Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

TUỔI THƠ ... TÔI !

    Mình sinh ra và lớn lên ở quê ngoại là làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, một làng quê nghèo nhưng hiếu học (nói chung). Mình xa quê đã mấy mươi năm nhưng kỷ niệm của một thời thơ ấu vẫn luôn ngập tràn trong tâm tưởng!
Hôm rồi, cô bạn gái hồi học cấp 3 nhắn tin là hình (ảnh) của Mẹ mình (bà Châu làm hộ sinh ở trạm xá xã thời gian trước năm 1979) đang được trang Facebook "Người Tùng Ảnh- Đức Thọ" đăng và nhiều người vẫn nhớ tới bà với tình cảm quý mến! mình rất tự hào về điều đó và xin được cảm ơn tất cả mọi người!

                         Mẹ mình tại đường hoa Nguyễn Huệ- SG (1993)
                                          Mẹ mình tại SG (1983)


...Và sau đó mình đã tìm vào được trang FB "Người Tùng Ảnh- Đức Thọ")! Chao ôi cả một trời thương nhớ của mình đang ở đây! Được thấy mọi người nói chuyện bằng ngôn ngữ địa phương, được thấy lại những hình ảnh quê ngoại (giếng nước, bờ tre, cổng, hàng rào bằng cây giới ở số 5 (làng Nồi). Hồi mình còn bé, trạm xá xã nơi mẹ mình làm việc gần nhà ông Bộ Kế  thì mình đã thấy cái cổng độc- lạ này rồi. Còn bây giờ thì bên số 5 nhiều nhà có cái cổng như thế).



