Vân 
    (TG Trương Nam Hương)

Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh.
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim.

Ơ kìa sao chị ngồi im
Máu còn biết chảy về tim để hồng.
Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên.

Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ khuất, đừng quên người còn.
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu!

Là em nghĩ vậy thôi, Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường.

Chị nhiều hờn giận, yêu thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò.
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim!

Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao.
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!


(P/s: Mình đã rất chi là cảm xúc khi đọc bài thơ này, kiểu: "khéo dư nước mắt khóc người đời xưa")

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

" MÙA HÈ CÁI QUE CŨNG MỆT"!

*/Mùa hè nên trời nắng nóng đến là khó chịu, đứng đâu, làm gì mà thiếu cái quạt thì y như rằng mồ hôi mẹ, mồ hôi con vã ra như đang trong phòng xông hơi! Chàng nhà mình hay nói: "mùa hè cái que cũng mệt"!hi!hi. 
Buổi sáng, máu chưa lên não đủ nên mình vừa tập thể dục xong là mắt cứ díp lại, hàng xóm xây nhà ầm ầm đổ gạch, cát  mà mình vẫn lặng lẽ muốn chìm vào giấc ngủ sáng! hihi!thế mới tài, trước làm gì có vụ này!Phải bày ra việc gì đó làm cho tỉnh người! Trưa thì hết mấy tiếng xem phim, nghe ngâm Kiều và vừa nghe vừa ...ngủ gà gật!Tối cũng chỉ đến 20 giờ là mắt lại muốn nghỉ...haizzza, vậy không già thì là gì?
*/Trong một diễn biến khác thì mấy cây lan trên sân thượng nắng quá nên héo úa, OX mình bảo lan của mình sắp thành dưa cải phơi nắng rồi! Mình lại phải tìm cách...cứu lan, chạy ra chỗ bán cây cảnh mua lưới về chống nắng, hì hụi cả buổi rồi cũng phải xong, dời những cây lan ở chỗ quá nắng vào nên lan phải chen chúc nhau trong một diện tích hẹp:



*Hai cây mai thì đất cũ nên lên còi cọc, lại mua phân, đất cho vào gốc:


*/ Nóng quá người cũng muốn héo, nhưng 2 người già cứ phải động viên nhau ăn,uống  để có sức chống..nắng !hi!hi




 Con gái cho chai mật ong và mấy trái bơ, sẵn có cam thì món nước cam pha mật ong sẽ rất tốt cho sức khỏe người lớn tuổi:



Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

"QUẢ TÁO GIỮA CÀNH" 2 TUỖI !

