Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

NGƯỠNG MỘ NỮ SĨ !

  P/s: Mấy hôm nay mình lu bu chút công việc tay chân nên đặt người xuống giường là ngủ, chẳng còn tâm trạng để viết lách, rảnh thì lại cắm đầu vào tìm "kim cương" trên Duolingo để rèn luyện trí não nên đành mượn bài của báo mà nội dung thấy phù hợp với mình úp lên đây để chống trống bài hàng tuần! hi!hi! tiện và lợi!                
 
(thay lời muốn nói)
Ở tuổi gần đất xa trời (năm nay 82 tuổi), nữ sĩ Quỳnh Giao – nhà văn, nhà biên kịch với các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng được chuyển thể như:“Dòng Sông Ly Biệt”, “Hoàn Châu Cách Cách”… đã có một tâm thư vào năm 2017 dặn dò con cái lo chuyện hậu sự sau này của bà!
Báo Đại Kỷ Nguyên ngày 15/11/2019 đã chia sẻ lại bức tâm thư ấy:

“Mẹ nghĩ rằng, các con đều hiểu rõ mẹ sợ hãi cái ngày định mệnh ấy đến nhường nào. Giờ đây, mẹ muốn nói rõ về “quyền lợi” của mình, những ai đọc được bức thư này có thể làm chứng, rằng dù thế nào đi chăng nữa, dù gặp bất cứ áp lực nào cũng không được lưu giữ hài cốt của mẹ, không được biến mẹ thành “cứu sống không được, để chết không xong”. Nếu các con làm thế thì sẽ là “đại bất hiếu!”.
Năm nay mẹ 79 tuổi, năm sau đã là 80. Quả là đời người đã dài, mẹ không vì chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói, thiên tai… mà đi trước một bước. Sống đến tuổi này đã là diễm phúc lắm rồi. Chính vì lẽ đó, từ giờ trở đi, mẹ sẽ đón nhận cái chết với nụ cười trên môi. Mong muốn của mẹ chỉ là:
1. Dù mẹ có lâm trọng bệnh thế nào, nhất quyết không được phẫu thuật, hãy để mẹ ra đi nhanh chóng. Chừng nào mẹ còn minh mẫn làm chủ được mọi thứ thì hãy để mẹ làm chủ, bằng không thì phải nghe theo ý nguyện của mẹ.
2. Không được đưa mẹ vào phòng điều trị hồi sức cấp cứu đặc biệt.
3. Bất luận là chuyện gì, tuyệt đối không được lắp ống thở cho mẹ. Bởi vì một khi mẹ đã mất khả năng nuốt, tức là cũng mất đi niềm vui ăn uống. Mẹ không muốn sống cuộc sống như vậy.
4. Thêm một điều nữa, dù có chuyện gì, cũng không được đặt ống truyền chất bổ cho mẹ. Kể cả ống thông, ống thở… đều không được.
5. Mẹ đã từng nhắc nhở rồi, những biện pháp cứu sống như điện giật, các loại máy móc, tất cả đều không được dùng. Mẹ muốn ra đi nhẹ nhàng, điều này còn quan trọng hơn việc để mẹ sống trong đớn đau.
Mẹ đã từng nói: “Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy hết mình tới phút cuối cuộc đời. Lúc chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi”.
Nữ sĩ cho biết thêm, bà không muốn mai táng theo nghi thức mà mọi người vẫn hay làm. Bà dặn dò con không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không đốt vàng mã… Bà muốn mọi việc diễn ra lặng lẽ, đơn giản, không phô trương.
Cái chết là việc riêng, đừng làm phiền người khác, càng đừng làm phiền những người yêu mến mẹ. Nếu thật lòng yêu mẹ, họ sẽ hiểu cho mẹ…”
                                                                     ***
Có thể nhiều người sẽ thấy “Lời cáo biệt” của nữ sĩ Quỳnh Giao thật kỳ cục và khó hiểu, nhưng chẳng phải chúng ta đều như vậy – “khi sinh chẳng mang được gì đến, khi tử chẳng đem được gì theo” hay sao? Cho dù là quyền cao chức trọng, uy danh hiển hách hay là một người dân bình thường, nghèo đói xin ăn… đến giây phút cuối đời đều chung một tư thế, lặng yên nằm xuống và trở về với cát bụi.
Sống được bao lâu, mỗi người đều đã có phước phần của mình, dẫu có muốn thay đổi cũng hoài công. Chi bằng chọn cách “thuận theo tự nhiên” ra đi thanh thản, nhẹ nhàng như một làn khói. Nào hồi sức đặc biệt, nào lắp ống thở ôxy, nào y học hiện đại tiên tiến… đã có ai thắng nổi được duyên nghiệp của mình?
Đã biết chốn ni là quán trọ
Hơn, thua, hờn oán… để mà chi!
Thử ra ngồi xuống bên phần mộ
Hỏi họ mang theo được những gì…

