Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

TRI KỶ CỦA KIỀU ...LÀ AI ?

     */ Ra giêng ngày rộng tháng dài, cuối tuần này con, cháu đi chơi xa, nhà chỉ có 2 người già nên mình được treo ngược hồn lên ngọn cây và vui, buồn cùng nàng Kiều. Thú vui thật tao nhã ! hihi! (đề tài kiểu như này phải thích mới cảm nhận thấy hay)

                                       

                                                                   (hoa này lấy trên net)

(Theo Google: Tri âm hiểu tiếng, tri kỷ hiểu lòng .Vợ chồng là nợ, tri kỷ là duyên. Tri kỷ được hiểu là người hiểu rõ tính cách, tâm tư trong sâu thẳm tâm hồn bạn. Hiểu mà không cần phải nói ra. Tri âm, tri kỷ là loại tình cảm đặc biệt, họ có thể không phải là bạn đời, người thân nhưng luôn đem đến cảm giác thoải mái mỗi khi bạn được nói chuyện với họ. Bởi vậy mới có câu: "quen biết đầy thiên hạ, tri kỷ được mấy người"                   

*/ Trong Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du thể hiện trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời Thúy Kiều thì nàng có những mối quan hệ tình cảm đặc biệt với ba người là: Kim Trọng (người yêu); Thúc Sinh (người tình) và Từ Hải (chồng). Vậy ai trong ba người đó là người tri âm, tri kỷ với Kiều ?

                                            (hoa này của nhà  mình)

1/ ... Nếu dựa vào câu chữ của cụ Nguyễn Du, có thể cho rằng Kim Trọng là tri kỷ của Kiều. Vì mối tình giữa Kim Trọng với Thúy Kiều là mối tình đẹp, trong trắng, chung thủy và nên thơ nhất xuyên suốt cả truyện Kiều. 

Tình yêu Kim – Kiều là tình yêu đẹp, lý tưởng là tình yêu của trai tài gái sắc 

   Kim Trọng là người thư sinh, nho nhã, có học : "Văn chương nết đất, thông minh tính trời "

“Phong tư, tài mạo tót vời.

 Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.”

  Với hình dáng đó của Kim Trọng, Kiều mới gặp lần đầu là đã xao xuyến, mơ tưởng :

“ Người đâu gặp gỡ làm chi.

Trăm năm biết có duyên gì hay không?”.

 Kiều yêu chàng Kim đến độ:

 “Nợ tình chưa trả cho ai.

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” (câu 709 và 710- Truyện Kiều)

Nhưng trong thời gian quen biết, yêu nhau đó Kim Trọng có hiểu tâm tư của Kiều không ? Chúng ta hãy tìm hiểu xem:

+  Lần đầu khi thấy cảnh Kiều đánh đàn rất nhập tâm:

 “Khi tựa gối, khi cúi đầu.

 Khi vò chín khúc khi chau đôi mày”.

Kim Trọng lại cho rằng  :

 “Rằng hay thì thật là hay.

 Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.

 Lựa chi những khúc tiêu tao.

 Dột lòng mình cũng nao nao lòng người.”

Nói như vậy thì Kim Trọng chưa thật sự hiểu hết tâm tư, suy nghĩ, sự nhạy cảm của Kiều . Là người tri kỷ không ai nói với bạn mình như thế cả.

+ Lần thứ hai là khi hai bên đã thân mật hơn, không còn kiểu:“Tình trong như đã mà ngoài còn e”, giữa khung cảnh:

“Vầng trăng vằng vặc giữa trời,

Đinh ninh hai miệng một lời song song “

Cảnh hợp cho người đang yêu, lẽ ra lúc này cùng ngồi tâm sự với Kiều là hay nhất thì Kim Trọng lại có cử chỉ, hành động ra chiều lả lơi :

 “Sóng tình dường đã xiêu xiêu

 Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”

 Nhưng Kiều thời gian này còn đang trong trắng, ngây thơ và con “nhà lành” nên đã không đồng ý với hành xử của chàng Kim, mà rằng:

 Thưa rằng đừng lấy làm chơi.

 Dẽ cho thưa hết một lời đã nao”.

+ Lần thứ ba là khi hai người gặp nhau sau mười lăm năm xa cách, để giữ thể diện cho Kim Trọng và bản thân mình, Kiều cũng không muốn mang tấm thân không còn trinh bạch của mình vấy bẩn đời chàng Kim nên nàng quyết định: “đem tình cầm sắt, đổi ra cầm cờ”. Nhưng đổi lại, trong cái đêm gọi là  động phòng ấy Kim Trọng vẫn cố kèo nài nàng để được gần gũi nàng. Một lần nữa buộc lòng Kiều phải tìm lời lẽ thuyết phục:

“ Người yêu ta xấu với người.

 Yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau.

 Cửa nhà dù tính về sau.

Thì còn em đó lọ cầu chị đây.

 Chữ trinh còn một chút này.

 Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan.

 Còn nhiều ân ái chan chan.

Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi.”

 Khi nghe Kiều nói vậy thì Kim Trọng mới biết là mình đã hiểu sai về nàng:

“Chừng xuân tơ liễu còn xanh.

 Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân”.

Qua phân tích trên ta xác định rằng Kim Trọng chưa thật hiểu, chưa tôn trọng Kiều, nên không thể là người tri kỷ của Kiều.

2/Người thứ hai là Thúc Sinh :

 Mối tình Thúc Sinh với Thuý Kiều không đẹp, không trong trắng như mối tình của Kim Trọng với Thúy Kiều. Nhưng có lẽ Thúc Sinh là người có nhiều điểm tương đồng với Kiều hơn cả. Thúc Sinh chính là người đã cứu Kiều ra khỏi chốn lầu xanh (lần 1), khi mà Kiều xem như mình đã chết:

“Mặc người mưa Sở, mây Tần.