Hôm nay (06/5/2020) là sinh nhật tròn 2 tuổi của Kem,(Kem là cháu ngoại của mình. Anh Sam của Kem bà ngoại hay gọi là: "quả táo đầu cành", vậy em Kem là "quả táo giữa cành" nhé! hi!hi).
 Thời gian trôi qua nhanh quá, mới ngày nào bà ngoại vào bệnh viện ngồi chờ để đón Kem chào đời... rồi bà dõi theo, nhìn Kem lớn từng ngày, Kem đầy tháng, Kem biết lật, biết bò, biết đi từng bước và thôi nôi...! Còn hôm nay Kem tròn 2 tuổi! Cháu của bà lớn lên, trưởng thành hơn từng ngày còn bà thì đang già đi từng giờ Kem ạ! 
Khác với anh Sam, em Kem chỉ đến nhà ông, bà ngoại chơi vào cuối tuần, nhưng Kem là người xã giao tốt lắm, gặp ông, bà ngoại là Kem cười tươi rói rồi giang tay đòi: ngoại bế!(không như ai kia hồi nhỏ chỉ đòi bà bế chứ không mấy khi vui!).Về nhà ngoại thấy bà làm món ăn là Kem kêu lên vui vẻ: Wou (ra vẻ thích thú), nhưng khi bà đưa thì Kem lắc đầu và nói dứt khoát: nâu (không)!(chắc học theo anh Sam).
Kem 2 tuổi đã biết cầm viết vẽ nọ, vẽ kia rồi kêu bà vẽ hoa, mặt trời, vẽ nhà... Kem nhận biết các con vật, tiếng kêu của chúng và đặc biệt Kem thích mèo! Nhà hàng xóm có con mèo, Kem hay dắt bà ra ngõ tìm mèo, để đươc rờ lên bộ lông mềm mại của mèo! Trong tuần khi không xuống ngoại thì Kem được mẹ cho nói chuyện qua video call! Thấy bà thì Kem gọi:ngoại ơi! rồi hỏi: Ông đâu, cậu đâu, Lu (con chó) đâu? nhiều khi Kem còn giơ tay đòi bà bế trong điện thoại, rồi Kem thả tim cho bà và cười nắc nẻ!Tiếng cười của Kem trong trẻo làm bà cũng vui lây! Kem vui nhiều nhưng cũng biết giận, hờn, khóc đòi nọ kia khi không được đáp ứng nhưng Kem cũng nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường chứ không khóc nằm vạ như anh Sam! Hỏi Kem có thương bà không, Kem trả lời: có, hỏi thương bà để đâu thì Kem chỉ vào đầu! Khi bà hỏi mẹ có đánh Kem không thì Kem tự đánh vào chân mình rồi nói: hư nè! (ý là mẹ vừa đánh vừa nói Kem hư)! Kem đã hiểu hết những gì người lớn nói và cũng biết rút gọn câu, ví dụ như buổi tối Kem xuống phòng ông ngoại chơi, khi bế Kem đi Kem sẽ nói với ông ngoại: bye- ngon! (vì Kem biết bà sẽ kêu Kem tạm biệt ông và chúc ông ngủ ngon! hi!hi)
Bà bế Kem ra đường, chỉ cần 1 lần bà chỉ cho Kem điều gì đặc biệt ở ngoài đường là lần sau đi ngang Kem sẽ nhớ: Nhà kia có tượng Đức Chúa ở trên tầng cao có gắn đèn nhấp nháy, bà nhìn không rõ là tượng Đức Cha hay Đức Mẹ Maria, nên cùng lúc nói tên cả 2 người! Rồi bà chỉ cho Kem chắp tay nói Amen! Lần sau đi tới đó Kem chỉ cho bà và nói: Cha, Đức Mẹ, xong Kem cúi đầu xuống nói : Men! Nếu ai không biết thì không hiểu Kem đang nói gì!
Cũng có khi Kem đanh đá, túm tóc, kéo áo anh 2 khi anh 2 giật đồ chơi của Kem. Khi mẹ kêu Kem ngồi vào bàn ăn cơm thì đồng thời Kem cũng lên giọng kêu anh 2: Sam, cơm! hoặc Sam,tắm đi!
Người xưa bảo:"Có vàng, vàng chẳng hay phô / Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe" là đúng vậy đó!
Chuyện về Kem chắc bà kể hoài không hết, không như anh Sam khi 2 tuổi thì luôn khóc lóc, nằm vạ không cần lý do làm cho bà và mẹ nhiều lúc muốn "đâu cái điền là điên cái đầu"! hihi!(muốn nâng người này là phải dìm người kia thôi Sam ạ!)ha!ha! Nhưng anh Sam khi 22 tháng đã phải đi học mẫu giáo rồi, còn Kem thì 2 tuổi vẫn được ở nhà chơi! Bà tin là nếu phải đi học sớm như anh 2 thì Kem sẽ hội nhập rất nhanh và không làm tình làm tội bà,  mẹ như anh 2 hồi đó!
Hôm nay sinh nhật Kem, ông, bà ngoại và cậu VP chúc Kem  "trưởng thành" hơn mỗi ngày, khỏe, ngoan và thông minh, biết vâng lời người lớn! Cứ là chính mình Kem nhé! (kỳ vọng là chuyện của người lớn),cuộc sống của con sẽ nhiều sắc màu và tương lai luôn tươi sáng! Bà yêu Kem thật nhiều!
Các sắc thái của Kem khi là cô bé 2 tuổi, bà up lên đây sau này Kem xem nhé:
(P/s: Bà đã xin phép phụ huynh của Kem để úp hình Kem lên mạng và bà có ảnh như thế nào thì úp lên vậy, không chỉnh sửa Kem nhé!) 

Cười là phải tươi:




 Con gái là phải điệu thế này:



Thợ vẽ :


Làm việc tại nhà ngoại vào mùa dịch: hi!hi!

