Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

TRUNG THU & LUẬN VỀ TRI KỶ !

1/Hôm nay Lễ Trung thu:

                                                

+ Người già lại...có quà: (của zai xinh, gái đẹp mang về từ trước lễ):


                               Bánh trung thu rau câu : 

Cao dán hồng sâm HQ:

+ Nhóm các quý bà gặp nhau dịp trung thu :

-----------------------------

2/ Mình đã biên nhiều bài về tri kỷ rồi, nhưng viết bao nhiêu cũng chưa đủ trình để nói hết về sự kỳ diệu của tình tri kỷ (hiếm có, khó tìm) hôm nay lại tiếp tục:

*/Tình cảm là một thứ rất khó định nghĩa bởi mỗi người đều có cảm nhận riêng. Trong tình yêu: người thì yêu lặng lẽ, người thì yêu sống yêu ch.ết, hoặc có người đặt cả trái tim trước mặt bạn mà bạn lại làm như không thấy, chỉ đơn giản là vì bạn không thích. Còn người làm cho trái tim của bạn tan nát thì bạn lại không cảm thấy đau là vì bạn... yêu. Có người mới yêu thương một thời gian ngắn đã nghĩ sẽ bên nhau suốt đời...lại có người yêu nhau cả chục năm, bỏ nhau trong phút mốt. Cũng bởi một chữ duyên mà có người bạn không bao giờ nghĩ họ sẽ bên bạn suốt đời vậy mà gắn kết không rời dù nhiều khi họ làm bạn buồn tưởng đã muốn buông. Còn có người bạn tưởng sẽ gắn bó cả một đời, nuôi bao mộng tưởng kiểu dệt gấm thêu hoa thì chỉ trong phút chốc họ bỏ bạn đi ...cưới người khác, cũng phải chịu thôi chứ làm gì bây giờ. Bởi vậy, trên đời này không ai nói trước, định trước được điều gì cả. Cuộc đời mỗi người, sợ nhất là mất đi phương hướng trong chính tim mình, chọn sai người mà đúng thời điểm, chọn đúng người mà lại sai thời điểm hoặc sai cả người sai cả thời điểm...nếu vậy cuộc đời bạn coi như bị đánh cắp. (híc). Buông tay chưa hẳn là giải pháp duy nhất, mỗi người có cách chọn nhẹ nhàng cho riêng mình...!

                                                                     

...và tri kỷ cũng vậy. Có thể nói tri kỷ là sự kết hợp của 3 loại tình cảm:  tình bạn, tình yêu và tình thân. Nó vượt qua giới hạn của tình bạn, không nhớ nhung, hờn ghen như tình yêu và điều quan trọng nhất trong mối quan hệ này là sự thấu hiểu. (có khi người thân cũng chưa chắc đã hiểu bằng). Nghe đơn giản vậy thôi chứ để hiểu một con người đâu dễ, bởi nhiều khi "sóng nằm ở đáy sông" .                                          

+  Tri kỷ vượt quá giới hạn của tình bạn bởi bạn thì có thể cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống nhưng là bạn thì chưa hẳn đã thực sự thấu hiểu nhau. Bạn sẽ giúp đỡ những lúc ta gặp khó khăn thực sự, nhưng sự giúp đỡ này chỉ giới hạn ở một mức độ nhất định nào đó mà thôi. 

+ Tri kỷ cũng không được coi là tình yêu vì tình yêu là phải có sự đồng hành, thêm chút ích kỷ cộng sự chiếm hữu. Như nhà thơ Nguyễn Bính viết trong bài thơ Ghen :

"...Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai.                     

Đừng hôn dù thấy cánh hoa tươi.
Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ.
Đừng tắm chiều nay biển lắm người.

Tôi muốn mùi thơm của nước hoa
Mà cô thường xức chẳng bay xa
Chẳng làm ngây ngất người qua lại
 Dẫu chỉ qua đường khách lại qua..."

