Trang

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

HỒI KÝ VỀ MẸ ! (6)

...Sau khi mẹ tôi bỏ nhà ra đi để phản đối lại việc bị cha gả bán cho Tây thì ông ngoại tôi thường xuyên uống rượu và luôn ở trạng thái say nhiều hơn tỉnh. Bà ngoại tôi thì vừa phải lo buôn bán đường xa, vừa muốn trốn những trận đòn vô cớ từ ông (ngày nay gọi là bạo hành gia đình), một chuyến đi buôn đường dài của bà phải trên 10 ngày mới về, khi về lại phải mua hàng để đi chuyến mới nên bà ít khi ở nhà, phần khác thì con cái cũng đã trưởng thành (con gái lớn đã gả chồng, các con trai người thì có vợ, người đi học xa nhà). Với tình hình gia đình như vậy nên bà ngoại tôi đã bàn cùng các con là nên cưới vợ lẽ cho ông  để có người thay bà ngoại tôi về mọi lĩnh vực trong gia đình.

                                                     (mẹ tôi năm 1983 -tại SG)


Việc bà ngoại cưới vợ lẽ cho ông ngoại tôi, thời Pháp thuộc là chuyện không hiếm, nhưng nó rơi vào gia đình mẹ tôi như là một cứu cánh để cho mọi người trong gia đình dễ thở hơn! Nói một cách chính xác thì người buồn nhiều nhất phải là bà ngoại tôi vì "Chồng chung ai dễ ai chiều cho ai", nhưng tôi đoán rằng bà đã bị những trận đòn vô cớ khi ông say rượu làm mờ đi tình cảm vợ chồng và sự ghen tuông thường tình của đàn bà!
Việc cưới vợ hai cho ông tôi diễn ra suôn sẻ, bà Hai về sống cùng nhà với ông, bà ngoại tôi. Như đã giao ước là lo chuyện nội trợ để bà ngoại tôi rảnh tay buôn bán. Bà Hai và ông ngoại tôi có thêm 3 người con chung (1 trai 2 gái)- Những người con này của bà Hai có cuộc sống vất vả hơn các con của bà ngoại tôi, vì khi  cậu và 2 dì chưa kịp lớn thì cơn bão cải cách ruộng đất ập đến (1953), ông ngoại tôi đã không chịu đựng nổi việc bị tịch thu tài sản, gia đình ly tán nên đã ...Sau khi ông ngoại tôi đi, không còn ai lo kinh tế cho bà Hai và các con nên bà Hai đã đưa các con về quê ngoại. Chuyện mưu sinh, cơm áo, gạo tiền đã đẩy xa các con bà Hai ra khỏi gia đình của bà ngoại tôi đến nhiều chục năm sau mới gặp lại  ... (vì tôi viết về mẹ tôi, nên những đoạn này tôi chỉ nhắc vào như một giai đoạn lịch sử của gia đình mẹ tôi mà thôi).

Trở lại chuyện về mẹ tôi, đầu năm 1945, lúc này mẹ tôi 20 tuổi (độ tuổi đẹp nhất của người con gái, không ngây thơ như tuổi 16, nhưng cũng chưa từng trải như phụ nữ 30- là tôi nghĩ thế, nhưng riêng mẹ tôi thì trước đó đã có những cú sốc tinh thần do chính cha mình gây ra, sau này cuộc đời của mẹ tôi còn nhiều thăng trầm khác mà chính những người thương yêu bà (hay bà thương yêu) gây ra, chứ không ai khác vì vậy tính cách của mẹ tôi, theo tôi thật khác lạ so với những phụ nữ nông thôn khác). Mẹ tôi đã cùng với một người chị con bác ruột (tôi gọi là dì Phú) lớn hơn mẹ tôi khoảng trên dưới chục tuổi, đi buôn chuyến bằng tàu lửa. Hai chị, em vào tận ga  Đà Nẵng -Tam Kỳ mua gạo về ga Vinh, Chợ Thượng bán buôn. Theo lời mẹ tôi kể kể thì đi buôn nhưng con nhà giàu nên bà ăn mặc đẹp, quần áo lụa tơ tằm, cổ, tay đeo (kiềng) vòng vàng, tóc búi cao (mẹ tôi răng trắng, không ăn trầu, không đội khăn vấn đầu như phụ nữ xưa). Tôi hình dung mẹ tôi thời trẻ qua những bộ phim phim : Cành ngọc lá vàng, và những bộ phim dựng theo tiểu thuyết của nhà văn Hổ Biểu Chánh vậy đó.( Mẹ tôi có chụp một tấm hình ở tuổi này nhưng thời gian quá lâu làm hư hỏng, tôi có đưa ra tiệm ảnh phục hồi nhưng không được).
Cũng từ việc đi buôn bán đường xa này mà mẹ tôi đã gặp người chồng đầu tiên (ông C) và cũng bắt đầu từ đây, cuộc đời mẹ tôi bước sang một khúc quanh mới, gập ghềnh hơn nhiều so với quảng đời thanh xuân trước đó.
                                        

 Mẹ tôi cùng bạn bè đồng nghiệp trong một hội nghị ngành y : (mẹ bế tôi đứng thứ 3 từ trái qua)                        


                               (...còn tiếp)


Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

CHUYỆN...TRANH !


