1/ CHỊ !
...Ngày
mình sinh “cô chị”, đ.au quằn quại đúng từ đầu hôm đến 4 giờ sáng, phòng sanh
không cho người thân vào cùng thế là mình cứ “đè” tên anh thực tập sinh đang đỡ đẻ cho mình ra mà
kêu, mình còn nhớ anh ấy tên Tùng, và mình cứ thế kêu: “anh Tùng ơi, xong
chưa?”, giờ nghĩ lại vẫn thấy mắc cười và cả mắc cỡ nữa!hihi
Cô
chị ra đời, trên khuôn mặt “món” nào cũng đặc sắc: Trán rộng, mắt to, mũi to (con gái giống cha ...hy vọng giàu 3 họ). Và sau đấy về nhà thì mình vật lộn với cô chị 2 này rất vất vả,
nào là khóc dạ đề đúng 3 tháng 10 ngày, cô ấy cứ ngày ngủ như "chó con no sữa", đêm cỡ 22 giờ trờ đi là thức và khóc. Chả
biết lý do vì sao. Nhà ở chung cư nên hàng xóm cũng mệt mỏi vì cô ấy lắm. (mà từ khi bầu bí cô ấy mình cũng đã bị ốm nghén ...tưởng ch.ết vì ói). Túm váy lại là cố ấy "quậy" từ trong ...trứng !hi hi!
Lớn tí, đi học mẫu giáo thì "nổi tiếng" cả xóm vì
tiếng la hét của cô ấy (không phải khóc à nha) nào là không đi học đâu, ở nhà thôi…và
tuyệt chiêu của cô í là cố tình ói hết
thức ăn mà bà ngoại vừa khó nhọc cho cô ấy ăn…thời gian đầu cả nhà còn xúm lại động viên nào là đi học vui, có cô, có
nhiều bạn, có đồ chơi này nọ. nhưng cô ấy ứ chịu, thích ở nhà với bà thôi. Sau
đấy thì cứ đến giờ thì bố cô ấy không nói nhiều, cứ thế bế xốc nách và alêhấp lên đường. (nhà có mỗi chiếc xe máy, bố phải đi làm xa nhà cỡ 15km mà sáng nào cũng điệp khúc không đi học đấu, váng hết cả đầu). Cô ấy không cần biết người lớn đang nghĩ gì, bố bế lên thì cô ấy vừa, giãy, đạp để tuột xuống, nhiều hôm còn ói hết ra quần áo khi xuống đến chỗ để xe, bố thì vội đi làm... và hậu quả thế nào thì mọi người
hình dung ra rồi...nhỉ.ahu!hu. Đến được lớp học
là cả một kỳ công và cứ như thế trong suốt những năm mẫu giáo, hình như chưa
bao giờ cô ấy tự nguyện, vui vẻ đến trường hay sao ấy. Vào lớp thì cô ấy “b.ạo hành” tinh thần cô giáo, khóc lóc, ói, ị nên để tránh tình trạng khóc lây lan cả lớp, cô
giáo đành phải "đặc cách" cho học sinh cá biệt này ra ngồi ở cầu tuột ngoài sân, ngồi đến khi nào cô ấy khóc chán muốn
học thì vào lớp…túm váy lại giai đoạn này không biết ai đã bạo hành ai ? nghĩ lại vẫn còn hãi!
Lớn hơn, cô ấy nhanh nhẹn, nói nhiều, tính tình rất phóng
khoáng, khi biết xài tiền để mua quà vặt (cấp 1), khi được phụ huynh cho tí tiền
lẻ (nhà ngheo... huyền làm gì có tiền...chẵn) để mua mấy thứ linh tinh của trẻ con cho vui giống bạn, cô ấy sẽ lận tiền vào lưng quần và sau đó nếu vô ý chơi nhảy dây rơi mất,
chưa bao giờ cô ấy buồn vì mất tiền (có lẽ, cô ấy ...kiếp trước là giáo viện dạy môn Triết nên mới vận dụng lý thuyết vào thực tế: vật chất
chưa bao giờ mất đi, chỉ chuyển từ dạng này qua dạng khác, từ người này qua
người khác, nên mắc mớ gì phải buồn, điều này thì cô ấy có lý.)
Chưa 10 tuổi, cô ấy được mẹ dẫn theo khi mẹ đi chợ, cô ấy biết mẹ mua hàng gì, ở hàng nào và trong chợ bày bán ra làm sao.... Do nhà ở gần ngay chợ Bến Thành (cách khoảng 5 phút đi bộ) nên
mỗi khi nhà có khách muốn đi dạo chợ thì cô ấy sẽ thay mẹ làm hướng dẫn viên để mẹ nấu cơm. Thường là khách đi chơi với
cô ấy về sẽ khen với phụ huynh là có cô con gái nhanh nhẹn, cái gì ở chợ cũng biết!