 + Tri kỷ cũng không giống với tình thân bởi nhiều khi không phải chuyện gì cũng có thể chia sẻ cùng người thân. Bởi vậy, tri kỷ là thứ tình cảm đặc biệt và hiếm có . Một người tri kỷ của bạn sẽ là người hiểu bạn hơn người khác dù họ ở xa hay gần bạn. Khi ở bên cạnh họ, bạn cảm thấy thoải mái, yên tâm, họ chỉ cần nghe hay nhìn bạn cũng hiểu bạn nghĩ gì, muốn gì, đang gặp phải chuyện gì...và cùng tìm hướng giải quyết.

Một người bạn (không phân biết nam, nữ) được coi là tri kỷ sẽ luôn thẳng thắn với bạn. Họ chọn cách bày tỏ những cảm xúc, những suy nghĩ thật nhất của họ về bạn, về những vấn đề mà bạn đang gặp phải. Khi một người luôn đưa ra những lời khuyên, cách nhìn nhận thẳng thắn vào một vấn đề nào đó với bạn thì đó là người tri kỷ của bạn.                                                                       

 */  Mối tình ..tri kỷ là tên một bài thơ của TG:  Hoa Vô Sắc:

Có mối tình xin gọi tên tri kỷ

Không gối chăn nhưng ý vị biết bao
Hoài bâng khuâng những cảm xúc dạt dào
Từng cơn sóng cuộn trào nơi đáy dạ.

Có mối tình hai người chia đôi ngả
Vẫn dụm dành với tất cả yêu thương
Đêm tiếp đêm thao thức suốt canh trường
Nơi trái ngực vấn vương cùng nhịp thở

Có mối tình không mong cầu duyên nợ
Người trở trăn ta giấc chẳng an lành
Nguyện song hành theo cả chuỗi ngày xanh
Dẫu mong manh chẳng dễ dàng tan vỡ

Có mối tình mãi lênh đênh miền nhớ
Dào dạt xô như nước biển chiều êm
Mỗi ngày xa nỗi nhớ lại dài thêm
Lòng hoang hoải bờ môi mềm mặn đắng

Có mối tình tháng năm trôi thầm lặng
Dõi mắt bên nhau suốt chặng hành trình
E ấp tựa những khóm hoa xinh
Tỏa lung linh giữa ta bà trần thế."

(theo trang tình yêu và nỗi nhớ - hình,thơ, tư liệu để viết đều cop nhặt trên net)


Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

QUÊ HƯƠNG LÀ ..!

 "Quê hương là gì hở mẹ

 Mà cô giáo dạy phải yêu ?

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều...?"   (trích thơ của TG Đỗ Trung Quân)

       QUÊ NGOẠI QUA CHUYỆN  KỂ CỦA ANH HỌ !

Lời nhập : Cuốn " Chuyện của chúng tôi", tác giả là anh họ Võ Hồng Phúc (ông nội của anh P và ông ngoại của mình là anh em ruột). Cuốn sách viết theo dạng hồi ký của anh ấy, mình có quyển sách này là do một người em họ khác chuyển qua. Nay mình trích một đoạn anh P viết về quê ngoại của mình, lưu giữ ở đây để sau này cho con cháu biết. Phải nói thêm là những người lớn tuổi bên họ ngoại bậc ông, bà, bác, mẹ...đã về với tổ tiên lâu rồi, mình là lớp con, cháu chuyện quê ngoại, mình không biết nhiều, nay qua bài viết của anh P mình mới biết cụ thể hơn. Xin cảm ơn anh và kính chúc anh nhiều sức khỏe!

 

            (trích)   :         Vùng địa linh nhân kiệt 

" ... Quê tôi là xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tên xã trước đây là Việt Yên Hạ, thường gọi là Kẻ Hạ, đối diện bên kia sông La là Kẻ Thượng.

Bên Kẻ Hạ có chợ Hạ, bên Kẻ Thượng có chợ Thượng, là hai chợ lớn của cả vùng. Sau năm 1945, có phong trào lấy tên các danh nhân chống Pháp nổi tiếng đặt tên cho quê của các vị danh nhân đó, xã đổi tên là Châu Phong, vốn là tên hiệu của cụ Phan Đình Phùng, quê ở làng Đông Thái, một làng trong xã.