 Hôm nay chuyển đề tài, thư giãn:

 * Có những bức hình xem xong cho mình những cảm xúc khó tả (buồn buồn, vui vui, nao nao...kiểu như thế), chẳng hiểu tại sao? như tấm này (hình cóp trên mạng đấy ạ): 


* Còn tấm này thì ngưỡng mộ (vợ chồng Nhật Hoàng thời trẻ và khi già bên nhau)



* Xem lại tấm hình này, thấy lại những gương mặt thân quen ( chụp khoảng năm 1985- trước cửa nơi mình làm việc) bây giờ thì người còn (cũng đã nghỉ hưu hết) và nhiều người đã mất.



* Đây là tấm hình con gái mình (bên trái) ngồi cùng cô bé hàng xóm năm 1992 ( mình không nghĩ  là đã 25 năm , haizzz, mình già thật rồi!) 


* Còn đây là thiếu da ( hay thiếu thịt) nhà họ Phạm:


* Sam đang tập làm lính...cứu hộ ( là giải cứu con chó đồ chơi bắt bà bỏ lên nóc tủ lạnh rồi chồng 2 ghế lên  nhau để Sam đứng lên cứu...chó ) haizzzz: đứng tym


* Và một ngày mát trời (không nắng) tự dưng mình đem giày của con trai còn để ở nhà và của mình đi giặt : (biểu cảm là không hiểu nổi tại sao) 

* Hơn 10 năm mình nuôi một đàn chó (có thời điểm trên 10 con- khi 3 con mẹ đẻ cùng 1 lúc), mình cho ăn, tắm, dọn chuồng mỗi ngày, đưa đi BS khám bệnh khi tụi nó ốm, chăm đẻ, nói chuyện với tụi nó vì sợ tụi nó buồn và bị  stress, buồn rơi nước mắt khi có con ra đi, đủ trò...., nhưng ít khi mình bế tụi nó hay cho nó lên giường ngủ cùng ( như con trai và ông xã mình hay làm), mình cũng chả hiểu tại sao luôn á- con mình nói mình sợ dơ, nhưng đâu phải vì dọn chuồng, hốt phân cho tụi nó là mình chứ ai vô đây !!!) haizzzz! Nên khi thấy tấm này thì mình ngạc cô nhiên! ahihi


Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

HỒI KÝ VỀ MẸ ! (5)

.P/s: Để viết về phân đoạn này tôi kính cẩn cúi mình trước vong linh của ông ngoại, để xin  ông tha thứ cho những gì tôi, đứa cháu ngoại đã, đang và sẽ viết về mẹ tôi (con gái của ông) nhưng có liên quan đến ông và có lẽ chính những gì ông đã làm với mẹ tôi đã tạo nên một tính cách khác biệt ( cá tính) của mẹ tôi sau này! 