 (ST)

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

LỜI RU CỦA MẸ !

"Lỡ bước sang ngang" là một bài thơ đặc sắc (hay còn gọi là tuyệt phẩm) của nhà thơ Nguyễn  Bính!  Bài thơ là câu chuyện kể về một người con gái bị mẹ, cha gả bán cho người mình không yêu và phải lên xe hoa từ năm mười bảy tuổi.Cô ấy đã bỏ lại sau lưng mối tình đầu vừa chớm nở, bỏ lại vườn dâu, bỏ lại mẹ già, em dại, người con gái ấy lên chuyến đò định mệnh của đời mình:
 "...Rồi đây sóng gió ngang sông
  Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ...".
                               

... Khoảng cuối tháng 03/1975 chị gái mình đi lấy chồng,  hồi đó mình còn là một cô bé con  nhưng qua câu chuyện của người lớn mình biết mẹ mình không thích anh mà chị sẽ lấy làm chồng! Mình biết mẹ thích một anh khác, trước đó là người yêu của chị nhưng không hiểu vì sao 2 người không nên duyên vợ chồng! Mình gọi anh bạn  này của chị là chú Phương (vì chị gái cách mình 1 giáp mà người yêu của chị thì phải lớn hơn vài 3 tuổi nên gọi chú). Chú Phương to, cao, nhìn chuẩn men. Chú ấy thỉnh thoảng vẫn đến nhà thăm mẹ mình dù chị gái đi làm vắng. Mẹ mình thích chú Phương vì chú ấy có vẻ ít nói và nhìn đáng tin cậy, gia đình thì đông anh em mà đoàn kết! (mình đoán vậy). Mình cũng đã được chị chở vào nhà chú Phương chơi (cách khoảng 10km) vào dịp tết năm 1973 thì phải , nhà chú đông người nên vui, hai ông bà (cha mẹ chú Phương) nhìn phúc hậu! Cho đến tận bây giờ mình cũng chưa hỏi chị là tại sao ngày ấy  2 người lại chia tay? 
...Anh rể của mình là một người hoạt ngôn, nhìn bề ngoài có vẻ không được tin cậy cho lắm ( chỉ là cảm giác vậy thôi). Mẹ mình thì không thích là thể hiện bằng thái độ chứ không phải kiểu bằng mặt mà không bằng lòng! Tóm lại vụ này chị mình đã rất khổ tâm!
Ngày bé, mình thích đọc truyện trinh thám của trẻ con! còn thơ cỡ như của Nguyễn Bính, Xuân Diệu thì sau này khi học lên cấp 3 mới biết! Sau khi chị gái mình lấy chồng, mình hay nghe mẹ hát ru mà sao lời thơ nghe buồn quá, mỗi câu thơ như chạm vào trái tim, làm dâng lên những cảm xúc khó tả thành lời, kiểu như: 
“- Em ơi! Em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương

Chị đi một bước trăm đường xót xa...
Rồi:
...Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây"

là lời than thân, trách phận:

...Chị từ lỡ bước sang ngang
Trời giông bão giữa tràng giang lật thuyền.
Xuôi dòng nước chảy liên miên
Đưa thân thế chị tới miền đau thương.
Mười năm gối hận bên giường,
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh.
Mười năm đưa đám một mình,
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên.
Mười năm lòng lạnh như tiền,
Tim đi hết máu mà duyên không về...
         