Còn phải bảo, con mẹ mà! hihi
Cô ấy lớn hơn tí (khoảng từ 15 tuổi), Mẹ thường đi công tác
xa nhà một đến 2 tuần, mẹ cứ yên tâm đi nhé, ở nhà cô ấy biết nấu ăn, biết cùng bố làm
gì khi “mẹ vắng nhà”, tuy nhiên khi về mẹ không khen mà còn ca cẩm thế này, thế nọ,
nhưng ai có thể làm vừa lòng mẹ hết cơ chứ. Kệ, thế là tốt lắm rồi. Cô ấy đảm
đang ! mãi sau này, có lần cô ấy kể là những lần mẹ đi công tác, con mong mẹ về lắm!thương!
... Nhưng có điều này làm cả nhà và cô ấy cùng rất lo là từ cấp 1cô ấy đã " dư cân” theo chuẩn, đi đâu ai cũng nhìn vì lúc đó trẻ con chưa được ăn uống dư chất như bây giờ . Có lần về quê ngoại, ra chợ quê, khi thấy "người ta" nhìn là cô ấy vừa đi vừa tự nói: “mập nhưng không đần đâu đấy”, mẹ nghe dì về kể lại nghe mà sợ sự "đanh đá" của cô ấy luôn!hihi! Mẹ cũng đưa cô ấy đến BS, cũng bằng mọi cách cho cô ấy ăn kiêng.. nhưng chẳng ăn thua gì, thấy phụ
huynh lo lắng, cô giáo chủ nhiệm của cô ấy bảo: Chị yên tâm,đừng lo, đến tuổi biết thế nào là đẹp
nó sẽ tự điều chỉnh thôi. Mình đã chờ, chờ mãi đến khi cô ấy vào đại học, năm nhất
cũng chả thấy biến chuyển gì, nhưng sau đấy thì … cô ấy nhận thấy rằng mình cần
phải đẹp để tự tin trước mắt “bạn khác phái” ở trường và cô ấy khép mình vào một chế độ ăn uống theo ý cổ,
chẳng khoa học, sách báo gì và kết quả là bi giờ cô ấy “xinh dần” trong mắt mọi
người vì cô í giảm được 20kg tính theo mốc vào đại học. Không phải “con hát mẹ
khen hay”, nhưng mình cũng phải phục nghị lực vươn tới cái đẹp của cô ấy, nếu là mình thì chịu thôi!
Với cô í thì sơ sơ mấy nét cơ bản vậy đã, chứ
chuyện của cô ấy thì kể cả ngày chưa hết. Ngày nào đẹp trời hơn sẽ kể tiếp, hôm
nay ngoài trời đang có bão!
2/ EM !
...Có
bầu cô chị thì mình bị hành ói suốt 3 tháng đầu, nghe mùi ai xào nấu gì, ăn món
gì cũng ói, ói mà trớt cả cổ họng nên chảy m.áu khi ói, sợ mất hồn! cậu em không
thế, nhẹ nhàng hơn nhiều. (may là hồi bầu bí chị 2 có bà ngoại trợ giúp. Đến khi bầu bí cậu em thì bà ngoại về quê, sinh cậu em 4 tháng, mẹ gần đi làm thì bà vào trông giúp em).
...Đến
ngày dự sinh “cậu em”, mình vẫn chưa có dấu hiệu gì, đi khám BS kêu phải nhập viện vì thai quá ngày, có cô BS quen bảo chủ nhật cô í trực thì vào đẻ. Sau này, Bố cậu ấy cứ chọc bảo cậu ấy ra đời là: “đẻ theo chỉ đạo”, vì mổ khi cậu ấy chưa muốn ra. Tưởng đơn giản là vào đẻ, sáng sớm mẹ xách giỏ, bộ con chị Vịt chở vào viện, BS kêu 2 cha, con về, đến 11 giờ vào là có em bé! Mình vào làm các thủ tục từ 8 giờ sáng, nằm trên bàn đẻ mà chẳng đau tẹo nào dù BS đã chích thuốc giục,
rồi làm những cái gì gì nữa theo chuyên môn mà vẫn chẳng thấy gì. Mình nằm nhìn
những người bên cạnh đẻ hết ca này sang ca khác thấy ...mà ham, trong khi đó mình cứ chờ, chờ mãi, chờ mãi, 16 giờ chiều, tim thai yếu do
nước ối đã được “tháo” từ trưa. Thế là mình phải mổ, lãng nhách! gần17 giờ cậu ấy ra đời bằng con đường không giống chị 2 của cậu ấy.