Năm 1955, cải cách ruộng đất, có phong trào chia xã và đổi tên, xã chia đôi. Những xóm gần vùng đồi gọi là Đức Sơn. Mấy xóm dưới chỗ chúng tôi ở thì gọi là Đức Phong, giữ lại chữ Phong trong Châu Phong.

Chữ Đức là chữ đầu của tất cả các xã trong huyện Đức Thọ lúc đó. Sau này hợp nhất hai xã lại lấy tên Tùng Ảnh, theo tên làng Tùng Ảnh, xưa là một làng trong xã, là làng quê của Tổng bí thư Trần Phú và của hai ông Phan Anh, Phan Mỹ. Xã nổi tiếng là vùng “địa linh nhân kiệt“.

Trong xã, xưa và nay đều có nhiều người thành danh, nổi tiếng. Xã nằm dọc sông La. Sông La cùng với sông Ngàn Sâu bọc quanh xã. Đầu xã là bến Tam Soa (ba giải lụa, nơi hợp lưu của sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố thành sông La), nơi hai danh nhân La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và Hoàng giáp Bùi Dương Lịch thường đi thuyền gặp nhau, neo thuyền trên bến chơi cờ.

Trên bến có đền Linh Cảm, tức đền thờ Đinh Lễ, một danh tướng chống Minh, đi vào sâu hơn là chùa Đá (Thạch Động tự). Giữa sông La có bãi Ngưu Chử, vì xưa có chợ trâu bò ở đó, dân làng thì gọi là bãi Soi.
                         Sông La - đoạn qua làng Soi: (hình minh họa do mình chọn đăng ở đây)     

 Cầu Linh Cảm: 

Những năm đầu của thập niên 1930 làm đê La Giang, dọc theo bờ đê, người ta cho xây các bậc đá xuống sông. Chiều đến mọi người xuống tắm giặt, rất là vui. Giữa xã có chợ, gọi là chợ Hạ ở ngay cạnh sông. Chợ có một cái nhà to gọi là đình chợ Hạ, để cho những người bán hàng tơ lụa vải vóc, hàng xén và hàng khô bày hàng.

Bốn góc chợ là 4 cây đa to. Dọc bờ đê trồng một hàng phượng đỏ, mùa hè đỏ rực bờ đê. Những ngày phiên chợ, ngày 1, 3, 5, 8, thuyền các nơi về đậu kín bến sông La. Cạnh chợ có sân vận động, người ta nói, sân vận động được xây dựng theo phong trào thể thao đầu những năm 1940.

Gần đó là đền và chùa Trinh Liệt, dân gọi là đền Cao Các. Bên sông, gần giữa xã là dinh của cụ Hoàng Cao Khải xây theo kiểu xưa có lầu gác để ngắm cảnh sông nước, dân gọi là dinh cụ Quận, bởi cụ được vua phong là Duyên Mậu quận công. Sau khi được phong thì được xây dinh theo quy định của triều đình.

Cuối xã là nhà thờ cụ Bùi Dương Lịch, một danh sĩ nổi tiếng cuối triều Lê đầu triều Nguyễn. Trong xã có 5 đình ở 5 làng: Tùng Ảnh, Trinh Nguyên, Đông Thái, Yên Hội và Yên Nội.

Là đất học, có nhiều người đỗ đạt làm quan nên trong xã có hai văn chỉ, thờ Khổng Tử và các bậc hiền nho, dân gọi là nhà thánh Yên Trung và nhà thánh Yên Đồng. Sau khi nho học suy vi, biến thành trường tiểu học của xã, hồi cấp 1, tôi học ở đó. 

Dân trong xã sống với nghề dệt, buôn bán, dạy học, làm thuốc, làm công chức, cho thuê ruộng (cho cày rẽ) và làm ruộng… Nghề dệt lụa là nổi tiếng nhất, lụa Hạ nổi tiếng khắp xứ Nghệ, được coi là sản vật đặc trưng của vùng.

Các làng ven sông La và Mai Hồ giàu có hơn các làng trên vùng đồi. Dân các làng trên đồi đa phần làm ruộng. Dân trong làng trong xã sống với nhau rất tình nghĩa. Nhiều dòng họ lại có ràng buộc qua quan hệ thông gia nên lại càng thân thiết hơn. Quan hệ giữa người cho thuê ruộng và thuê ruộng cũng rất vui vẻ thuận hòa, vì đã gắn bó với nhau nhiều đời nay. 