.. Mẹ tôi bỏ trốn là để chống lại quyết định của ông ngoại gả mẹ tôi cho Tây. Khi trốn ra khỏi nhà thành công, mẹ tôi nhớ đến một bà dì họ - dì của bà ngoại tôi (tôi gọi là bà cố), bà dì (bà cố) đang tu ở một cái am nhỏ trên núi cách nhà không xa lắm!  Sau khi nghe mẹ tôi kể chuyện bị cha ép duyên, bà dì đồng ý để mẹ tôi tạm ở lại rồi tìm cách giải quyết. Ở cùng bà dì được khoảng 10 ngày thì bà  nhắn bà ngoại tôi tới đón con gái về vì sợ ông ngoại tôi tìm ra thì sẽ làm ảnh hưởng đến chốn tu hành của bà dì! Mẹ tôi dù không muốn về nhưng ở lại tu hành thì không thể  và nếu đi thì biết đi đâu, làm gì ?
Những tưởng khi bà ngoại tôi đưa mẹ tôi về thì ông ngoại tôi sẽ rất ngạc nhiên, nhưng không, bởi ông biết chắc chắn là mẹ tôi phải về nhà vì không ai dám chứa chấp mẹ tôi cả !
Thấy rằng nói chuyện cứng rắn với mẹ tôi không được, ông ngoại tôi chuyển biện pháp, ông kêu bà ngoại tôi may cho mẹ tôi những bộ đồ lụa tơ tằm tốt nhất. Mẹ tôi tưởng là ông ngoại tôi đã đổi ý không ép gả bà cho Tây nữa! Nhưng sau này mẹ tôi mới biết là ông đang lùi một bước để tiến đến gần mục đích mà ông đã đặt ra.
Ông ngoại tôi không mời khách Tây đến nhà nữa, chờ một thời gian đủ lâu để mẹ tôi mất cảnh giác, một hôm ông ngoại tôi nói với bà ngoại là ông sẽ đưa các con trai đi chợ huyện, mẹ tôi sẽ là người đi cùng để chọn đồ (quần áo, sách vở gì đó cho anh và em trai). Mẹ tôi tưởng thật đã đồng ý đi cùng! Xuống đến chợ  huyện thì ông  tách các con trai ra (cho tiền các con trai đi ăn và mua đồ dùng cá nhân), còn mẹ tôi thì được ông dẫn đi lòng vòng trong chợ rồi vào một nơi có nhiều lính canh, vào phòng khách thì ông ngoại tôi kiếm cớ đi ra ngoài, mẹ tôi kể  là bà đã ngồi đó rất lo sợ và không biết tại sao cha lại bỏ mình lại nơi này. Nhưng khi có người đi ra và dẫn bà đi vào một căn phòng khác trong phòng có giường đôi, nệm gối trắng tinh  và đặc biết hơn là có ông Tây đã từng đến nhà chơi đang mặc một bộ đồ lụa trắng cũng đang ở đó thì bà thật sự hồn xiêu phách lạc !
Mẹ tôi đẹp, thông minh, với hoàn cảnh trớ trêu là bị cha ép duyên đem gả, bán cho Tây (tôi viết nôm na như vậy), tuy còn trẻ tuổi nhưng bà biết vận dụng mọi cách để thoát được tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Khi đã ở trong cùng môt phòng với ông Tây nọ thì hẳn bà khó thoát thân, bà xin phép vào nhà vệ sinh (ông Tây thì mất cảnh giác vì nghĩ trong ngoài có lính canh rồi), thế là từ phòng vệ sinh bà ra ngoài và nói với đám lính bà cần ra phố mua đồ rồi quay lại ngay, và bà bỏ chạy về nhà! ( đoạn này có vẻ hơi tiểu thuyết và khó tin, nhưng đó là những gì tôi được nghe mẹ kể lại và có sự xác tín của bà ngoại tôi). 
Về tới nhà thì mẹ tôi thấy ông ngoại tôi đang ngồi uống rượu giữa phòng khách, ông thấy con gái về giữa chừng thì đoán biết sự việc không thành nên lần này thì ông quyết không tha cho mẹ tôi ! Ông đứng dậy (dù không vững vì đang uống rượu đã ngà ngà say), ông vớ được thứ gì gần ông nhất thì ông ném vào mẹ tôi, mẹ tôi quá sợ hãi vì những gì đã trải qua, giờ thêm cơn giận dữ lôi đình của cha  thì bà chỉ biết theo bản năng là tung cửa cổng bỏ chạy trối sống trối chết. Ông ngoại tôi đuổi theo, lúc này trong tay ông là một con d.ao m.ác (cán dài, lưỡi dài), vừa chạy ông vừa phóng dao theo hướng mẹ tôi chạy, mẹ tôi luồn từ nhà này sang nhà kia, nhưng đến đâu ông cũng gần như theo kịp. Trên người ông luôn đeo một chùm chìa khóa nên mẹ tôi kể là ông chạy đến đâu thì mẹ tôi biết bởi tiếng chìa khóa khua leng keng. Không biết là có trốn khỏi trận lôi đình của ông hay không, mẹ tôi chỉ biết chạy, vào đến nhà kia, mẹ tôi thấy cỗ quan tài dành lo hậu sự cho cụ già, bà nhanh trí giở nắp quan tài và nằm gọn trong đó, nằm trong đó nhưng bà hồi hộp và nghĩ đến cảnh bị cha bắt được.. chắc chỉ có chết mà thôi! nằm trong quan tài nhưng bà vẫn nghe tiếng chìa khóa của ông khua leng keng ngoài sân và tiếng ông hỏi : "Nó mới đây đâu rồi"! Người trong gia đình trả lời không biết, nên ông tiếp tục đi tìm mẹ tôi trong sự tức giận vì đứa con gái khó dạy!
Tối đó mẹ tôi không thể về nhà nữa, nhắn tin cho bà ngoại tôi và bà ngoại tôi đã thu xếp cho mẹ tôi xuống thuyền (đò- ghe) đi buôn bán vải đường dài, thoát khỏi sự o ép gả bán của ông ngoại tôi! Dĩ nhiên thực tế không đơn giản như thế...

Dưới đây là tấm hình của đại gia đình tôi, chụp khoảng năm 1962-  hoặc 1964 : Bà ngoại tôi vấn khăn ngồi giữa, người bế con giơ tay là dì Bát (người chịu hậu quả nặng nề nhất việc mẹ tôi bỏ trốn khỏi nhà- mẹ tôi đứng thứ 5 tính từ phải sang, đang bế tôi trên tay).