Cả bài thơ là lời tâm sự của một người con gái đi lấy chồng mà không lấy được người mình yêu, lời thơ như than, như khóc, mình còn bé nhưng nghe cũng thấy nao lòng! Không biết mẹ mình đã đọc được bài thơ ấy từ đâu và thuộc lòng từ lúc nào và mình cũng không biết tên bài thơ, tên tác giả!
Khi có cháu ngoại rồi cháu nội, lời ru cháu của mẹ mình với các cháu là Kiều, ca dao và đặc biệt mẹ hay ru bài "Lỡ bước sang ngang". Đến khi mình có con thì mẹ mình vẫn hát ru con mình bài thơ hay mà buồn đó!  Mình cũng thuộc lòng bài thơ đó như Kiều!( hết cái đoạn Kiều trao duyên cho em gái mình hay nhầm sang bài thơ này).
Cho đến khi đi làm việc mình cũng chưa có điều kiện đọc cả bài thơ "Lỡ bước sang ngang" của Nguyễn Bính trong tập thơ nào cả!Thủa thanh xuân, mình có cuốn tập chép tay những bài thơ hay hoặc thơ tình (trào lưu của tuổi trẻ thời đó). Có anh bạn cùng cơ quan đã chép cho mình bài thơ "Lỡ bước sang ngang" vào cuốn tập thơ, mình đã mắt tròn mắt dẹt hỏi: sao anh hay vậy, anh thuộc lòng hay chép lại từ đâu?..anh ấy cười cười trả lời: Bí mật.
Đây là một trong những trang thơ mà anh ấy viết cho mình (cứ là phải nói có sách, mách có chứng) hi!hi :


 Mình thích bài thơ này qua lời hát ru của mẹ. Sau này già, mình hình dung mình là một bà lão mặc bộ đồ lụa tơ tằm màu trắng nằm võng đu đưa và tự hát ru mình bài "Lỡ bước sang ngang" và biết đâu (nếu nhẹ nghiệp) mình sẽ ngủ một giấc dài...nghìn thu! Chà ! thế thì thích thật! Còn bây giờ thì mình đang nghe tuyệt phẩm "Lỡ bước sang ngang" trên youtube do NSND Thúy Mùi diễn ngâm, ta nói hay thôi rồi Lượm ơi, nghe chỉ muốn...ngủ! hi!hi
                      

P/s: chị gái mình lấy chồng được 2 năm, có một con và là mẹ đơn thân từ đó!

Còn đây là nguyên cả bài thơ, mình úp lên để bạn bè ai thích thì đọc:

     Lỡ bước sang ngang! (TG Nguyễn Bính)
                       
        Tặng chị Trúc thân yêu -1939
1
“- Em ơi! Em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương

Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây
Rượu hồng em uống cho say
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng
Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ
Miếu thiêng vụng kén người thờ
Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em
Đêm qua là trắng ba đêm
Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn
Một vai gánh lấy giang san...
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương
Mắt quầng tóc rối tơ vương
Em còn cho chị lược gương làm gì!
Một lần này bước ra đi
Là không hẹn một lần về nữa đâu
Cách mấy mươi con sông sâu
Và trăm ngàn vạn nhịp cầu chênh vênh
Cũng là thôi cũng là đành
Sang sông lỡ bước riêng mình chị sao?
Tuổi son nhạt thắm phai đào
Đầy thuyền hận, có biết bao nhiêu người!
Em đừng khóc nữa em ơi!
Dẫu sao thì sự đã rồi, nghe em!
Một đi bảy nổi ba chìm
Trăm cay nghìn đắng con tim héo dần
Dù em thương chị mười phần
Cũng không ngăn nổi một lần chị đi...”

Chị tôi nước mắt đầm đìa
Chào hai họ để đi về nhà ai.
Mẹ trông theo, mẹ thở dài
Dây pháo đỏ bỗng vang trời nổ ran.
Tôi ra đứng tận đầu làng
Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa...