...Về giếng làng thì hồi nhà mình ở số 4 (ở nhà ông Dánh nay là nhà của Châu con ông Tùng) mình nhớ là người lớn đi gánh nước ở cái giếng đầu làng (ngay bờ ruộng, gần nhà cậu Phức, muốn ra giếng chơi thì mình đi theo đường có nhà thờ họ Lê. Cái nhà thờ họ này cũng có nhiều kỷ niệm với con nít tụi mình, hồi đó ả Minh nhà bà Bang hay rủ tụi mình ra đó chơi (mình cũng đã thấy hình bà Bang trên FB- vui vì thấy bà đã 97 mà vẫn còn khỏe và minh mẫn, trước năm 1971 nhà mình là hàng xóm với nhà bà Bang). Ở số 4 hồi đó mình chơi thân với Linh (con trai của cậu Khánh, mự Ngụ) vì hai đứa hay đọc sách, khi nhà mình chuyển lên gần Đình số 3 thì Linh vẫn hay lên nhà mượn sách, nhưng đến năm 1972 thì Linh mất vì bệnh. (viết đến đây lại nhớ hình ảnh của Linh ). Ở dưới xóm số 4 mình còn nhiều kỷ niệm tuổi thơ khác như ra mấy gốc nhãn cổ nhà dì Dần (mẹ mình với dì Dần là chị em cô, cậu) để nhặt nhãn rụng, nhà dì Dần còn có cây đào tiên to, tụi con nít tụi mình cũng thích lắm và cũng hay lò mò vào vườn nhặt trái rụng (chính ra trái rụng mà lại ngọt! hi!hi). Hồi ở xóm số 4 mình còn nhớ có một cái lều của một cụ già (mình không nhớ tên) cụ ở một mình, cái lều này sau lưng nhà thờ họ Lê, trước ngõ nhà ông Được và xéo với nhà ông Giao, hình như bên cạnh nhà ông Đống thì phải (nếu mình nhớ không lầm), lều che bằng lá chuối, trong lều có mỗi cái chõng, bọn con nít tụi mình sợ nhưng vẫn tò mò, lâu lâu lại rình rình chạy vô coi cái rồi chạy ra ngay! Rồi năm 1971 nhà mình chuyển xóm, lúc đó mình 10 tuổi, sau chẳng biết cụ ấy chết thì ai lo?
Lên số 3 (giờ là làng Đông Thái) thì mình đi gánh nước ở cái giếng trước nhà ông Tuy và sau lưng nhà ông Thiện, đường vô cái giếng mình còn nhớ là nó không bằng phẳng mà nó như một cái ao nhỏ, mùa mưa thì phải lội mới vào đến giếng, nhưng lại nhẹ được một đoạn vì hai cái thùng nó nằm dưới nước kéo đi nhẹ hơn gánh ở trên bờ! Ra giếng hồi đó vui lắm, người thì giặt đồ, người thì rửa rau, nhiều khi người gánh nước phải chờ nhau vì đông (vụ gánh nước giếng này mình sợ nhất là đứt dây gàu, ngại phải  đi mượn cái cây để mò gàu lên!). Mình không nhớ cụ thể đến năm nào thì những nhà xung quanh nhà mình đào được giếng (nhà ông Ba, nhà ông Hồ) khi đó mình đi gánh nước gần hơn! (nhà mình có cái bể cạn phải gánh đâu như 8- 9 gánh gì mới đầy- mà đôi thùng gánh nước anh trai mình gò nó to ơi là to- nặng oằn cả lưng!hu!hu).
...Nhà mình trồng rau xu hào, bắp cải, củ cải... thì phải đi gánh nước tưới rau ở cái ao gần nhà ông Đức, mùa mưa thì ra cái ao  nhỏ trước ngõ ngay nhà bà Tam- nhưng ao này ít nước vì nó bé (hình như là cái hố bom).
...Nói chuyện đi cào lá thông ngoài bãi sông thì mình cũng có tham gia vì trước năm 1976 nhà mình là thành phần phi nông nghiệp  nên không có rơm, rạ gì cả. (sau năm 76 thì có chị dâu làm nông ngiệp). Sáng sớm hai mẹ con đi cào lá thông, mẹ gánh cái gánh còn mình vác 2 cái cào, đi sớm cào được nhiều vì chưa có người cào! (viết đến đây lại nhớ hình ảnh mẹ mình khom người cào lá thông). Lá thông mà phơi khô đun đượm lắm! Nhưng cũng có khi mẹ xin được toóc (rạ) của nhà ai trong xóm cho, nhưng ruộng hơi xa và là thường là ruộng ngập nước, phải lội xuống ruộng lôi toóc lên bờ, để vài ngày ráo nước rồi mượn xe cải tiến, mẹ kéo con đẩy về phơi đầy ngõ, mùa mưa thiếu chất đốt là một sự ngán ngẩm đối với mình đến tận bây giờ (toóc (rạ) thì ướt, nấu khói mù- nhà thì nghèo chả có tiền mua củi, hôm nào thấy mẹ ra sông kêu bè mua củi là lòng mình vui hân hoan dù phải vác củi từ ngoài bến sông về nhà).Viết đến đây mình lại nhớ hình ảnh con lợn (heo) mẹ nuôi mà mùa đông không có nhiều rơm, rạ và thức ăn nên chuồng ướt, nước lỏng bỏng, nó đói, 2 chân cứ bắc lên chuồng (làm bằng những cây củi chồng lên rồi buộc lại) réo inh ỏi! (ôi chà một thời gian khó).
...Nhà ở gần đình số 3 nên tụi con nít tụi mình hay chơi trò trốn tìm ngoài đó, trốn xung quanh mấy cái cột thôi, chẳng dám vô sâu trong đình vì hồi đó còn um tùm, có cả cáo (chồn) trong đó nên sợ !(lâu lâu buổi tối cáo vào nhà bắt gà, nghe người lớn la ỏm tỏi đuổi cáo). Rồi tụi mình còn lấy bẹ cau đứa ngồi đứa kéo ì đùng ngoài đường, đất bột bay mù trời nhưng vui! Còn mấy trò như chơi ô ăn quan, nhảy chân chồng lên (chả nhớ gọi tên là trò gì mà hai đứa ngồi 2 đầu, chồng chân rồi tay lên cao còn một đứa nhảy qua), rồi chơi thẻ (chuyền) với 10 cái que tre và trái cam héo, thảy lên nó kêu bịch bịch mà không bổng bằng trái ban (bóng) và phải nhanh tay nhanh mắt nhặt que chứ không là thua. Còn những buổi trưa không ngủ thì rủ nhau đi ăn trộm dái mít, đi hái đọt ngấy, lá chua me ăn (mỗi đứa tay bụm sẵn một ít muối để chấm). Lớn hơn tí thì không đi trộm dái mít nữa mà hay gù (rủ) Hà (bạn học) con ông Dụ xóm trên về nhà Hà chơi mục đích là để Hà leo lên cây khế ngọt nhà Hà hái xuống cho tụi mình ăn! (vẫn nhớ cảm giác sợ khi gặp ông bà nội của Hà- chả biết tại sao lại sợ vì thực ra ông bà không nói gì cả , mình chỉ biết sợ là sợ vậy thôi! hi!hi)
Còn nhiều chuyện về tuổi thơ...yên lành, chuyện khôn có và dại cũng nhiều, giờ già rồi xin được ...xí xóa! hi!hi! với lại quan điểm chung vẫn là: "tốt khoe, xấu che" (ông bà xưa dạy vậy rồi) mà kể ra cũng dài lắm! (viết dài ít người đọc) !

P/s: Bài này mình viết để hưởng ứng theo trang FB Người Tùng Ảnh nên có dùng từ địa phưpơng và tên riêng của nhiều người (lẽ ra phải viết tắt tên riêng, nhưng viết tắt thì người cùng quê đọc phải đoán nên xin mạn phép các cụ, các bà, dì, cậu...nhất là những người đã mất cho  phép (con, cháu) được ghi ra đây ạ).
Mình cũng xin được cảm ơn ý tưởng của các anh, chị đã lập ra trang: "Người Tùng Ảnh- Đức Thọ", để mọi người con của quê hương Tùng Ảnh qua trang này kết nối được với nhau, ôn lại những kỷ niệm xưa tưởng đã chôn vùi vào ký ức, cũng như những người ở xa quê biết được chuyện làng, chuyện xóm hiện nay! Một trang FB thật có ý nghĩa! một lần nữa xin được cảm ơn và chúc sức khỏe các quản trị viên của trang "Người Tùng Ảnh- Đức Thọ"!

 Nguồn hình đăng ở bài này mình lấy trên FB của người Tùng Ảnh và trên mạng! (không biết có vi phạm bản quyền hay không? xin phép được dùng hình và thành thật cáo lỗi cùng chủ nhân các bức ảnh trên và dưới đây):
 Sông quê

 Đường quê:

Đồng quê:(hi!hi)


 Về với kỷ niệm xưa (2018):