                                   (...còn tiếp)

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

HỒI KÝ VỀ MẸ ! (4)

...Mẹ tôi thời gian này ( khoảng năm 1942-1944) chưa có tình cảm ( lứa đôi) yêu thương ai, nhưng theo lời bà kể thì bà không thích lấy Tây, đơn giản vậy thôi ! (con gái thời nay một số (hay đa số) chỉ mong có được cơ hội này - nhưng dĩ nhiên là mỗi thời mỗi khác). Một mình mẹ tôi thì không thể phản đối lại việc bị (được) gả cho Tây nên mẹ tôi nhờ bà ngoại tác động thêm nhưng như tôi đã viết ở trên thì ông ngoại tôi đâu có đơn giản bị tác động như vậy ! 
                                       
         (Một tấm hình cũ của mẹ bị hư hỏng nhiều bởi thời gian, tôi mới làm lại - lúc này mẹ tôi khoảng 40 tuổi)

....Khi biết rằng không thể có ai khác giúp mình ngoài chính mình ra thì mẹ tôi nghĩ ra nhiều cách kiểu như tự làm xấu hình ảnh của mình trước mặt vị khách ngoại lai (để hy vọng ông Tây thấy bà là một cô gái ngốc nghếch, đễnh đoảng mà từ bỏ ý định lấy bà làm vợ), bà kể rằng: mỗi lần có khách đến, bà đang ngồi dệt vải, thường là bà đang mặc quần áo ngắn (còn gọi là quần cộc hay quần lỡ), lẽ ra phải thay quần áo dài (bằng lụa tơ tằm) để tiếp khách nhưng mẹ tôi không làm vậy mà vẫn mặc nguyên bộ quần, áo ngắn (cũn cỡn) để ra mắt khách, rồi nhân lúc ông ngoại tôi kêu vào nhà trong thay quần áo dài thì mẹ tôi bỏ trốn sang nhà hàng xóm! hay như có lần ông ngoại kêu cắt (bổ) cam bày ra đĩa mang đãi khách thì bà kể rằng: thay vì quả cam được bổ làm 6 thì đẹp, nhưng bà lại bổ cam ra làm 8 rồi bà bày lên đĩa xộc xệch nhìn chẳng giống ai !!!
Nhưng đối với một ông Tây lớn tuổi thì những trò mẹ tôi bày ra chỉ là trò vặt của trẻ con. Sau khi diện kiến sắc, vóc của mẹ tôi thì ông tây gật đầu đồng ý với ông ngoại, tôi nghe kể lại là thời gian này ông ngoại tôi vui lắm, người ăn kẻ ở trong nhà cũng như người thân trong gia đình dễ thở hơn rất nhiều ! Các cậu tôi được ông ngoại tôi cho ra thi thố với khách vốn tiếng Pháp đã học được ở trường! Mọi người đều vui vẻ, chỉ riêng mẹ tôi thì phản đối. ( trong phim ảnh hay tiểu thuyết ngôn tình thì trường hợp này thường là cô gái đã có người yêu nên khi bị ép gả mới phản đối, nhưng xuyên suốt thời gian khi lớn lên và sống bên cạnh mẹ tôi chưa hề nghe mẹ tôi kể là đã thương thầm nhớ trộm ai, không có một cái tên người đàn ông nào được đưa ra- vậy mới nói...haizzzza! ôi, chuyện người đẹp và tình yêu luôn khó lý giải)! Mẹ tôi nói rằng bà đã bị  ép gả cho Tây và bà không đồng ý! Bà ngoại tôi thương con gái, cũng rất muốn giúp mẹ tôi nhưng lực bất tòng tâm...vì bà đâu có quyền gì ngoài quyền sinh ra những đứa con !
Mẹ tôi có ý nghĩ sẽ tìm cách bỏ trốn khỏi nhà, dù chưa biết là sẽ đi đâu? làm gì? Hình như ông ngoại tôi cũng đã biết được ý này của mẹ tôi nên có bao nhiêu quần áo (tư trang) của mẹ tôi ông đem cất vào rương (hòm gỗ) khóa lại, chìa khóa ông bỏ chung vào chùm chìa khóa của cả nhà ông cài đeo lủng lẳng bên lưng quần! Tuy kỹ càng như vậy, nhưng cũng có khi ông sơ hở, đó là những lúc ông uống rượu say nằm ngủ trên tràng kỷ. Mẹ tôi đẹp nhưng thông minh ( viết vậy vì bây giờ người ta hay nói người đẹp thường tỷ lệ nghịch với chỉ số IQ-  lưu ý là tôi không ám chỉ, bóng gió ai cả)... Mẹ tôi đã nhận lúc ông ngoại tôi uống rượu ngủ say, bà lấy cục xà phòng (bông) in mẫu chìa khóa rồi ra chợ thuê thợ làm thêm chìa khóa khác, lén mở rương lấy tư trang rồi bà lấy đá bỏ lại vào rương để khi ông tôi nhấc rương lên kiểm tra thấy nặng thì yên tâm là đồ đạc tư trang của mẹ tôi vẫn còn và như vậy thì mẹ tôi ( người con  gái đem lại cho ông sẽ có một khoản tiền không nhỏ- là ông hy vọng như thế )của ông vẫn còn... nhưng thực tế thì mẹ tôi đã cao chạy xa bay bỏ nhà đi trốn mà ông không biết !
Việc mẹ tôi bỏ trốn khỏi nhà để không bị gả bán cho Tây là một sự kiện lớn gây ảnh hưởng xấu tới nhiều người trong gia đình, trực tiếp là bà tôi, dì tôi (em gái của mẹ). 