2
Trời mưa ướt áo làm gì?
Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng.
Người ta pháo đỏ rượu hồng
Mà trên hồn chị một vòng hoa tang.
Lần đầu chị bước sang ngang
Tuổi son sông nước đò giang chưa tường.
Ở nhà em nhớ mẹ thương
Ba gian trống, một mảnh vườn xác xơ.
Mẹ ngồi bên cửi xe tơ
Thời thường nhắc: “- Chị mày giờ ra sao?”

Chị bây giờ... nói thế nào?
Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang.
Chị từ lỡ bước sang ngang
Trời giông bão giữa tràng giang lật thuyền.
Xuôi dòng nước chảy liên miên
Đưa thân thế chị tới miền đau thương.
Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh.
Mười năm đưa đám một mình
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên.
Mười năm lòng lạnh như tiền
Tim đi hết máu mà duyên không về.

Nhưng em ơi! Một đêm hè
Hoa xoan nở, xác con ve hoàn hồn.
Dừng chân trên bến sông buồn
Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang.
Đoái thương thân chị lỡ làng
Đoái thương phận chị dở dang những ngày.
Rồi... rồi chị nói sao đây?
Em ơi! nói nhỏ câu này với em...
Thế rồi máu trở về tim
Duyên làm lành chị duyên tìm về môi.
Chị nay lòng ấm lại rồi
Mối tình chết đã có người hồi sinh.
Chị từ dan díu với tình
Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng.
Tim ai khắc một chữ “nàng”
Mà tim chị một chữ “chàng” khắc theo.
Nhưng yêu chỉ để mà yêu
Chị còn dám ước một điều gì hơn.
Một lầm hai lỡ keo sơn
Mong gì gắn lại phím đờn ngang cung.
Rồi đêm kia lệ ròng ròng
Tiễn đưa người ấy sang sông, chị về.
Tháng ngày qua cửa buồng the
Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa.

3
Úp mặt vào hai bàn tay
Chị tôi khóc suốt ba ngày ba đêm.
- Đã đành máu trở về tim
Nhưng không buộc nổi cánh chim giang hồ.
Người đi xây dựng cơ đồ
Chị về giồng cỏ nấm mồ thanh xuân.
Người đi khoác áo phong trần
Chị về may áo liệm dần nhớ thương.
Hồn trinh ôm chặt chân giường
Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây.
Năm xưa đêm ấy giường này
Nghiến răng nhắm mắt cau mày... cực chưa?
Thế là tàn một giấc mơ
Thế là cả một bài thơ não nùng.
Tuổi son má đỏ môi hồng
Bước chân về đến nhà chồng là thôi.
Đêm qua mưa gió đầy giời
Mà trong hồn chị có người đi qua.
Em về thương lấy mẹ già
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công.
Chị giờ sống cũng bằng không
Coi như chị đã ngang sông đắm đò./.



1939

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

CHUYỆN THÁNG 6!

 */Mình thích ăn chua, có lẽ vì thế mà huyết áp luôn ổn định ! hi!hi
Hôm rồi ra chợ chồm hổm thấy cô bán đồ quê có mớ cóc non, mua về bào sạch vỏ, ngâm nước muối, nấu nước sôi chần qua rồi lại ngâm nước đá xong để ráo thì nấu nước đường và cho ít muối, bột ớt, và ớt quả thái vào, để nguội rồi cho cóc vào ngâm, bỏ ngăn mát tủ lạnh ăn giòn giòn. (mình và con gái khoái món này).Cực nhất là khi bào vỏ, nhưng bù lại được ăn đồ sạch.


           
 */Ngày các con còn bé, vào mùa mưa không có gì ăn vặt thì mình pha bột mì, đập thêm quả trứng vào rồi chiên lên thành món bánh chiên (chấm tí nước mắm cốt nữa thì tuyệt vời ông mặt trời). Giờ các con trưởng thành mỗi đứa đi mỗi ngã, vào những chiều mưa, mình lại pha bột mì chiên bánh, hai vợ chồng vừa ăn vừa ôn lại chuyện ngày xưa! 