                                          

                              Một góc xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ). Ảnh: Thiện Lương

...Tôi còn nhớ, vườn của nhà bà nội rất rộng, chồn thường làm tổ trong vườn, thỉnh thoảng vẫn bắt được. Chim rất nhiều, có cả bìm bịp. Bà tôi cấm mọi người bắt và đuổi bìm bịp, bảo để nó bắt rắn.

Vườn nhà nằm trên khu đất cao. Từ đường làng có 3 bậc đá để đi lên cái cổng sơn xanh có 2 cánh. Bà nội tôi kể, ngày chưa có đê La Giang, mùa lụt nước chỉ lên đến cổng. Năm nào lụt to, nước mới lên đến sân, không vào nhà.

Ông nội tôi xưa làm nghề thuốc và dạy học, ông mất đầu năm 1945. Người làng vẫn nói ông là người hiền từ nhân đức. Ông vẫn dạy học miễn phí cho con em người làm trong nhà, người cày ruộng thuê, con nhà nghèo.

Bà nội tôi làm nghề dệt, nhà có 5-6 khung cửi, phải thuê thợ dệt. Bà có riêng ngôi nhà ngang để đặt khung cửi. Nhà lại có ít ruộng cho thuê để lấy gạo ăn cho người nhà và người làm. Nhà ông bà lúc nào cũng đông vui. Quan hệ giữa người làm và người nhà gắn bó với nhau đến 2, 3 đời.

Năm 1951, xã bị máy bay Pháp ném bom. Đó là trận bom để lại trong tôi ấn tượng kinh hoàng. Cả nhà tôi tránh bom trong căn hầm xây bằng gạch từ hồi bắt đầu "tiêu thổ kháng chiến", bằng vật liệu từ các căn nhà bị tiêu thổ.

Căn hầm cứ rung lên, tôi nằm nép chặt vào bà nội. Máy bay Pháp ném bom khu đồi thông, bến phà Linh Cảm và chợ Hạ. Trên Linh Cảm bị nặng nhất, có nhiều người chết. Có một quả bom nổ gần nhà tôi. Đình chợ Hạ bị sập mái. Ngôi nhà chính (nhà dọc) của bà nội cũng bị sập mái, bà cho dỡ ra, xếp khung gỗ lại, mọi người xuống ở nhà phụ (nhà ngang) và lên nhà thờ. Nghề dệt lúc này cũng bắt đầu sa sút nên bà dẹp bớt khung cửi. 

Sau trận bom đó, làng quê lại trở về cuộc sống yên bình. Trong làng vẫn giữ được nếp sống cũ...

                                       Nhà thờ họ - kiến trúc đầu thế kỷ 19.
Bà ngoại thì hay đưa đến các đám lễ, Tết của họ Bùi, họ Kiều và các nhà thông gia bên bà ngoại. Các dòng họ trong làng trước đây đều có người đỗ đạt, làm quan. Dân làng phần lớn theo Nho giáo và Phật giáo. Các dòng họ trong làng rất coi trọng nề nếp gia phong nên rất giữ lễ nghĩa. Qua đó mà tôi học được lễ, nghĩa của người xưa trong cách chào hỏi, trong khi ăn uống và lúc giao tiếp...
Đón người tản cư:
Mẹ tôi kể, khoảng trước năm 1950 là thời kỳ làng quê tôi rất vui. Hồi đó một phần của trường Quốc học Huế chạy tản cư ra Bắc, về đóng ngay làng. Sau này đổi tên, gọi là trường Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng. Dân làng hay gọi là trường Chuyên khoa.

Trường được xây dựng bằng tranh tre ngay cạnh sân vận động của xã, gần nhà bà nội tôi. Học sinh và giáo viên thì ở trong nhà dân. Mọi người hay gọi là học trò chuyên khoa, thầy giáo chuyên khoa. Rồi nhiều người làng làm việc tại Hà Nội cũng tản cư về làng, họ kéo theo bạn bè cùng về. Biết mẹ tôi là học sinh cũ của trường Đồng Khánh ở Huế nên mọi người hay qua lại trò chuyện. Trong nhà luôn rộn ràng vui vẻ.