P/s: Dì tôi năm nay ( 2017) đã 87 tuổi, vẫn khỏe mạnh, mấy năm trước còn minh mẫn nhiều, năm nay cũng có chuyện nhớ, chuyện quên. Mỗi lần tôi tới thăm, dì luôn nhắc và chỉ những vết sẹo trên tay, hậu quả của việc bị ông ngoại đánh vì nghi ngờ dì đã "tiếp tay, giúp sức"  cho mẹ tôi bỏ trốn. ( tôi không dám viết lên đây cụ thể câu chuyện dì kể việc ông ngoại đã đánh dì như thế nào, vì nó quá sức tưởng tượng với mọi người. Riêng chúng tôi, con cháu của dì đều biết câu chuyện này). Thực tế theo như mẹ tôi và dì kể lại thì dì bị "oan" trong vụ này vì  kế hoạch bỏ nhà đi trốn, mẹ tôi âm thầm thực hiện chỉ một mình mà thôi. Có lẽ mẹ tôi hiểu tính của ông ngoại, nhưng bà đã không lường hết hậu quả khi bà đã ra đi.
 Năm nay tôi đến chúc tết dì, lại nghe dì nhắc về việc bị ông ngoại đánh: "là tại mẹ con bỏ trốn, nhưng dì không giận mẹ con đâu!" . Nhưng giận ông ngoại thì dì vẫn (hình như) chưa bao giờ quên bởi trận đòn khủng khiếp ấy, dù chuyện xảy ra đã trên 70 năm. Hôm tết, cậu em con dì kể, (mà tôi tưởng như chuyện kể cho vui) là: năm rồi về quê thắp nhang cho tổ tiên ( dì sợ mai này già yếu sẽ không còn về được), đến mộ của ông ngoại tôi, dì khấn rằng: "lẽ ra con thắp cho Bố 3 nén nhang, nhưng vì hồi trước Bố đánh con đau quá mà lỗi không phải của con, giờ con vẫn còn giận Bố nên chỉ thắp 2 cây  nhang thôi...!". Tôi nghe chuyện mà nửa cười. nửa khóc, thương dì, thương mẹ và cả thương ông...!

Mẹ tôi và dì:                     
                                                     


Hình dì tôi (tháng 8/2016) trước cổng nhà của ông, bà ngoại:


Dì tôi năm 2023 (93 tuổi):

(...còn tiếp)

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

HỒI KÝ VỀ MẸ ! (3)