Khuôn
mặt cậu í thanh tú, cái gì cũng xinh, mắt to vừa phải, mũi cao, trán cao (nhưng
không rộng như chị), ngón tay, ngón chân dài, mình nhìn cứ thấy quen quen, cứ thầm nghĩ
không biết gặp cậu ấy ở đâu rồi, sau mới ngẫm ra là cậu ấy giống mẹ cậu ấy! hi!hi!
Về nhà, cậu ấy không hay khóc, nếu tè ướt, cậu ấy cũng
chỉ ọ ẹ báo hiệu thôi. Lớn tí, cậu ấy hay cười, chọc đến là cười nắc nẻ, không
như cô chị bằng tháng tuổi, nhìn khó đăm đăm, kiếm được nụ cười của cô chị khó lắm. Cậu ấy ngoan, hay
ăn, chóng lớn, bụ bẫm và xinh giai đi
đâu mẹ cậu ấy cũng mát cả zuột khi người ta khen cậu ấy : sao mà đẹp trai thế . Hai tuổi cậu ây chưa
biết nói nhiều (cô chị 13 tháng đã biết gọi tên mọi người trong nhà), bà ngoại tưởng
cậu ấy bị hỏng phần âm thanh, nên khi lên 3 cậu ấy nói nhiều, bà ngoại mới tặng cậu ấy mấy câu thơ này: "Hai tuổi không nói tưởng Ku câm/ ba tuổi Ku nói ầm ầm/ đi vào mẫu giáo Ku càng nói to."
Đến tuổi đi học mẫu giáo, cậu ấy cũng muốn ở
nhà với bà, nhưng cậu ấy không khóc lóc, la hét như chị 2 để mà bị "bạo h.ành" (nói vui thôi), có lẽ do cậu ấy hiểu là có làm thế cũng chẳng có ích gì, đi học là phải đi thôi! Chính sự tự chấp nhận ấy mà mẹ và
bà ngoại đã nhiều lần muốn cho cậu ấy nghỉ học ở nhà chơi vì mỗi sáng bế cậu ấy đi học
là cậu ấy lại vuốt vào ngực mẹ và nghẹn ngào nói: “Mẹ ơi, mẹ cho Ku ở nhà đi, Ku mà
đi học là Ku buồn mẹ, buồn bà, buồn bố, buồn chị hai lắm” (nhớ mà cậu ấy chưa hiểu hết ý của hai từ này nên nói là
buồn ). Khi nghe mẹ và bà giải thích đi học để
biết hát, để có nhiều bạn thì cậu ấy dặn: “Chiều mẹ (bà) nhớ đón Ku sớm nha”. Nghe cậu ấy dặn như vậy kèm với khuôn mặt buồn hiu của cậu ấy, mẹ đã mềm lòng, muốn khóc và chỉ muốn cho cậu ấy ở nhà . (ních name ở nhà của cậu ấy là do bà ngoại thấy cậu ấy xinh giai, bà sợ “người
khuất mặt” để ý nên đặt tên xấu: Ku). Về cái tên thân mất này, có chuyện vui là vầy: Năm cậu ấy khoảng 7-8 tuổi, đi chơi về cậu ấy cứ phàn nàn với mẹ: có cả ngàn cái tên đẹp không đặt, đi
đặt tên xấu xí cho cậu ấy, cao điểm là có lần cậu ấy chơi với bạn hàng xóm về (tên này chỉ dùng ở nhà thôi nên chỉ bạn hàng xóm gọi) cậu ấy khóc ăn vạ về cái tên này vì bạn chọc (kiểu Ku này, Ku kia vậy mà- trẻ con ở thời nào chả thế). Nghe vậy, mẹ cậu phải gọi từng cậu bạn hàng xóm dặn dò là cậu ấy lớn rồi không gọi Ku
nữa nhé mà gọi tên bạn là VP nhé..., mấy đứa bạn dạ ran, mình yên cô tâm về vụ tên rồi. Nhưng chiều tối, chơi ngoài ngõ chán chê về cậu ấy khóc còn to
hơn hôm trước, hỏi có chuyện gì, cậu ấy ấm ức nói mấy đứa bạn hàng xóm không gọi Ku nữa mà tụi nó gọi
là: Chim ơi chim! hi!hi (mình cười suýt rớt hàm), nghĩ bụng mấy đứa bé hàng xóm vui tính thật, ừ thì không
gọi Ku nữa thì gọi là Chim vậy. (ha!ha!).
