Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

THÚY KIỀU - TỪ HẢI !

*/Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du ta thấy Thúy Kiều có một mối tình lãng mạn với Kim Trọng, đó là mối tình của :“Người quốc sắc, kẻ thiên tài”.Thúy Kiều còn một mối tình khác với Thúc Sinh, đó là mối tình mà hai bên luôn“thấu hiểu” nhau. Nhưng thật tiếc, cả hai mối tình đó đều không có thúc kết trọn vẹn nên mang lại cho nàng Kiều nhiều nỗi niềm khắc khoải...

Thúy Kiều có tất cả sáu người chồng: Mã Giám Sinh; Thúc Sinh; Bạc Hạnh; Từ Hải; Thổ quan và Kim Trọng.Trong đó Mã Giám Sinh; Bạc Hạnh và Thổ quan là buộc phải lấy. Còn Thúc Sinh thì vừa là ân nhân và cũng là người Kiều yêu thương sau Kim Trọng, hai người có thời gian chung sống khá hạnh phúc. (thực tế thì Kiều là vợ lẽ của Kim Trọng nhưng chưa chính thức được chấp nhận do Thúc Sinh quá nhu nhược và sợ vợ). Còn Kim Trọng là người yêu đầu và là người chồng cuối của Kiều trên danh nghĩa vì trước sức ép của gia đình mà phải “tái hợp”, thực tế thì hai người “thỏa thuận" chỉ coi nhau là bạn: “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ” ; “ Chẳng trong chăn gối, cũng ngoài cầm thơ”.

                                                   

Trong 15 năm lênh đênh, lưu lạc, Thúy Kiều chỉ có một cuộc hôn nhân chính thức (nhưng ngắn ngủi) với Từ Hải, đó là thời gian Kiều hạnh phúc nhất. Nhưng cái kết của cuộc hôn nhân này cũng không có hậu vì Từ Hải dù là một anh hùng chọc trời khuấy nước nhưng lại lụy tình, nghe lời Kiều mà quy hàng triều đình nên bị Hồ Tôn Hiến hại đến chết đứng nơi trận tiền.

Chúng ta cùng tìm hiểu từ đầu về mối quan hệ của hai nhân vật này nhé:

+ Từ Hải là người:“Đường đường một đấng anh hào/ Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.”

Chuyện tình của Thúy Kiều và Từ Hải không lãng mạn như với Kim Trọng vì Từ Hải gặp Kiều khi nàng đang ở lầu xanh, dù vậy, khi mới gặp nhau lần đầu, chỉ liếc qua thôi mà hai bên đã "ưa" nhau: “Thiếp danh đưa đến lầu hồng/Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa”.

Trong phút đầu tiên gặp gỡ Thúy Kiều ấy, Từ Hải đã bộc lộ mình là một con người đặc biệt là đi tìm tình yêu, đi tìm tri kỷ ở …chốn lầu xanh :

"Từ rằng : "Tâm phúc tương cờ,

Phải người trăng gió vật vờ hay sao ?

Bấy lâu nghe tiếng má đào,

Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

Một đời được mấy anh hùng,

Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi !”

Nhìn dáng vẻ bên ngoài của Từ Hải:“ Râu hùm, hàm én, mày ngài/ vai năm tấc rộng thân mười thước cao ”,Thúy Kiều thấy được chở che nên đồng ý: "Thưa rằng : "Lượng cả bao dong/Tấn dương được thấy mây rồng có phen”.

Từ Hải tuy là một trang hảo hán nhưng cũng rất đa tình, đang đi tìm “tri kỷ” mà nghe Kiều nói thật lòng như vậy lại muốn gửi gắm mình vào sự chở che của Từ Hải: "Rộng thương cỏ nội, hoa hèn / Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau” nên Từ Hải xác định hai người sẽ gắn bó với nhau. 

Còn Thúy Kiều sau khi gặp Từ Hải thì từ một cô gái lầu xanh trở thành một gái thuyền quyên (gái đẹp, thanh lịch). Với Kiều, cuộc tình duyên này là một sự đổi đời: hạnh phúc gắn liền với tự do, được thoát khỏi thân phận gái lầu xanh, trở thành một mệnh phụ phu nhân, có dịp báo ân, báo oán và điều Kiều hy vọng nhất trong cuộc hôn nhân này là được trở về cố hương, gặp lại cha, mẹ và các em.

 Nhìn nhận một cách khách quan thì cuộc tình giữa Kiều với Từ Hải tuy thực dụng (từ phía Kiều) nhưng cũng mang đậm màu sắc lãng mạn vì họ thật sự đẹp đôi:

“Trai anh hùng, gái thuyền quyên/Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.”