... Mẹ tôi đẹp, điều này gia đình cha,mẹ, anh, chị em, bạn bè của mẹ tôi và xóm làng đều biết. Mẹ tôi như một bông hoa dại đẹp rực rỡ dưới nắng xuân (là tôi nghĩ thế). Điều đó không thể tránh khỏi việc trai làng dòm ngó, theo đuổi, tuy nhiên theo như mẹ tôi kể thì họ theo chỉ để nhìn vậy thôi (như nhìn hoa đẹp mà không dám hái), không ai ngỏ lời lấy mẹ tôi làm vợ  vì nhà ông ngoại tôi thuộc hàng khá giả, mẹ tôi đẹp lại biết chữ nên bà có chút tự kiêu của mình nên khó tiếp xúc (gái đẹp ai mà chẳng thế! hi hi), hoặt là trai làng tự thấy họ không xứng đôi với người đẹp, hoặc là mẹ tôi thấy trai làng không ai xứng với bà điều này tôi không hiểu và trên thực tế thì 2 người chồng của bà  đều là trai xứ lạ và rất xa quê ngoại của tôi ( bởi vậy....)!
Theo tôi nghĩ thì các chàng trai làng chỉ có hy vọng sở hữu được gái đẹp khi : "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", muốn vậy thì 2 gia đình phải môn đăng hộ đối! (mà nghèo thì dễ , còn giàu thì đâu phải cứ muốn là được - đây là ý kiến chủ quan của tôi. nếu không thì phải là ông ngoại tôi (khi vu  với rượu đã  đã hứa gả  con gái (đẹp) cho con trai ai đó rồi chẳng hạn (giống như phim ảnh vậy mà)! Nhưng những điều này không xảy ra trên thực tế! 
Ông ngoại tôi qua hình dung của tôi ( vì tôi chưa hề gặp ông- ông mất trước khi tôi ra đời khá lâu) là một người đàn ông dữ tính, dữ đòn (với vợ, con) khi ông không vừa ý chuyện gì đó và mọi chuyện trong gia đình lớn nhỏ đều phải do ông sắp đặt! ( gả con cho ai, hỏi con ai về làm con dâu...kiểu như thế). Chính vì điều này mà anh của mẹ tôi đã phải lấy vợ lớn hơn nhiều tuổi, vì gia đình cần thêm người lao động. Tôi từng được nghe người lớn kể lại là đêm tân hôn của cậu,  người nhà đã phải nhốt cậu  vào buồng  với cô dâu và khóa trái cửa lại và rồi cậu mợ tôi  cũng có 4 con chung. Tôi đã chứng kiến cuộc sống của vợ chồng cậu không hạnh phúc, nhưng hai người cứ phải cột chặt vào nhau trong một căn nhà đến 60 năm, rồi hai người từ giã dương trần mà chắc chưa bao giờ nói với nhau một lời yêu thương! Bây giờ ở thế giới bên kia, không biết cậu mợ tôi gặp lại nhau có hạnh phúc không?
(Với một gia đình thế này có khi mẹ tôi đẹp mà ...ế cũng nên, hi hi! vậy thì làm gì có chuyện mà  tôi đang kể...!
Ông ngoại tôi khó tính, khó chiều nhưng có điểm yếu là thích tiền và rượu! (là mẹ tôi kể lại như thế). Không biết ông có mối quan hệ thế nào mà đã từng vào phủ Quan huyện...uống rượu ! rồi không biết sự thể thế nào mà ông hứa gả mẹ tôi cho  một ông Quan người Pháp!  ( ông này đã có vợ con ở chính quốc, nhưng vẫn mê gái đẹp và  mẹ tôi là một đối tượng được (bị) ông ta để ý). 
Từ ngày ông ngoại hứa gả mẹ tôi cho Tây ( người xưa hay gọi thế) thì vào cuối tuần, nhà ông ngoại tôi hay có khách. Chó dữ trong nhà được xích lại, người làm chạy tíu tít dọn dẹp, bày tiệc rượu, còn mẹ tôi thì phải mặc quần áo dài (thường ở nhà thì mặc đồ ngắn) và được canh chừng không cho đi ra khỏi nhà! Ông ngoại tôi thời gian này tỉnh nhiều hơn say, ông vui vì ông đang có một hợp đồng gả bán con gái cho Tây, hứa hẹn sẽ có nhiều tiền! ...

P/s: Hình mẹ tôi chụp năm 1971 (khi có người em con dì của mẹ làm nghề nhiếp ảnh ghé thăm). Tôi vẫn nhớ như in hai chiếc áo dài của mẹ tôi  được bà cất giữ cẩn thận và chỉ mặc lại một hai lần khi chụp hình, còn lại chỉ là mở ra xếp vào như cất giữ một quá khứ vàng son!
Hình ngày xưa chụp  in ra bé tí tẹo chỉ cỡ 2 ngón tay, qua bao thăng trầm mẹ giữ, rồi tôi giữ đến hôm nay chỉ còn là bóng hình của mẹ thôi...   
 Hình mẹ tôi năm 1971 (46 tuổi- mẹ vẫn cất giữ được những chiếc áo dài may tthời con gái):
do hình chụp đã trên 50 năm nên chất lượng không được tốt   
           Hình Mẹ tôi chụp  năm  1995-70 tuổi: (mẹ tôi thích mặc áo dài và giờ tôi cũng vậy)

(...còn tiếp)


Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

HỒI KÝ VỀ MẸ ! (2)

....
Năm mẹ tôi khoảng 16- 17 tuổi, bà xinh đẹp nổi tiếng một vùng. Dấu ấn đặc biệt đối với mẹ tôi ở độ tuổi trăng tròn này là lần Vua Bảo Đại đi kinh lý miền ngoài đã ghé Đức Thọ (quê ngoại của tôi) và mẹ tôi đã được  chọn là một trong bốn người đẹp của vùng đi dâng hoa cho Vua. Sau này thỉnh thoảng có người hỏi vui mẹ tôi là đi dâng hoa cho Vua thì thấy Vua thế nào, bà nói là dâng hoa nhưng không được nhìn Vua mà phải cúi đầu nhìn xuống! (là tôi chỉ nghe kể vậy). Sau sự kiện này, mẹ tôi vốn đã nổi tiếng vì đẹp nay lại càng nổi tiếng hơn nơi vùng quê yên bình. Sau khi mẹ tôi mất (thọ 71 tuổi), những lần tôi về quê ngoại giỗ mẹ, gặp những người già, bạn bè cùng thời của mẹ tôi thì tôi vẫn thường nghe các cụ nhắc: Ngày xưa mẹ cháu đẹp lắm, còn được đi dâng hoa cho Vua Bảo Đại...! ( tôi không đẹp nhưng tôi tự hào vì ...có mẹ là một người đẹp) hi hi!