Chị bạn ngoài sân tập thể dục làm bánh bột (nhân thịt) gói lá chuối, gửi cho mình và chị bạn khác lại hấp chín lên dùm, ăn này là ăn tình cảm của bạn bè! cảm ơn các chị vẫn nhớ tới mình dù mình không ra sân tập thể dục chung nữa, giờ mình tập một mình để tiện ngắm hoa, lá, cành!
                                
                Hoa lá đang ra :

 

Còn đây là quả sung muối (như muối cà pháo) vợ của cậu em đồng hương ở gần nhà mang sang cho, ăn là lạ mà ngon! 

 Còn đây là món nộm (chay) bắp chuối mình tự làm cứ gọi là ngon đáo để hi!hi :
                          
                             
 Bởi vậy nên :


*/Tuần này chả viết lách được gì ra hồn vì mình đang có một đam mê khác là học Anh văn trên ứng dụng Duolingo (miễn phí- cứ gì miễn phí là mình thích! he!he), giống như chơi game nên cứ cắm đầu vào kiếm trái tim với kim cương để được đi tiếp vào vòng trong! vụ này là để luyện tập trí não!biết đâu sau này già mà lẫn, mình quên tiếng Việt, nhớ mỗi tiếng Anh rồi ai đến cũng nói: "Teel me that you love me"! (ha!ha)

*/ Trong một diễn biến khác thì nhà hàng xóm phía sau đã đổ xong 3 tấm, giờ đang xây tường! tầm nhìn phía sau của nhà mình bị hạn chế nhưng lại bớt nắng vào buổi chiều:





Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

HỒNG SA !

 * Hồng Sa là tên cô bạn gái thủa thanh xuân của mình! Cô ấy học chung một khóa tại trường Luật nhưng khác lớp, cô ấy cùng gia đình trước ở Hải Phòng, sau năm 75 sống tại SG , còn mình là dân tỉnh lẻ vào SG đi tìm cái chữ kiếm cơm!
 Khi đang học thì mình và cô ấy chỉ biết mặt nhau chứ không giao tiếp chuyện trò! gần cuối khóa học, sinh viên về địa phương thực tập! Mình và cô ấy cùng có tên trong danh sách thực tập tại SG, vậy là có điều kiện để chúng mình nói chuyện. Cô ấy hơn mình một tuổi, hồi mới quen do lịch sự nên mình gọi cổ bằng chị sau chơi với nhau thì gọi nhau bằng tên, rồi mày với tao lúc nào chẳng hay ! hi!hi 

  
Thanh xuân của cổ và mình đây: (chụp tại Hồ con rùa );


                                              
 Sau khi thực tập, về trường thi tốt nghiệp xong, tháng 10/1981 mình, cổ và 6 bạn khác cùng khóa có danh sách được phân về SG, 2 đứa tụi mình được ở tại TP, các bạn khác về quận, huyện (những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước cái nghề của tụi mình học ít người theo). Mình và Sa làm cùng cơ quan nhưng khác phòng, sau này có thời gian hai đứa làm chung bộ phận GĐKT.(chuyện chú Sếp mình đã viết 2 bài- mình trưởng thành trong công việc là từ cái nôi đầu tiên này ): 