Sau trận bom năm 1951, trường Chuyên khoa chuyển sang Đô Lương, Nghệ An, nhập vào trường Quốc học Vinh đang tản cư lên đó. Làng vắng hơn, nhưng vẫn vui.

Sau khi vùng đồng bằng Bình Trị Thiên bị người Pháp chiếm, đường giao lưu Nam Bắc là đường 15 bây giờ. Đường 15 chạy qua xã, xã tôi lại trở thành nơi dừng nghỉ lấy sức của các đoàn cán bộ, bộ đội từ Bắc vào Nam và ngược lại. Châu Phong - chợ Hạ trở thành địa danh có tiếng. Người vào Nam ra Bắc thời đó ai cũng biết. 

Người qua lại đông, dân làng, người tản cư về mở hàng quán quanh chợ Hạ và sân vận động của xã, hình thành nên xóm chợ. Tôi còn nhớ mấy nhà hàng chính ở xóm chợ: chú Vinh chuyên sửa chữa và bán bút máy, người lớn gọi là Vinh Bút, chú Đạt sửa xe đạp, đều là người làng. Cửa hàng cá tôm khô và nước mắm của ông Linh Khổn ở cửa Nhượng ra. Hai lò rèn của hai ông thợ người Trung Lương lên, ông cu Bảy và ông cu Nậm. Có một người quét dọn chợ mà hai anh em tôi rất sợ, nhìn thấy từ xa là phải chạy trốn, tên ông là Kế Lai. Cũng có nhiều quán ăn và quán nước. 

Mọi người nói, trong các quán đó, quán nước của anh cu Hai là có tiếng nhất, tên kẹo Cu Đơ là có từ đấy. Mẹ tôi kể lại, anh cu Hai không phải người làng. Anh ở dưới Vinh lên. Khi Vinh "tiêu thổ kháng chiến", anh tản cư lên chợ Hạ. Anh mở quán cà phê, bán thuốc lá, bánh kẹo. Toàn là đồ sang để bán cho thầy và trò trường Chuyên khoa và dân làng từ Vinh, ngoài Bắc tản cư về.

Anh học cách nấu kẹo lạc của người bên Thượng (chợ Thượng). Thời đó, kẹo lạc của người bên Thượng nấu xong đổ lên lá chuối khô hoặc giấy bản cứng, khi ăn rất khó bóc. Bên cạnh quán nước của anh có bà bán bánh tráng vừng (bánh đa). Anh nấu kẹo xong thử đổ lên bánh tráng, ăn thấy ngon. Anh làm bán cho khách, ăn xong ai cũng khen. Mọi người gọi luôn là kẹo cu Hai.

Khách ăn của anh chủ yếu là thầy trò trường Chuyên khoa và những người có học của làng mới tản cư về, họ đều sính tiếng Pháp. Thấy gọi tên kẹo cu Hai nghe không hay, họ đổi gọi là kẹo Cu Đơ, theo tiếng Pháp, nghe hay hơn. Khi trường Chuyên khoa chuyển đi, anh cu Hai cũng đi. Cách làm kẹo vẫn ở lại. Nay kẹo Cu Đơ trở thành đặc sản của Hà Tĩnh.

Từ sau năm 1952, người ra vào Nam, Bắc càng đông, làng càng vui, lại thêm người lên chiến trường Bắc Lào cũng qua làng theo đường 8. Tôi nhớ nhất hồi đoàn văn công quân đội đóng ở làng. Trong đoàn có cô Tân Nhân, hát rất hay. Làng hồi đó rất hay họp, vì là đất văn vật truyền thống và là vùng tự do (hồi đó vùng do ta kiểm soát gọi là vùng tự do, vùng do Pháp kiểm soát gọi là vùng tạm chiếm hay vùng tề).

Họp để thông báo tình hình, nhắc nhở mọi người giữ gìn truyền thống, mọi người rất hồ hởi, tự hào tham gia, thu hút từ các nhân sĩ công chức đã nghỉ hưu đến người bình dân.