Ngủ cũng phải tạo dáng cho cute:

Đúng kiểu về ngoại:


Mùa dịch cô vy ra ngắm sông là cứ phải "kín cổng cao tường" thế này mới chịu: 


Có cậu là phải thế này:



Hoa vườn nhà, bà ngoại dành tặng SN Kem và daddy của Kem nhé! Chúc cả nhà Kem vui vẻ: (sinh nhật 2 trong 1)



Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

MÌNH THÀNH CỐI XAY RỒI!

*/ Sau 3 tuần "cách ly" xã hội thì ngày 23/4 được "xả"! Nhà nhà, người người vui, mấy quán cà phê trong khu cư xá mở cửa trở lại và đã nghe tiếng người lao xao ngoài ngõ...Nói không phải "khoe" chứ mình giờ ngày nào cũng tự "cách ly"! Sáng sớm mình không ra sân tập thể dục với các bà, các chị mà một mình một sân...thượng! Tiện là sáng không phải mắt nhắm mắt mở thay quần áo chỉnh tề, chân thì xỏ ống nọ sang ống kia, nhiều khi ra sân ngáp muốn sái quai hàm! Giờ mình vẫn dậy lúc 5 giờ sáng, không có gì phải vội, y bộ ngủ lên sân thượng tập đủ các bài như ngoài sân chung! Tập một mình thì nhanh hơn, nặng đô hơn nên mồ hôi ra nhiều ! Khi nào có nhu cầu 8 thì mình ra lại sân chung còn thời gian này thì chưa vì em covy còn lẩn quất đâu đó, mà nghe nói giờ phải sống chung với ẻm (giống kiểu sống chung với lũ)!
 Mới sang thăm blog nhà hàng xóm thấy cô ấy viết thế này, mà mình thấy đúng cmn luôn.(Có ai đó nói đại loại là: Tuổi 20 không thấy người không chịu được. Tuổi 30 thấy ít người không chịu được. Tuổi 40 thấy nhiều người không chịu được. Tuổi 50 cứ thấy người là không chịu được”). Mình thì đang bước chân vào tuổi 60, không biết phải viết thế nào cho đúng thực tế mình đang nghĩ.
Vừa hết lệnh "cách ly" là mình chạy lên thăm bà Má MN sau 2 tháng vì người già (là đối tượng dễ bị lây nhiễm), tốt nhất là cứ giữ cho nó lành!bà vẫn khỏe và vui khi mình tới thăm, vẫn hỏi là con mình dễ hay sao mà bỏ con ở nhà lên thăm bà được! (bà nhớ mình khi mình ở tuổi 30, bà quên mất hiện tại mình đã có cháu ngoại).

Bà lúc nào cũng vui khi thấy mình:

Hôm sau thì mình đi thăm dì (em ruột của mẹ mình), bà đã 90 nhưng da không nhăn, không đồi mồi, mắt tinh, tai thính, ăn ngủ vẫn bình thường (trí nhớ có chút chút quên quên), nhìn bà mà mình cứ nuôi hy vọng sau 30 năm nữa... mình cũng được thế !( hi!hi):