 + Từ Hải sau khi gặp và nói chuyện với Kiều đã xem Kiều là người tri kỷ nên chàng chấp nhận Kiều mà không đắn đo:

“Nghe lời vừa ý, gật đầu,

Cười rằng : “Tri kỷ trước sau mấy người ?

Khen cho con mắt tinh đời,

Anh hùng đoán giữa trần ai mới già !

Một lời đã biết đến ta,

Muôn chung, nghìn tứ, cũng là có nhau !”

Từ Hải cũng không ngại ngần trước sự ngưỡng mộ của“người đẹp” nên đã kiêu hãnh thốt lên: “Khen cho con mắt tinh đời/ anh hùng đoán giữa trần ai mới già” . Sau đó Từ Hải đã chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh: "Ngỏ lời nói với băng nhân/ Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn ", rồi lấy Kiều làm vợ mà không cần đắn đo, suy nghĩ nhiều.       



+ Sau khi lấy Kiều về làm vợ, Từ Hải từ chỗ “giang hồ quen thói vẫy vùng” đã thực sự  hạnh phúc bên vợ đẹp :Buồng riêng giữa chốn thanh nhàn/Đặt giường thất bảo, vây màn bát tiên”. Còn Thúy Kiều thì được hưởng hạnh phúc vợ chồng như bao người phụ nữ khác, đó cũng là mơ ước của nàng.

Đang trong cảnh dạt dào hạnh phúc (Kiều đã nhờ ơn của Từ Hải mà có màn “đền ơn, báo oán” rất đình đám). Tuy nhiên hạnh phúc đó và tình yêu của Thúy Kiều cũng không thể giữ chân Từ Hải vì chàng vốn là người: "dọc ngang nào biết trên đầu có ai", không chịu được cuộc sống quá  êm đềm nên Từ Hải đã gác tình riêng, dứt áo ra đi làm nghiệp lớn: 

" Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

Trông vời trời bể mênh mông,

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong".

Từ Hải là một đấng trượng phu và là người "nghênh ngang một cõi biên thuỳ" nên chàng hành xử mọi vấn đề của cuộc sống theo cách riêng của chàng là kiểu: không thể vì vợ mà cản được bước chân chinh chiến.

                                  

Khi nghe Từ Hải sẽ ra đi, Kiều thương chồng và thương chính mình nên nàng đề nghị:

"Nàng rằng: Phận gái chữ tòng

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi"

Nghe Kiều nói vậy, Từ Hải lại cho rằng khi đã là vợ chồng, là tri kỷ của nhau rồi thì Kiều phải vượt qua được tình cảm của một người vợ bình thường:

"Từ rằng: tâm phúc tương tri

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình".

 Và Từ Hải đã tự tin nói về tương lai, hứa với Kiều khi có vinh hoa phú quý, sẽ trở về đón nàng :

"Bao giờ mười vạn tinh binh, 

Tiếng chuông dậy đất bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghinh gia".

Từ Hải cũng đã cảm thông cho hoàn cảnh ly hương, thương cha, nhớ mẹ của Kiều nên chàng cũng hứa có điều kiện là giúp Kiều thực hiện nguyện vọng:

 “Xót nàng còn chút song thân,

 Bấy nay kẻ Việt, người Tần cách xa.

Sao cho muôn dặm một nhà,

Cho người thấy mặt là ta cam lòng”.

 +Từ Hải là một người luôn quan tâm, lo lắng, yêu thương và nghĩ cho vợ :

"Bằng nay bốn bể không nhà,

Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?

Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau vội gì".

Những câu thơ trên là một lời tâm sự, là sự lo lắng của chồng đối với vợ trước lúc đi xa, nơi đó không nhà, không cửa nên: “Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?”

 Chàng không muốn cho Kiều đi theo vì: thứ nhất việc gây dựng sự nghiệp của chàng là lâu dài, không phải ngày một, ngày hai nên chàng sẽ không chăm lo được cho vợ. Thứ hai là Từ Hải biết rõ con đường mình đi không phải chỗ dành cho phụ nữ, chàng không muốn vợ mình phải chịu khổ cực, vất vả. Mặt khác,Từ Hải cũng không muốn chuyện tình cảm vợ chồng ảnh hưởng tới sự nghiệp, còn việc bản thân chàng phải ra đi vì đó là lý tưởng của chàng. Tình yêu thương của Từ Hải đối với Kiều là tha thiết, mặn nồng nhưng không ủy mị, đắm đuối. (kiểu thương thì thương mà đi là đi)hi!hi:

"Quyết lời dứt áo ra đi

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi".

+ Kiều đã thương nhớ Từ Hải trong những ngày đợi chờ:

“Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,

Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm”.

... Khi Hồ Tôn Hiến (quan đại thần của triều đình) chiêu hàng, Từ Hải băn khoăn vì đầu hàng có nghĩa là phải khuôn mình vào một cuộc sống gò bó, từ bỏ cuộc sống ngang tàng vốn có của mình:

"... Sao bằng riêng một biên thùy,

Sức này đã dễ làm gì được nhau !

Chọc trời, khuấy nước, mặc dầu,

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai !"

+Nhưng chính Kiều lại là người khuyên Từ Hải buông gươm đầu hàng về với Triều đình vì  theo Kiều: Từ Hải quy thuận triều đình thì việc công , tư đều tốt đẹp. Việc công là việc đất nước khỏi nạn binh đao, vua thêm tôi giỏi. Việc tư là việc Từ Hải được làm bề tôi triều đình, được vua ban chức tước, gia đình sẽ được vinh hiển và điều quan  trọng nhất là Kiều được tự do trở về cố hương gặp cha, mẹ, gia đình :

“Nhân khi bàn bạc gần xa 

Thừa cơ nàng mới bàn ra nói vào.

Rằng: “Ơn thánh trạch dồi dào

 Tưới ra đã khắp thấm vào đã sâu

….. 
 Sao bằng lộc trọng quyền cao

 Công danh ai dứt lối nào cho qua?

 Nghe lời nàng nói mặn mà

 Thế công Từ mới trở ra thế hàng”. 

+ Hồ Tôn Hiến  xét thấy kế chiêu an, dụ hàng với Từ Hải là không có tác dụng nên đã dụ Thúy Kiều: “Nàng thời một dạ tin người/ Lễ nhiều, nói ngọt, nghe lời dễ xiêu” 

Nghe Kiều khuyên Từ Hải nên quy hàng triều đình:“Trên vì nước, dưới vì nhà/Một là đắc hiếu hai là đắc trung”, thấy hợp lý, Từ Hải đã :“Việc binh bỏ chẳng giữ giàng” nên bị Hồ Tôn Hiến đánh úp rồi gi.ết ch.ết.

+Từ Hải ch.ết không phải vì chàng mắc mưu Hồ Tôn Hiến mà chính vì chàng đã quá tin và yêu thương Thúy Kiều nên đã sa cơ thất thế, ch.ết đứng giữa trận tiền:

"Đương khi bất ý chẳng ngờ,

Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn!

Tử sinh liều giữa trận tiền,

Dạn dày cho biết gan liền tướng quân.

Khí thiêng khi đã về thần,

Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.

trơ như đá vững như đồng,

Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời”  (câu 2515 đến 2522)

Từ Hải ch.ết "đứng" và chàng chỉ ngã xuống khi nghe được nỗi niềm tha thiết, hối hận của Thúy Kiều:

 “Khóc rằng: “ Trí dũng có thừa,

Bởi nghe lời thiếp, đến cơ hội này !

Mặt nào trông thấy nhau đây ?

Thà liều sống chết một ngày với nhau !”

Dòng thu như xối cơn sầu,

Dứt lời, nàng cũng gieo đầu một bên.

Lạ thay oan khí tương triền,

Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra !"

Từ Hải đã ch.ết vì Thúy Kiều và chỉ ch.ết vì nàng mà thôi. Còn Thúy Kiều thì chỉ vì nghe lời “ngon, ngọt” của Hồ Tôn Hiến mà đã đánh mất tất cả: mất tình yêu, mất chồng, mất ân nhân, mất tri kỷ và điều đặc biết nhất là mất đi cơ hội được trở về cố hương với cha, mẹ với gia đình. Vì vậy, đây chính là nỗi niềm, là sự ân hận, sự tiếc nuối và đau đớn, khổ tâm nhất của Kiều trong thời gian mười lăm năm lưu lạc. 

Sau khi Từ Hải ch.ết, Hồ Tôn Hiến đã buộc Kiều lấy chồng khác: " Lệnh quan ai dám cãi lời/ép tình mới gán cho người thổ quan".

Trong hoàn cảnh trớ trêu ấy, Kiều đã than rằng:

"Giết chồng mà lại lấy chồng,
Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời ?
Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông.

 Trông vời con nước mênh mông,

Đem mình gieo xuống giữa dòng Trường Giang "
Dù được cứu sống nhưng thật tiếc là Kiều đã đánh mất hạnh phúc của đời mình./.

                                     
                                
                                         (các hình ảnh trong bài đầu lấy trên net)