Họp toàn thể thì gọi là họp nhân dân, rồi thì họp hội phụ nữ, hội mẹ chiến sĩ… Họp phụ nữ và họp nhân dân thì sẽ có cô Tân Nhân hát. Tôi luôn đòi đi theo mẹ để nghe cô hát. Mẹ tôi rất quý cô và hay nói chuyện với cô vì cô là học sinh lớp sau của trường Đồng Khánh. 

Tháng 5/1954 tin chiến thắng Điện Biên Phủ về đến làng, cả làng chung nhau mổ bò liên hoan. Tháng 7/1954 ngày hoà bình lập lại, một không khí vui như hội tràn ngập khắp làng. Mọi người lấp các hố tránh bom được đào dọc đường làng và trong vườn nhà.

Đám thanh niên thì học các bài hát mừng hoà bình mới được sáng tác nhanh và những bài hát được sáng tác chào mừng Tháng hữu nghị Việt-Trung-Xô được tổ chức cách đó mấy tháng. Bọn trẻ chúng tôi ra xem và hát theo. Có người còn lấy bài đó làm điệu nhảy, dạy mọi người tập nhảy. Có nhiều người luống tuổi ở xóm chợ cũng nhảy theo. Tôi còn nhớ mấy câu của một bài hát: 

“Hoà bình tưng bừng từ Liên Xô về muôn phương. Toàn dân ta ca vang hữu nghị... Việt-Trung-Xô kết đoàn muôn ngàn năm…”.

Từ ngày đó đến nay, mới được 69 năm! Muôn ngàn năm còn lâu lắm!

Mùa thu 1954, các đoàn bộ đội cán bộ tập kết từ Nam ra theo đường bộ dừng lại làng. Bộ đội Lào từ Nam Lào tập kết lên 2 tỉnh Thượng Lào cũng dừng lại làng. Lấy làng làm điểm nghỉ dưỡng để đi tiếp. Mọi người ở trong nhà dân. Đình làng làm bếp và nhà ăn, nơi sinh hoạt chung. Làng vui như hội. Nhất là đám trẻ chúng tôi, ở đâu cũng có các chú bộ đội Lào hoặc Việt chơi cùng. Thời gian này, tôi và em trai cùng vào học lớp 1 ở trường trong làng. Vì bom đạn, mẹ cho tôi đi học chậm hơn 1 năm. Lớp học ở trong nhà thánh Yên Trung. 

Mọi việc trôi nhanh. 

Sang mùa đông năm 1954, không khí trong làng chùng xuống, làng trở nên im lặng hơn. Không còn rộn ràng như trước. Mọi người nói chuyện bên Nghệ An, ngoài Phủ Diễn đang cải cách ruộng đất. Hình như bắt đầu sang trang khác!.." (hết trích)

   (P/S: Trong "Chuyện của chúng tôi" có đoạn anh P viết về chuyện cải cách ruộng đất nói chung và có viết đôi dòng về mẹ của mình, nốt đây mình chụp úp lên luôn):

Cổng làng ngày nay:
Hoàng hôn trên sông La giang:
..." Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
...Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người "
 (TG: Đỗ Trung quân)

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2023

THƠ TÌNH VÀ ...CUỘC SỐNG !

                     ( hoa và thơ đều nhặt trên internet)

BÀI THƠ TÌNH  

    (TG Hồng Giang )                  

"Anh lại viết ngàn lời thơ hay nhất,
Gửi cho người anh thật sự nhớ thương,
Nắng cuối hè mà sao vẫn ẩm ương,
Thiêu đốt cả con đường ta chung bước.

Chớm thu rồi lòng anh thầm ao ước,
Cho chúng mình mãi mãi được kề bên,
Dẫu gian nguy khốn khó chẳng hề quên,
Câu tình ái vững bền trong nhung nhớ.

Anh cũng biết rằng em còn trăn trở,
Bao nhiêu điều đầy nặng nợ nghĩ suy,
Chuyện hờn ghen hơn kém vẫn so bì,
Và giận dỗi những khi lòng trống vắng.