*/Hình như mình đang mập ra thì phải, cái cân điện tử con gái cho mình vừa đứng lên đã nhảy tót 60kg, mình nghĩ không lẽ nào, nhảy lên cân lại, nó khuyến mãi giảm cho 2kg còn 58kg, tự an ủi: già mập tí cho đẹp...lão! (hi!hi)!
Ông bà xưa bảo: "ăn được, ngủ được là tiên/ không ăn, không ngủ là tiền vứt đi", mà tiền thì không thể vứt nên mình cứ 20 giờ là mắt nặng trĩu, nếu không ngủ lúc đó để qua cơn buồn ngủ sẽ thức đếm cừu đến 1-2 giờ sáng, sau vài lần phải bất đắc dĩ đếm cừu như thế mình rút kinh nghiệm khi buồn ngủ là bỏ ipad ra và ngủ ngay dù đang xem phim hay, vậy là ngủ ngon, có thức dậy 1- 2 lần nhưng vẫn ngủ tiếp đến 5 giờ dậy! 
Còn chuyện ăn thì ông xã mình bảo mình thế này:"trai nuôi vợ đẻ gầy mòn/ gái nuôi chồng ốm béo tròn như cối xay" (ý là chê mình mập á), mà đúng thế thật, ông xã mình từ ngày bị bệnh thì ăn ít, đặc biệt trái cây ít khi ăn, còn ăn vặt là không, nhiều khi năn nỉ lắm lắm thì chàng mới ăn một ít, bởi vậy mua trái cây ngon để chàng ăn, không ăn thì mình phải giải quyết, mua cam về vắt nước, chàng cũng nói không, vậy là mình uống chứ ai vào đây nữa (khổ vậy đó! hi!hi). Nấu thức ăn ngon đến đâu, chàng cũng chỉ ăn 1 lần 1 chén cơm, còn lại là mình xơi tất!cứ thế nên mình sắp thành "cối xay" mất rồi!(hi!hi). 
OX nhà mình "con nhà lính mà tính nhà quan", thức ăn chỉ ăn 1 lửa, hâm lại là không ăn, nếu không có thức ăn gì mới thì cứ lấy hũ chao ra ăn ngon lành cành đào. Chàng được cái tốt tính là ít khi chê thức ăn mình nấu, nếu mình hỏi có ngon không thì chàng sẽ nói vui: "mất tiền là phải ăn " (nguyên câu của người ta hay nói là: mất tiền thì phải ăn chứ ngon lành chi)hi!hi!.Chàng nhà mình ít khi cáu hay mặt sưng mày sỉa (là vì có người không cáu vợ được, mặt cứ sưng như bánh bao), kể cả thời gian trước đây khi còn khỏe mạnh chàng cũng vậy! túm váy lại tính chàng hiền lành (theo kiểu nói của chàng thì không phải hiền mà là "một câu nhịn, chín câu lành", cũng dí dỏm lắm).
Mình hay nói chuyện với con trai qua zalo, chuyện hoa, chuyện lá, chuyện chàng và chuyện con Lu... rồi chuyện hôm nay nấu gì, ăn gì...kiểu như thế, con trai mình nghe kể bố thế nọ thế kia nên nói: Bố giờ sướng giống tiên ông! gặp hôm không vui mình bảo, tiên ông đang bị tiên bà la đây này! hi!hi! chàng nghe vậy nói bố sắp thành Phật! (cũng biết lắm cơ) 
Mấy sáng nay, chàng được cậu bạn trẻ chở lên SG, sang quận 4 ăn  sáng những món chàng thích: miến lươn tươi, phở bò, mì Zìn Ký, há cảo...!(hôm thì đi ô tô, hôm thì đi xe máy)! Mình bảo chắc kiếp trước 2 người này có nợ nhau mới thế vì một cậu chưa đến 40 chở ông già hơn 70 (mà bị bệnh nên không lanh như người ta) đi ăn, đi chơi! mà phải ăn chỗ ngon, chơi chỗ sư phụ thích, chiều lại nhiều khi chàng nhà mình ngồi ghế đá ở cổng thì bạn trẻ phải chạy sang nói vài câu chuyện không đầu không cuối khác, kiểu như con chim kia tổ nó ở đâu... hay mai mình ăn sáng món gì...dù sáng cả 2 đã ngồi cà phê với nhau nói chuyện thời sự rồi, như vậy không nợ nhau kiếp trước thì là gì, hay kiếp trước họ là cha, con nhỉ ? (hi!hi)

Thế này mình không thành "cối xay" mới lạ:

Dồi trường xào cải chua và mì xào giòn  hải sản

Cậu bạn trẻ của OX mình có quà quê nên giữa mưa xách sang cho sư phụ ( là cậu ấy gọi thế) cái bắp chuối và mấy con cá lóc đồng, chàng nói mình làm cá kho lạt lấy nước để chấm với rau sống trộn bắp chuối, hợp khẩu vị nên chàng ăn ngon miệng hơn bình thường! Bởi vậy, cao lương mĩ vị với người già là thừa, chỉ cần hợp khẩu vị thì dù món dân dã cũng ngon:

( cá và bắp chuối đã lên mâm, ly nước cam là của mình, ly nước đậu đen rang là của chàng)

Mình mua thì mình ăn ...một mình :



* Chị bạn hàng xóm làm bánh ít trần, mang sang cho mình một hộp, chàng chỉ ăn 1 cái còn nhiêu mình tất, mình là mình sắp lăn rồi! hu!hu! (cảm ơn chị, bánh rất ngon ạ)