Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

HỒI KÝ VỀ MẸ ! (1)

                                    "Kính tặng hương hồn Mẹ !"
 
     
                    "Mẹ già như chuối chín cây
                          gió lay mẹ rụng con thời mồ côi..."

Khi tôi chấp bút viết những dòng này (1996) thì mẹ tôi đã không còn nữa, bà mất vào lúc 4 giờ 45 phút sáng thứ năm, ngày 07/12/1995 (tức ngày 16/10 AL; năm này nhuần 2 tháng 8)! Người đã đi về cõi vĩnh hằng, đoàn tụ với tổ tiên, ông bà và cha, mẹ...nơi mà ai trong chúng ta rồi cũng mơ trở về khi từ giã cõi tạm, là nơi mà ta chỉ gửi mình trong một thời gian gọi là "đời người"...
Trước đây, khi mẹ tôi còn sống và cả sau khi mẹ tôi mất, những lúc rảnh rỗi với chuyện cơm áo, gạo tiền, khi mà tôi treo hồn mình lơ lửng đâu đó trên cây và ước gì mình là một nhà văn, một nhà làm phim hay là một người có nhiều tiền để viết (hoặc thuê viết), làm phim về cuộc đời của mẹ, một cuộc đời thực mà tôi nghĩ là nếu viết tốt sẽ thành .... (gì nhỉ ? ).
(cũng cần phải nói thêm rằng, là con, ai cũng thấy mẹ mình là ngươi đẹp nhất,giỏi nhất và cái gì cũng nhất, hẳn đó là tâm lý chung, với tôi cũng vậy)! 
Mẹ tôi sinh vào năm Ất sửu của thế kỷ 20. (mạng kim, cung chấn) trong một gia đình khá giả ở miền Trung, ruộng, vườn tuy không thẳng cánh cò bay như các gia đình giàu có ở đồng bằng Nam Bộ nhưng cũng đủ để ông bà, ngoại tôi mướn (thuê) trên một chục người làm công khi vào mùa vụ.
 Ông ngoại tôi là ông chủ của một gia đình khá đông con (ông mất trước khi tôi ra đời 8 năm, vào thời kỳ cải cách rộng đất, đó là một ký ức buồn của gia đình ngoại và mẹ tôi). Công việc của ông là quản lý, trông coi người làm công, thời gian còn lại ông là đệ tử của lưu linh. Những lúc say, ông hát với trăng, ông gây sự cả với tiếng chó sủa khuya.
Bà ngoại tôi là người phụ nữ nông thôn, hiền lành, chất phác. Ngoài thời gian sinh con thì bà dệt vải và buôn bán vải ở những phiên chợ quê (lụa dệt tay ở quê ngoại tôi nổi tiếng một thời: Lụa hạ Châu Phong) . Ngày tôi còn bé, bà kể cho tôi nghe về những chuyến buôn bán xa bằng đò (thuyền) dài đi dọc theo sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La! Bà ngoại tôi chắc là không biết chữ (tôi nghĩ thế) nhưng bà vẫn hay đọc cho tôi nghe những câu thơ, kiểu như:...Tiết đông chí cấy cày/ dạ bồi hồi nhớ bạn/ thương con người ngoan nửa để, nhớ bạn hiền nửa để... (là tôi nhớ mang máng như thế), hay như:"Giàu không hà tiện thì khó đến tay/ khó không hà tiện thì đi ăn mày" ( chữ hà tiện  mà bà đọc ở đây theo tôi hiểu là tiết kiệm)...

...Bà ngoại tôi sinh tất cả là 12 lần, nhưng chỉ nuôi được 6 con gồm 3 trai, 3 gái. Mẹ tôi thứ 3 (tính theo kiểu miền trung), nhưng tên gọi là Lục  (tức 6), nghĩa là ông ,bà ngoại tôi tính cả số con sinh ra nhưng không nuôi được.
Lúc còn bé, tôi đã từng nghe lỏm bỏm được câu chuyện bà ngoại tôi kể cho người lớn rằng: khi mẹ tôi khoảng 10 tuổi, dì (em mẹ tôi- người miền Trung chị gái hay em gái mẹ đều gọi là dì) khoảng 5-6 tuổi, ông ngoại tôi có người bạn là Thầy đồ nho biết xem tướng số đến nhà chơi, thấy 2 chị em gái chơi trước sân thì nói với ông bà ngoại tôi rằng: Cô lớn (mẹ tôi)  thông minh, sắc sảo, anh hoa phát tiết ra ngoài, nhưng cuộc sống sau này vất vả, lận đận sẽ có 2 đời chồng nhưng khi chết lại không có chồng nào, có 3 người con, 2 gái, 1 trai và 2 cô con gái ẩn tuổi mẹ (mẹ tôi tuổi sửu). Còn cô em tuy không sắc sảo bằng nhưng số giàu sang... (nội dung kiểu như thế, chứ ngày xưa các cụ dùng từ cổ hơn bay giờ). Thế là mẹ và dì tôi cùng lớn lên trong vòng tay che chở, yêu thương của bà ngoại và sự uốn nắn, dạy dỗ cứng rắn của ông ngoại cùng với lời tiên đoán của ông Thầy đồ nho ấy....

Hình chụp 3 chị em gái khoảng năm 1964- mẹ tôi đứng ngoài cùng bên trái và dì Bát đứng ngoài cùng bên  phải:

...
Hình này 3 chị em chụp khoảng năm 1985 (mẹ tôi ở giữa):

  (còn tiếp)