Mẹ tôi là con của một gia đình khá giả có nhiều ruộng đất và có người làm công (điều này được minh chứng bởi vào thời kỳ cải cách ruộng đất gia đình ông ngoại tôi bị quy là địa chủ nên phần lớn ruộng đất, nhà cửa đã bị tịch thu .Vấn đề này thuộc về  lịch sử của đất nước, tôi chỉ nhắc lại vì đó là một mắt xích trong cuộc đời của mẹ tôi- và tất cả bây giờ đã là quá khứ, đúng, sai cũng đã là dĩ vãng, tôi chỉ là lớp con trẻ, được sinh ra rất lâu sau sự kiện này!). 

Một phần nhỏ nhà, đất của ông, bà ngoại tôi mà gia đình cậu tôi còn giữ lại được hiện nay:


Tuy được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có của ăn, của để nhưng vẫn là một gia đình mang nặng đầu óc phong kiến, cổ hủ, bởi vậy chỉ con trai mới được đi học, còn con gái thì không. Mẹ tôi có nhiệm vụ hàng ngày xách cặp cho cậu tôi đến lớp (học tiếng Pháp), vì vậy bà cũng học lỏm được một ít tiếng Pháp từ các cậu! So với 2 dì của tôi (ở miền Trung thì chị gái của mẹ cũng gọi là dì- không như miền Bắc gọi bác) thì mẹ tôi đẹp hơn về sắc lại thêm  có biết chút ít tiếng pháp! Mẹ tôi thích học chữ, bà ngoại tôi biết vậy nên đã đề đạt ý kiến của mình với ông ngoại tôi là xin cho mẹ tôi được đi học như các cậu, câu trả lời của ông ngoại tôi là: Con gái học làm gì, biết chữ để viết thư cho trai à ! Tuy vậy, ông cũng đồng ý cho mẹ tôi đi học đến lớp nhất (tiểu học) rồi thôi. Với tính ham học của mình, sau này vào khoảng năm 1960- 1961, có trường cấp 3 chuyển đến gần nhà, dù khó khăn về kinh tế lẫn tinh thần (đang mang thai, sanh, rồi nuôi tôi đơn thân vất vả) nhưng mẹ tôi vẫn học bổ túc văn hóa và học hết cấp 2. 
Tuy là gái quê nhưng bà ham đọc sách, thích xem phim, đọc thơ và làm thơ ! hồi chiến tranh, không biết bà tìm đâu ra để đọc các cuốn sách kinh điển như : Nam tước Phôn- Gôn-Rinh , Túp lều bác Tôm, Những người khốn khổ...  và ở quê nhưng mẹ tôi đặt báo phụ nữ ( cho mẹ) và báo thiếu niên tiền phong (cho tôi) và đặc biệt là mỗi khi có phim về chiếu cách nhà vài km  thì mẹ đều dắt theo tôi  đi xem. Tôi vẫn lưu giữ ký ức tuổi thơ về những tối ở quê mọi người háo hức đi xem phim chiếu ở sân bãi, rồi cuối tuần mong ngóng bác đưa thư để nhận báo mới và thư của Ba tôi từ chiến trường gửi về. (thực tế không luôn là màu hồng vì báo mới thì có đều đặn mỗi tuần, còn thư của Ba tôi thì...đây sẽ là một câu chuyện khác, rất khác và tôi hy vọng sẽ có một cảm xúc đặc biệt để tôi viết về Ba tôi, như tôi đã từng viết về Mẹ). Có lẽ sự ham mê đọc sách, báo và xem phim ảnh, viết nhật ký từ mẹ đã truyền sang tôi, bởi vậy với tôi từ bé đến bây giờ thì việc  đọc, viết thật sự là một thú vui tao nhã!

* P/s : Dưới đây là hình mẹ tôi, tôi và chị con dì của tôi (ngồi ngoài cùng bên trái), là người chị luôn tự hào vì: Người ta nói con giống dì ! (chị đã mất năm 1983 khi mới ngoài 30 tuổi!)
Hình này chụp năm 1973 mục đích chụp là để gửi cho Ba tôi khi đó  đang ở chiến trường miền nam . Tôi muốn lưu giữ lên đây những tấm hình xưa cũ, để sau này...một lúc nào đó khi tôi không còn, các con tôi sẽ tìm và xem lại ký ức của mẹ chúng. 

(...còn tiếp)

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

HỒI KÝ VỀ MẸ ! (1)

                                    "Kính tặng hương hồn Mẹ !"
 
     
                    "Mẹ già như chuối chín cây
                          gió lay mẹ rụng con thời mồ côi..."