Cafe đắng bỏ thêm đường vẫn đắng,
Năm canh dài anh thức trắng năm canh,
Phải chăng là con chữ quá mong manh,
Nên thơ viết chòng chành không trọn vẹn.

Bài thơ tình nửa chừng sao ứ nghẹn,
Tìm đâu lời …
Thề hẹn ….
Của ngày xưa ! ".
                                                          

*/ Những thứ phù hợp với độ tuổi của nàng lúc này:  

                                             Nghe:


Nhìn : (thấy cái giỏ dễ thương, nàng mua về làm đạo cụ chụp hình) :
                                   

 +  Đủ bộ: Nón lá, túi xách, chỉ thiếu áo dài :


 */...Nàng Ju đã từng mơ khi tuổi xế chiều, nàng sẽ có một căn nhà nhỏ ở ... núi, nhưng mơ ước không biến thành hiện thực vì nhiều lẽ. Nàng Ju không thích biển, có lẽ tại nàng mạng thổ, tên húy của nàng lại là bạt ngàn ...cây, nên việc nàng thích núi có lẽ cũng là điều tự nhiên thôi.Túm váy lại là nàng thích ngắm hoa cỏ, núi rừng và cảnh vật thiên nhiên. Vậy nên khi nghĩ đến chuyện về sau (...) nàng nói với con là nàng thích được ở trên cạn! hihi. Nghe nàng nói vậy, con trai kể cho nàng nghe :

 Khổng Tử nói với học trò của mình rằng:

“Người thông minh thì yêu thích nước, người nhân đức thì yêu thích núi. Người thông minh tính cách hoạt bát giống như nước, người nhân đức an tĩnh giống như núi. Người thông minh sống vui sướng, người nhân đức được trường thọ”.

Học trò hỏi tại sao ?

Khổng Tử trả lời:

"Núi quanh năm một màu xanh thẳm, cỏ cây hấp thụ tinh hoa của nhật nguyệt, trời đất nên tươi tốt, núi nuôi dưỡng không biết bao nhiêu loài cầm thú, núi lại có thế đứng vững chắc bất di bất dịch nên núi tượng trưng sự đầy đặn sung thực và trường tồn như trời đất. Núi là biểu tượng của đạo nhân. còn :Nước, nó tự nhiên. Giống như đức tốt của con người, nó chảy từ cao xuống thấp, uốn lượn quanh co nhưng lại có phương hướng nhất định; nó giống như chính nghĩa, mãnh liệt mênh mông không bờ bến, cho dù rơi xuống vực sâu muôn trượng cũng không chút sợ hãi. Nó mềm mỏng, nhưng không có gì không thấu suốt, vạn vật nhập vào xuất ra nó mà biến thành tinh khiết tươi mới”.

Nàng chưa nghe tích này và nàng cũng không biết người xưa nói đúng hay sai ?       

                                                       (  hình cop trên net )

2/ Đời thường:
+ Đầu tuần, con gái gửi về cho Bố 2 hộp bánh: (có bánh trung thu đầu mùa) :

*/ Bạn của con zai ở Phú Quốc cho: 
(hồi xưa 2 con nàng mê món này nướng chấm...tương ớt , giờ  nàng chế biến ra món khác cũng hấp dẫn lắm! hihi)


+Cam vườn ở quê, chồng của chị bạn mới hái mang lên cho chàng:

Bữa ăn đơn giản : người ăn chay, người ăn mặn 
(vậy gọi là rau, cá qua ngày) hi!hi:

+ Nàng đã thực hiện phương châm của cô bạn :
"không làm được thì ...thuê", con gái đã tìm cho nàng người giúp việc, lau dọn một tuần /buổi. Câu hỏi mà nàng tự đặt ra lúc này là: "nhà rộng để làm gì?". 

+ Này là chuẩn luôn á: 

3/ Đêm 12/9, một vụ cháy lớn xảy tại một chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có nhiều người thương vong, đọc tin tức mấy ngày qua thật đau lòng và thương xót. Cầu nguyện các Đức Chư Phật gia hộ, tiếp dẫn chân linh các nạn nhân vừa qua đời được siêu thoát về cảnh giới  bình an không còn đau khổ.
 Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát !