Trang

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

YÊU THƯƠNG KHI CÒN CÓ THỂ !

1./ " Ngày không còn mẹ" là bộ phim thể loại tâm lý, gia đình của Hàn Quốc mà mình vừa xem tuần trước. Đó là bộ phim kể về một câu chuyện bình dị nhưng mang lại nhiều cảm xúc. Chưa nói đến nội dung phim, chỉ tên phim thôi đã mang đến nỗi buồn sâu lắng. Phim làm mình vui, buồn với những cảnh bà mẹ tập cho người con trai hơn 30 tuổi bị bệnh thiểu năng trí tuệ sống tự lập khi biết mình bị bệnh nan y. Tập cho con phải đối mặt với sự chia ly, xa cách và phải hiểu rồi đến một ngày mẹ sẽ không trở về khi con gặp khó khăn, tập cho con hiểu rằng chết không có nghĩa là mẹ lên thiên đường vui vẻ, hạnh phúc rồi bay về với con khi con cần, cho con biết chết nghĩa là vĩnh viễn mất đi không bao giờ gặp lại...
Trong mắt bà mẹ trong phim hay bất cứ bà mẹ nào khác cũng vậy, con cái của mình dù có trưởng thành đến đâu thì cũng vẫn chỉ như một đứa trẻ cần được chăm sóc. Mẹ luôn là người giữ vị trí đặc biệt trong trái tim của con cái, bất kể đứa con đó bị thiểu năng hay bình thường. Có mẹ bên cạnh cho ta sự an tâm, cảm giác được chở che, bảo vệ, dù mẹ có rầy la hay nói lời yêu thương thì tất cả đều tạo ra những cảm xúc đặc biệt, đó là tình mẫu tử. Mỗi chúng ta khi khó khăn trong cuộc sống, khi bất ổn về tinh thần đều muốn tìm về bên mẹ. Chỉ có điều mẹ không mãi ở bên ta, đến một ngày chúng ta phải đối diện với một sự thật là phải xa mẹ mãi mãi. Điều đó những bà mẹ và những đứa con đều phải trải qua và cho dù  đang ở bên cạnh hay đã cách xa, Mẹ sẽ luôn là người ta thương nhớ nhiều nhất.
Bộ phim nhẹ nhàng, gửi tới chúng ta thông điệp: "hãy yêu thương mẹ khi còn có thể"! 

2/ Xem xong phim Ngày không còn mẹ", mình nói với ông xã mình (chọc, ghẹo cho vui thôi) là phải tập tự lập và tập làm mọi thứ chứ không lỡ đến ngày không còn vợ thì còn có thể tự mình làm tất cả giống như cậu bé trong phim. Nhưng người bệnh như OX mình (cũng gần giống với cậu bé trong phim), nghĩ rằng không thể có  ngày đó được (là ngày không còn vợ), vì tư duy theo kiểu là vợ vẫn có thể ở thiên đường bay vù về khi chồng cần! ahu! hu! 
Vợ là tất cả, vợ ơi, vợ ơi! hi hi ! Thông điệp gửi tới  cho chính mình là  hãy yêu thương khi còn có thể!

Tình ...bể bình:


3/. Ku Sam (cháu ngoại) sắp chuyển trường vì nhà Sam chuyển nhà. Hai năm nhà Sam ở gần nhà ông bà ngoại nên sáng thì Sam từ nhà Sam đến nhà bà rồi bà đưa đi học (trường Sam ngay sát nhà bà ngoại), chiều thì ông ngoại đón Sam rồi chờ mẹ Sam đi làm ghé đón về, như vậy là ngày 2 buổi sáng, chiều ông, bà ngoại đều được gặp Sam. Sang tuần sau Sam về nhà mới thì ông, bà ngoại ít được gặp Sam hơn. Trước mắt là Sam sắp chia tay các bạn (đầu tháng 3 Sam học ở trường mới).
Cuối năm trường Sam tổ chức lễ hội ẩm thực, bà ngoại sang trường để chụp cho Sam mấy tấm hình làm kỷ niệm, nhưng buổi chiều trời mưa tầm tã, chán như con gián, nên chỉ có bi nhiêu thôi:







Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

NHỚ TẾT XƯA !

 Đã sang tháng 12 âm lịch, tết đang đến gần từng ngày. Mạng xã hội đang có ý kiến về việc có nên nhập 2 tết ta và tây vào một hay không? (nghĩa là bỏ tết ta và chỉ nghỉ chơi tết tây 3 ngày là xong). Mỗi bên đều có những lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình, riêng mình thì thuộc dạng ba phải nên đọc ý kiến của bên nào cũng thấy...đúng!!! và túm váy lại là ai sao mình vậy, không theo bên nào cả! Thời nay, tết cổ truyền vui thì có vui thật nhưng các bà nội trợ như mình mệt vì ba vụ ăn uống, dọn rửa. Nhà mình thuộc dạng ít tiệc tùng, ít khách khứa nhưng cũng đủ cho mình mệt phờ vì dọn lên dọn xuống mấy món ăn ngày tết mà thực ra thì nhà nào cũng có. Ông xã mình vốn hiếu khách, còn mình thì chịu khó làm nên tết cổ truyền luôn vui như ...tết! hi hi! 

 Mâm cơm cúng mời ông, bà về ăn tết vào sáng 30 của nhà mình thường là thếnày:

...Nhớ ngày xưa (là cách đây gần 50 năm) khi mình là cô bé con, cũng như trẻ con cùng trang lứa, mình mong đến tết nguyên đán vì: được nghỉ học dài ngày, mùa đông sáng không phải dậy sớm, bụng rỗng, chân tay lạnh cóng đến trường. Gần tết được theo mẹ đi chợ phiên (vào ngày 23 âm lịch), mẹ không có nhiều tiền, chỉ mua vài trái cam sành to để đi cúng ở nhà thờ 2 họ nội,  ngoại của mẹ. Rồi mẹ ra hiệu sách mua câu đối tết, vài tấm tranh vẽ (tranh cá chép, em bé đang ôm con gà..) về treo lên vách, nhà chẳng có tủ thờ, đến tết thì mẹ lấy cái bàn trải tấm ni-lon lên rồi bày biện bánh trái lên để cúng tổ tiên! Thường thì gần tết dì, chú ở Hà Nội sẽ gửi về vài món quà tết biếu bà ngoại, trong số quà tết đó không khi nào thiếu hộp mứt tết bằng giấy màu hồng, bên ngoài vẽ cành hoa đào (trong hộp mứt có  mứt bí, dừa, mứt viên bi là đậu phộng có bọc bột đường bên ngoài, hạt sen, vài quả táo tàu ). Thức ăn ngày tết cũng đơn giản lắm, nhưng nồi bánh chưng thì không thể thiếu, bánh chưng nhà tự nấu là do mẹ và chị gái mình gói. Ngày 28 thì mẹ mình chuẩn bị nếp, đậu và thịt, mình được giao nhiệm vụ chùi lá dong, xong xuôi mọi thứ thì ngồi nhìn mẹ gói bánh, nếu còn dư nếp mẹ sẽ gói cái bánh nhỏ hơn, luộc chín trước thì mình được thử cái bánh này. Bánh thường luộc 12 tiếng nên đêm thì mẹ và chị chia nhau canh lửa, khi nước trong nồi bánh cạn thì thêm nước (để có củi nấu bánh chưng cũng là vấn đề nan giải, vì ngày thường vấn đề chất đốt đã khó khăn, nên muốn có đủ củi để nấu nồi bánh chưng mẹ phải chuẩn bị từ trước nhiều tháng: chặt cành cây xoan đâu phơi khô, nhờ người quen đặt mua gỗ vụn ở xưởng cưa xẻ gỗ gần nhà). Đêm luộc bánh thì mình ngủ lúc nào chẳng hay, chỉ biết sáng dậy mình đã thấy mẹ ép bánh bằng cách sắp bánh ra cái ghế dài, trên mẹ đặt tấm gỗ rồi lấy thùng nước nặng đặt trên, làm như vậy thì nước trong bánh ra hết và bánh sẽ dền và chặt hơn, để được lâu. 
Ngoài bánh chưng thì mẹ mình còn làm thêm nồi thịt trâu rim nước mắm và dưa món, hai món này ăn với bánh chưng thì đúng chuẩn (dưa món là củ cải, su hào phơi khô- mùa đông miền bắc thường không có nắng, mẹ mình bỏ vào cái rổ đan bằng tre treo lên bếp để hong cho khô, vì thiếu nắng nên nó đen chứ không trắng như củ cải sấy khô bây giờ).
Cũng có năm mẹ mình nuôi được con heo nho nhỏ, gần tết làm thịt bán cho hàng xóm một phần, còn để lại ăn. Nếu năm nào chị gái mình về đúng dịp làm thịt heo thì chị sẽ lấy một ít vùi vào dưới đáy của khạp muối, để dành ăn dần. Tết mà có chị gái về thì rất vui, có một tết chị xuống nhà của ông cậu xin về một cành mai nhiều nụ, về chị lấy 2 cục pin đại chăng dây điện nhỏ xíu có thêm những cái bóng đèn pin treo lên cành mai (hồi đó ở quê chưa có điện nên mình nhìn cành mai có những bóng đèn nhỏ xíu sáng lên thì rất vui và cảm nhận đó là hạnh phúc).Còn quần áo tết thì chắc cũng phải cố gắng lắm thì mẹ mình mới có thể may cho mình 1 cái áo hoa (bông) mới (nhưng không phải năm nào cũng có), thường may áo mới thì thôi không may quần mới và ngược lại. Hồi đó chưa mặc quần tây nhiều như bây giờ, nếu được mẹ đưa xuống ông Chung thợ may xóm dưới may cái quần tây (hồi đó gọi là quần âu) thì mình vừa đi vửa nhảy chân sáo. Tết xưa mình chỉ ngại nhất một việc là phải rửa chén, bát (trời mùa đông lạnh, thức ăn nhiều mỡ sẽ bám vào chén, đĩa khó rửa, thêm phần hồi trước chưa có nước rửa chén đủ loại như bây giờ nên bà ngoại mình nấu nồi nước sôi rồi rửa dùm cho mình, việc này cũng làm mình rất vui. Giờ ngghĩ lại thương bà ngoại, hai tay chống 2 gậy vì chân bà bị yếu do té, nhưng thương cháu cứ lọ mọ làm dùm mấy công việc của mình như rửa chén, thái chuối cho heo, trông đàn gà con đừng vào phá vườn rau cải mẹ mình vừa trồng cho mình đi chơi rong với chung bạn mấy ngày tết).Mình cũng thich ngày tết có bạn trai của chị gái đến nhà chơi, anh ấy có cái xe đạp nam, mình mượn để tập xe, còn nhớ cái xe có sườn ngang, mình bé không leo lên được yên xe nên chui nửa người vào dưới cái sườn ngang của xe và đạp con cóc từng đoạn! hi hi! thật vui!
Tết ngày xưa ở quê do khó khăn nên đơn sơ, nhà mình lại không có chế độ tem, phiếu để mua thực phẩm (không như ở thành phố mâm cỗ tết thường theo nguyên tắc "ba bát, năm đĩa": là ba bát: canh giò heo, canh bóng, canh khoai, năm đĩa là: gà luộc, giò heo luôc, giò lụa, gỏi và đồ xào, nhà có điều kiện thì còn thêm xôi gấc, chả quế...), nhưng mình mong chờ và đón tết với nhiều cảm xúc vui sướng và hạnh phúc nên thỉnh thoảng vẫn ước gì được trở về tết xưa....(lúc đó mình còn bé không phải lo nghĩ gì cả, chỉ ăn và chơi thôi, đâu biết để có một cái tết dù giản đơn nhưng mẹ mình hẳn đã phải lo nghĩ thật nhiều, như bao bà mẹ khác của thời đó và cả bây giờ...).
Dù là tết xưa hay nay thì điểm chung vẫn là bánh chưng, hoa mai, hoa đào, mứt và không khí rộn ràng, nhộn nhịp. Tuy vậy mình vẫn cảm nhận được sự khác nhau, tết bây giờ thì thịt, cá, bánh, kẹo đa số nhà nào cũng nhiều (không tính đến những gia đình còn khó khăn). Không còn sự lo toan về củi nấu bánh, gạo nếp ngon không lẫn gạo tẻ...Tết xưa giờ chỉ còn trong ký ức, để mà hoài niệm mỗi khi tết đến xuân về và nhớ nồi bánh chưng mẹ nấu!
(P/s: Đã trên 30 cái tết nhà mình không gói và nấu bánh chưng vì hồi ở trên SG lúc mẹ còn sống thì ở nhà chung cư, ra vùng ven thì nhà không ai biết gói bánh, vả lại nấu bánh chưng muốn có cảm xúc của tết thì trời phải lạnh, cái lạnh của mùa đông...)

Gian hàng tết : (hình cóp trên mạng)
Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 8


Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

LINH TINH ĐẦU NĂM!

1/.Mình cầm tinh con trâu: 
                                                   

... nên rất chăm chỉ, lúc nào cũng cặm cụi hết việc này sang việc khác, hồi còn đi làm thì mệt đầu vì công việc, nay ngỉ hưu thì công việc nhà không biết ở đâu chui ra mà làm hoài không hết. Trước có cô giúp việc, một tuần làm một buổi thì nay cổ chuyển đổi sang việc khác nên không làm nữa (mà tử vi của mình không có sao nô bộc chiếu mệnh).
 Đôi tay đang chuyên cầm bút (viết) nay chỉ để làm việc nhà, rồi một ngày đẹp trời mình thấy một vài đầu ngón tay khô, nẻ và tứa máu,  ta nói sợ muốn...chết, tưởng bị bệnh ung thư da vì hồi nào giờ chưa bị lần nào kiểu vậy. Vội vàng phi vào Bệnh viện da liễu khám ngay và luôn. Bác sỹ nhìn mình với ánh mắt mang hình ...dấu hỏi (hi hi! là mình tưởng tượng thế), BS hỏi mình: có phải thời gian gần đây chị làm việc nhà nhiều hơn trước không? (quá chính xác luôn), vì nghỉ hưu không làm việc nhà thì làm gì, suốt ngày lau chỗ này, dọn chỗ kia, tay trần nhúng nước với mấy thứ hóa chất tẩy rửa trong bếp nên lâu ngày bị ăn tay! Bác sỹ phán là da tay mình bị dị ứng với các loại hóa chất nhà bếp là quá chuẩn! haizzzza! Cô BS chỉ cách là dùng 2 bao tay khi làm việc nhà (phía trong dùng bao tay ni lon, bên ngoài thêm bao tay cao su để nước, hóa chất không dính vào tay). Tròng 2 lớp bao tay thì như vậy thì ok nhưng rườm rà bực bội vì làm gì cũng không có cảm nhận như tay trần. Chị Hai (của mình) nghe mình kể chuyện đi khám tay, chỉ nói không có hết đâu cưng ( vì mình hy vọng bôi thuốc sẽ khỏi), hỏi chỉ tại sao? Chỉ nói Ba mình có làm việc nhà đâu mà cả chân tay đều bị y vậy, còn Má làm việc nhà luôn tay có bị gì đâu? còn chị thì bị vậy lâu rồi, cưng giờ mới bị là trễ đó! ahu!hu, ( tóm lại là di truyền từ mấy đời vì bà nội cũng bị như thế) haizzzz! Vây thì bó tay.com rồi! 

Này thì bao tay 2 lớp:

Sợ chân cũng bị khô như tay nên mình tậu luôn đôi ủng để chùi dọn chuồng chó:

Da ở các đầu ngón tay đang khô dần:

+ Càng gần tết âm lịch thì công việc linh tinh càng nhiều:
Làm kiệu để ngâm đường sớm mới kịp chua (không ngâm dấm):


Làm chà bông để có thực phẩm sạch:

Làm cơm rượu nếp cẩm:

 Công việc nhà bếp:


Mình mê món này vì có nước chấm thần thánh:

 Con trai mê món này nên lại tiếp tục: 
(bánh ướt do người Bắc làm, thịt bằm, nấm mèo, hành xào chung, nước mắm chua ngọt, chả lụa và dưa leo, giá trụng):

2/Ku sam chuẩn bị chuyển trường nên phải đến trường mới làm bài kiểm tra nho nhỏ, sau đó bà và cậu cho vào Sở thú  chơi, nhưng vì sở thú thì chỉ có bấy nhiêu thứ (mấy con voi, khỉ, hươu cao cổ, sư tử...) bao lâu rồi cũng chỉ nhiêu đó nên Sam vào một lúc là chán nên dắt díu nhau về sớm:




3/. Muốn giữ lại tuổi thơ thì phải chụp hình:
(năm học nào cô giáo cũng giúp phụ huynh cho các cháu chụp hình- Ku Sam không phải khi nào cũng vui vẻ hợp tác với cô, nên 3 năm học thì chỉ được 2 năm có hình kiểu như thế này, sau này lớn lại trách mẹ, trách bà sao không động viên Sam để có những tấm hình đẹp làm kỷ niệm):

* Hồi lâu lắm rồi, là hồi các con mình còn bé,  mình cũng đưa con  vào tiệm chụp hình làm kỷ niệm, cô chủ tiệm khuyên mình nên chụp một tấm chứ không sau này già có muốn chụp cũng ...xấu, vậy nên mới có tấm kiểu như thế này: (gọi là đu trend)