Khi tôi chấp bút viết những dòng này (1996) thì mẹ tôi đã không còn nữa, bà mất vào lúc 4 giờ 45 phút sáng thứ năm, ngày 07/12/1995 (tức ngày 16/10 AL; năm này nhuần 2 tháng 8)! Người đã đi về cõi vĩnh hằng, đoàn tụ với tổ tiên, ông bà và cha, mẹ...nơi mà ai trong chúng ta rồi cũng mơ trở về khi từ giã cõi tạm, là nơi mà ta chỉ gửi mình trong một thời gian gọi là "đời người"...
Trước đây, khi mẹ tôi còn sống và cả sau khi mẹ tôi mất, những lúc rảnh rỗi với chuyện cơm áo, gạo tiền, khi mà tôi treo hồn mình lơ lửng đâu đó trên cây và ước gì mình là một nhà văn, một nhà làm phim hay là một người có nhiều tiền để viết (hoặc thuê viết), làm phim về cuộc đời của mẹ, một cuộc đời thực mà tôi nghĩ là nếu viết tốt sẽ thành .... (gì nhỉ ? ).
(cũng cần phải nói thêm rằng, là con, ai cũng thấy mẹ mình là ngươi đẹp nhất,giỏi nhất và cái gì cũng nhất, hẳn đó là tâm lý chung, với tôi cũng vậy)! 
Mẹ tôi sinh vào năm Ất sửu của thế kỷ 20. (mạng kim, cung chấn) trong một gia đình khá giả ở miền Trung, ruộng, vườn tuy không thẳng cánh cò bay như các gia đình giàu có ở đồng bằng Nam Bộ nhưng cũng đủ để ông bà, ngoại tôi mướn (thuê) trên một chục người làm công khi vào mùa vụ.
 Ông ngoại tôi là ông chủ của một gia đình khá đông con (ông mất trước khi tôi ra đời 8 năm, vào thời kỳ cải cách rộng đất, đó là một ký ức buồn của gia đình ngoại và mẹ tôi). Công việc của ông là quản lý, trông coi người làm công, thời gian còn lại ông là đệ tử của lưu linh. Những lúc say, ông hát với trăng, ông gây sự cả với tiếng chó sủa khuya.
Bà ngoại tôi là người phụ nữ nông thôn, hiền lành, chất phác. Ngoài thời gian sinh con thì bà dệt vải và buôn bán vải ở những phiên chợ quê (lụa dệt tay ở quê ngoại tôi nổi tiếng một thời: Lụa hạ Châu Phong) . Ngày tôi còn bé, bà kể cho tôi nghe về những chuyến buôn bán xa bằng đò (thuyền) dài đi dọc theo sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La! Bà ngoại tôi chắc là không biết chữ (tôi nghĩ thế) nhưng bà vẫn hay đọc cho tôi nghe những câu thơ, kiểu như:...Tiết đông chí cấy cày/ dạ bồi hồi nhớ bạn/ thương con người ngoan nửa để, nhớ bạn hiền nửa để... (là tôi nhớ mang máng như thế), hay như:"Giàu không hà tiện thì khó đến tay/ khó không hà tiện thì đi ăn mày" ( chữ hà tiện  mà bà đọc ở đây theo tôi hiểu là tiết kiệm)...

...Bà ngoại tôi sinh tất cả là 12 lần, nhưng chỉ nuôi được 6 con gồm 3 trai, 3 gái. Mẹ tôi thứ 3 (tính theo kiểu miền trung), nhưng tên gọi là Lục  (tức 6), nghĩa là ông ,bà ngoại tôi tính cả số con sinh ra nhưng không nuôi được.
Lúc còn bé, tôi đã từng nghe lỏm bỏm được câu chuyện bà ngoại tôi kể cho người lớn rằng: khi mẹ tôi khoảng 10 tuổi, dì (em mẹ tôi- người miền Trung chị gái hay em gái mẹ đều gọi là dì) khoảng 5-6 tuổi, ông ngoại tôi có người bạn là Thầy đồ nho biết xem tướng số đến nhà chơi, thấy 2 chị em gái chơi trước sân thì nói với ông bà ngoại tôi rằng: Cô lớn (mẹ tôi)  thông minh, sắc sảo, anh hoa phát tiết ra ngoài, nhưng cuộc sống sau này vất vả, lận đận sẽ có 2 đời chồng nhưng khi chết lại không có chồng nào, có 3 người con, 2 gái, 1 trai và 2 cô con gái ẩn tuổi mẹ (mẹ tôi tuổi sửu). Còn cô em tuy không sắc sảo bằng nhưng số giàu sang... (nội dung kiểu như thế, chứ ngày xưa các cụ dùng từ cổ hơn bay giờ). Thế là mẹ và dì tôi cùng lớn lên trong vòng tay che chở, yêu thương của bà ngoại và sự uốn nắn, dạy dỗ cứng rắn của ông ngoại cùng với lời tiên đoán của ông Thầy đồ nho ấy....

Hình chụp 3 chị em gái khoảng năm 1964- mẹ tôi đứng ngoài cùng bên trái và dì Bát đứng ngoài cùng bên  phải:

...
Hình này 3 chị em chụp khoảng năm 1985 (mẹ tôi ở giữa):

  (còn tiếp)