Hoàn cảnh hai đứa khác nhau (cô ấy ở cùng với ba, mẹ, còn mình ở một mình tại căn hộ tập thể cơ quan cấp). Đi làm thì trưa cô ấy mang cơm theo còn mình ăn cơm "nhà bếp". Thời gian đầu mình còn đặt ngày 2 suất cơm trưa (dặn chị bếp để sẵn ở góc bàn ở bếp cho mình một phần để chiều trước khi về thì mình xuống bếp ăn cơm...chiều một mình vì ai thì cũng về nhà sum họp cơm tối cùng gia đình). 
Bữa trưa mình và cô ấy thường ngồi ăn chung với nhau dưới nhà bếp cơ quan cùng mọi người (cơm của cô ấy mang theo thì nhiều thức ăn nên mình được ăn ké) hi!hi!còn nhớ mấy chị lớn tuổi hay nhìn vào longo cơm của cô ấy rồi bảo: con bé này ăn thịt độn cơm.
 Cô ấy con nhà "cơ bản" (ba là cán bộ hải quân, mẹ là cửa hàng trưởng cửa hàng bách hóa tổng hợp ở chợ Bến Thành, nhà ở phố Ngô Văn Năm- khu dành cho hải quân, những năm đầu thập kỷ 80,những ngày cuối tuần mình hay tới nhà cô ấy, nhiều khi còn ngủ lại, nhớ nhất là cái ghế đá đặt trên lề đường trước nhà, mấy đứa cùng tuổi ở khu phố hay ngồi tán phét đủ thứ chuyện, kiểu như khen bồ đứa này đẹp, đứa kia xấu...giờ gọi là ngồi chém gió). Hồi đó kinh tế nói chung nhà nào cũng khó khăn nhưng cô ấy không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền như mình, đi làm đối với cô ấy chỉ là để cho vui mà thôi!
Hai đứa đang ở độ tuổi thanh xuân nên chuyện tình yêu của đứa này thì đứa kia biết! Những khi mình hay cô ấy seven love thì hai đứa lại chở nhau bằng xe đạp chạy lòng vòng khắp phố, mà thường là cô ấy chở mình, có hôm trời mưa tầm tã, cô ấy cứ thế chở mình chạy trong mưa mà chẳng nói gì. 
Cô ấy có anh trai và em gái nhưng hình như cô ấy được ba, mẹ cưng chiều hơn. Anh trai cô ấy đi học đại học nước ngoài về, cô ấy cứ hỏi ghẹo mình: mày có muốn làm chị dâu tao không? xong cô ấy chỉ vào một thau đầy quần áo bảo: của ổng đó, muốn làm chị dâu thì giặt đi! hoặc cô ấy chỉ vào cái quần zin treo ở nhà tắm và bảo: của ổng đó, mặc 1 tháng chưa giặt! hi!hi! (mình bảo làm chị dâu thì muốn nhưng giặt thì không). Chọc nhau vậy thôi, chứ anh của cổ đi làm, hay đi đâu suốt, có bao giờ thấy mặt, có thấy thì ảnh cũng lừ lừ như tàu điện, sợ gần chết và ảnh có bao giờ để ý đến mấy đứa nhỏ tụi mình!

Hình này hai đứa đi chơi hội hoa tết :



 Cô ấy còn tặng mình tấm hình cổ hồi bé chụp với cậu, giờ mà cổ thấy mình còn giữ tấm hình này chắc ngất trên cành quất luôn á !hi!hi




* Thời ấy còn bao cấp nên những người làm việc ăn lương 3 cọc 3 đồng như mình rất khó khăn về kinh tế, không có thu nhập nào khác ngoài lương và mình cũng không có sự trợ giúp từ gia đình. Gạo thì mua giá bao cấp (rẻ) nhưng gối đầu, nghĩa là gạo tháng này thì tháng sau mới có, bởi vậy mình xoay trở cực kỳ vất vả. (Đầu năm 1985, mẹ mình ở quê vào ở cùng mình vì  mình tưởng phải đi Hà Nội học thêm 2 năm). Mình còn nhớ có hôm nhà hết gạo mà hôm sau mình phải đi công tác ở huyện ngoại thành (mình làm ở phòng GĐKT nên hay xuống cơ sở cùng chú Sếp), thấy mình ngồi suy tư, cổ hỏi có chuyện gì? Mình nói: nhà tao hết gạo, mai tao đi công tác với chú, mẹ ở nhà chẳng biết phải làm sao. Cổ mới bảo mai mày cứ đi công tác, tao xách gạo vào cơ quan, nói bà già vào đây lấy về là được chứ gì!(nhà mình gần nơi làm việc)... 
Cũng rất may là sau đó trường mình học có mở khóa đầu tiên tại SG nên mình chỉ phải đạp xe đạp kì cạch lên Bình Triệu (cách  nhà khoảng 8km) chứ không phải ra HN như dự tính ban đầu. Tùy theo lịch học mà hôm thì mình về trưa hôm thì về chiều chứ không ở nội trú! Giờ nghĩ lại thấy tuổi trẻ hay thật, cái cầu Bình Triệu (cũ) khá cao mà mình cứ gò lưng đạp!
 Sang năm học thứ 2 thì mình lên xe hoa, nhớ là mình có may cái áo dài cưới màu đỏ, muốn đẹp hơn, mình và cổ đi mua những bông mai bằng giấy màu trắng rồi hai đứa ngồi đính lên áo cưới của mình.Ngày cưới của mình thì cô ấy và mấy cô bạn gái trong cơ quan chạy xấc bấc xang bang tiếp khách dùm mình:
   Hình ngày cưới của mình, Sa đứng ngoài cùng bên phải (cái áo dài đỏ hai đứa kết bông trắng đây):
     tháng 2/1986:                 
                                 