...Có
điều đặc biệt (hơn cô chị) là từ khi biết ăn cơm đến 4 tuổi, cậu ấy không chịu ăn thịt, nếu canh
mà có váng mỡ là cậu ấy nhất định không ăn (tưởng kiếp trước tu rồi chớ), bà
ngoại đành phải chan nước trà (bông hoa hoè mà bà hay uống) làm canh cho cậu ấy ăn. Cậu ấy có vẻ thiếu chất nên ốm tong teo dù đã được bồi dưỡng bằng nhiều thứ khác.
Và cũng
như cô chị, đến tuổi được cho tiền lẻ xài vặt thì cậu ấy giữ chặt, bố chở, cậu ấy ngồi trước, tay nắm chặt tờ tiền 2 ngàn, cũng có khi cậu ấy sơ ý, đánh rơi, phát hiện
rơi mất tiền là cậu ấy bắt bố quay xe lại tìm, nói cho tờ khác cậu ấy cũng không
chịu,bố giả bộ tìm không thấy thì thôi. Sau này lớn, cậu ấy xài tiền rất chi là
đúng mục đích, mẹ cậu an tâm khi cậu ấy xin tiền làm gì đó, nhiều khi cho thêm
cậu ấy trả lại vì không dùng làm gì cả. Mẹ cho học Anh văn thêm, cậu ấy chọn chỗ nào
ít tiền học phí thì học, cô chị bảo: “tiền nào của đó” Ku ơi. (nhớ hồi bé có món gì ngon, mẹ chia 2 đứa như nhau, cô chị sẽ ăn ngay và luôn, cậu em để dành ăn sau một cách dè xẻn, cô chị ăn xong phần mình, quay sang cậu em: cho chị 2 miếng đi, cậu em ngần ngừ, nhưng vẫn cho mà miệng càu nhàu: Hai cũng có phần mà) hihi!
... Cậu ấy là con trai yêu dấu, là cục vàng, cục ngọc, là quả táo đầu cành…và đủ các thứ
cục khác của mẹ ( nhà hay nựng nọi trẻ con kiểu thế) nên cậu ấy không như chị phải đi chợ, nấu ăn ( cỡ 5- 7 tuổi, chỉ phải hàng tối xách bịch rác xuống đường bỏ, nhưng lại bảo mẹ đón ở cầu thang để ...cõng cậu ấy vào nhà- haizzz). Bởi vậy, cho đến khi trưởng thành là 18
tuổi vẫn chưa phân biệt được các loại rau, chỉ biết cắm nồi cơm khi mẹ và
chị đi vắng.. .gà mái cậu ấy gọi là gà cái,
cậu ấy không biết giới tính của con vật thì phải gọi thế nào cho đúng…nên mẹ
gọi cậu ấy là gà công nghiệp.
Lúc
bé khoảng 8 tuổi, Mẹ đi công tác, cậu ấy chạy theo chỉ để dặn: “mẹ nhớ gọi điện thoại cho Ku ngày 3 lần nha” và miệng méo xệch muốn khóc, làm khổ mẹ những
ngày ấy chưa có ĐTDĐ, ra HN công tác vào mùa lạnh mà cứ ngày 3 lần lọ mọ đi bộ ra bưu điện gần nơi ở gọi ĐT cho
cậu ấy để động viên tinh thần.
Năm
cậu í học cấp 2, cậu ấy về than thở với mẹ là xếp hàng ở lớp, cậu ấy thấp hơn mấy cô bạn
gái, thế là mẹ tức tốc tìm thức uống tăng chiều cao cho cậu ấy. Sau đấy thì suốt
ngày thấy hai chị em cứ đứa đứng dựa lưng vào tường, đứa kia lấy bút gạch làm
dấu rối đo xem mỗi ngày em có cao lên được tí nào không. Giờ cậu ấy 20 tuổi, cao
1m70, cũng chưa cao lắm, nhưng chiều cao của cậu ấy là niềm mơ ước của... bố cậu í rồi đấy ạ.
Cái
việc học ôn thi tốt nghiệp phổ thông TH và thi ĐH hai chị em cũng khác nhau,
chị thì nằm học rồi úp sách lên mặt ngủ lúc nào không hay, còn cậu ấy ngồi cặm
cụi học suốt, chả là : “Cần cù bù thông minh” mà. Kết quả thì cũng như nhau cả (là cũng tốt nghiệp các thể loại). Giờ thì cậu ấy học đàn ghi ta, tập tạ, đánh bóng bàn, chơi đá banh, học chụp ảnh. Nhìn cậu ấy cưc kỳ manly! (ai
không tin, hỏi mấy cô bạn gái ở trường cậu ấy thì biết)hihi.