     OX mình bạn nhiều nên đãi tiệc 2 buổi, trưa mình mặc áo dài, chiều mặc váy cưới:(Sa đứng ngoài cùng bên trái, anh bạn ngồi phía trước Sa là người yêu Sa thời điểm đó)

                           

Đang học thì mình có bầu và vẫn cong lưng đạp xe từ SG lên Bình Triệu, những tháng cuối sắp sanh vẫn cứ lao xe xuống dốc cầu Bình Triệu như đúng rồi! lấy chồng rồi mình vẫn chưa thoát nghèo, quần áo bầu may được mỗi một bộ,  sáng mặc đi học, chiều về giặt phơi, sáng ủi khô mặc tiếp! Thấy vậy, cổ đưa cho mình một khúc vải hoa rất đẹp đủ may một bộ đồ bộ bầu.(chuyện lấy chồng vẫn không thoát nghèo để hôm nào có tâm trang mình sẽ viết)
Giờ ngồi viết lại những ngày gian khó ấy, mình không hiểu sao đã vượt qua được, có lẽ vì ngày ấy đa số ai cũng khó khăn gần như nhau!Giờ mà thế thì chắc là xoắn!
...Rồi mình học xong, sinh con gái đầu được 3 tuổi thì cô ấy nghỉ việc, cổ không thích làm thì nghỉ, vậy thôi (hội chứng của con nhà có điều kiện). Thế là hai đứa 2 lĩnh vực khác nhau và chúng mình xa nhau dần lúc nào chẳng biết, mình thì vì sự nghiệp, lo con cái, lo chuyện cơm áo, gạo tiền, rồi sanh con thứ hai! Mọi thứ cứ thế cuốn mình lên phía trước! Còn cô ấy thì lấy chồng, có con muộn hơn mình khoảng 5-6 năm (luôn thanh thản theo kiểu của cô ấy)! Thời gian hết bao cấp thì ba cổ mất, nhà ở trung tâm SG mẹ cổ bán chia cho các con và mua căn nhà khác xa trung tâm! Ngày mẹ cổ mất, mình đang đi công tác ở HN, khi về đi cùng cô bạn  chung của 2 đứa ghé nhà thắp nhang cho bà, là lâu lắm tụi mình mới gặp lại, mình gặp cả anh trai cổ ở đó...Cổ vẫn như ngày nào, vẫn cách nói chuyện tưng tưng như trước!

Hình con gái cô ấy hồi bé chụp với con trai mình: (con trai mình sinh 1991, con gái cổ sinh 1993. Nghe nói cô ấy cũng sắp lên chức bà ngoại)


...Những mối tình thời thanh xuân của mình cổ biết, mình nghèo cổ cũng biết luôn! SG nói nhỏ thì nhỏ mà nói to thì cũng to. Cũng lâu rồi mình chưa gặp lại cô bạn thời thanh xuân ! Giờ mình già thì mình ngồi ôn nghèo, kể khổ cho vui vậy thôi!

Cô ấy thời điểm hiện nay đây (hình lấy trên zalo của cổ ).
 Ngày 18/6 này cô ấy tròn 60 tuổi: (chúc mừng bạn lên lão luôn vui khỏe nhé)!