 Riêng mình nào biết có xuân là gì.

Vui là vui gượng kẻo là.

 Ai tri âm đó mặn mà với ai.”

Thúc Sinh đã chinh phục được Kiều bằng cách:

“Sớm đào tối mận lân la.

 Trước còn trăng gió sau ra đá vàng”

Hay kiểu:

“Miệt mài trong cuộc truy hoan.

 Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình.”

Qua đó thấy về tài cầm, kỳ, thi, họa thì chỉ có Thúc Sinh mới sánh được với Kiều. Hai người vẫn thường chơi cờ, họa đàn với nhau.

Kiều có tài làm thơ:

Ví đem vào tập đoạn trường.

 Thì treo giải nhất chi nhường cho ai.”

Nhưng Thúc Sinh còn làm thơ giỏi hơn vì Kiều đã khen thơ của Thúc Sinh là:

 Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”.

Và chịu thua Thúc Sinh:  “họa vần, xin hãy chịu chàng hôm nay”.

 Xét về một khía cạnh khác thì Thúc Sinh thực sự thương yêu Kiều nên mới bỏ tiền cứu Kiều ra khỏi lầu xanh và quyết lấy nàng làm vợ lẽ.  Thúc Sinh không "tài mạo tót vời" như Kim Trọng và cũng chẳng phải là anh hùng "Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo" như Từ Hải nhưng Thúc Sinh là một người đã yêu thương Kiều hết mực, đã từng hứa hẹn:

 “Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.

 Đã gần chi có đường xa?

Đá vàng đã quyết, phong ba cũng liều!” (câu 1364 -1366)

Hai người đã từng có khoảng thời gian sống hạnh phúc bên nhau.

“Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai.

 Một nhà sum họp trúc mai.

Càng sâu nghĩa bể càng dài tình song.

Hương càng đượm, lửa càng nồng

Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen

Nửa năm, hơi tiếng vừa quen,

sân ngô cành biếc đã chen lá vàng"  (câu 1380 đến 1386)

Khi biết Thúc Sinh đã có vợ, Kiều đã khuyên Thúc Sinh về quê nói thật với vợ chuyện của hai người:

"...Hơn điều giấu ngược dấu xuôi

  lại mang những việc tày trời đến sau.

Thương nhau xin nhớ lời nhau.

 Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy.

Chén đưa nhớ bữa hôm nay.

chén mừng xin đợi ngày này năm sau..." (từ câu 1513 đến câu 1518)

Vì thế nên khi chia tay để Thúc Sinh về quê, Kiều cảm thấy vô cùng cô đơn, trống trải:

Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Dặm hồng bụi cuốn chinh an,

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Người về chiếc bóng năm canh.

 Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi.

 Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”. (từ câu 1519 đến 1526)

              (đoạn thơ tả cảnh chia ly này phải nói là quá hay)

... Khi về quê gặp vợ, do chưa hiểu hết về Kiều nên Thúc Sinh đã “bưng bít dấu quanh” chuyện của hai người mà không làm theo lời dặn của Kiều. Còn vợ Thúc Sinh là kiểu người đẹp mà thông minh :“ Đàn bà dễ có mấy tay/ đời xưa mấy mặt đời này mấy gan”, thêm gốc gác của vợ Thúc Sinh lại thuộc dạng chẳng vừa : “Vốn dòng họ Hoạn danh gia/ Con quan Lại Bộ tên là Hoạn Thư”, nên sự việc đã đi quá xa, ngoài tầm kiểm soát của Thúc Sinh. Khi bị Hoạn Thư phát hiện, Kiều muốn bỏ trốn nên nói với Thúc Sinh:

“Liệu mà mở cửa cho ra

Ấy là tình nặng ấy là ơn sâu”

Còn Thúc Sinh khi trốn vợ gặp Kiều đã  khóc lóc, thề thốt đủ kiểu:

“Thừa cơ chàng mới lẻn ra

Xăm xăm về mé vườn hoa với nàng.

Sụt sùi giở nỗi đoạn trường.

Giọt châu tầm tã đượm tràng áo xanh.

Đã cam chịu bạc với tình.

Chúa xuân để tội một mình cho hoa.

Thấp cơ thua trí đàn bà.

Trông vào đau ruột nói ra ngại lời.

Vì ta mà lụy đến người.

Cát lầm ngọc trắng thiệt đời xuân xanh.

Quản chi lên thác xuống ghềnh.

 Cũng toan xuống thác với tình cho xong.

…..

 Dẫu rằng non cạn đá mòn.

 Con tằm đến thác vẫn còn tơ vương”..

Nhưng khi bị vợ phát hiện thì  lại nói với vợ:

“Dối quanh Sinh mới lựa lời

Tìm hoa quá bước, xem người viết kinh”.

Khi Kiều gặp khó khăn thì Thúc Sinh đã bỏ mặc Kiều một mình trong cơn họan nạn và còn nói rằng:

“Liệu mà xa chạy, cao bay.

Ái ân ta có ngần này mà thôi.” 

Qua những đoạn thơ trên của Nguyễn Du thì ta thấy rằng Thúc Sinh yêu Kiều tha thiết, nhưng lại sợ vợ đến nhu nhược nên không bảo vệ được người đàn bà mình yêu và Thúc Sinh cũng không phải là người tri kỷ của Kiều.  (Thúc Sinh là kiểu đàn ông sợ ...vợ, mà vợ như Hoạn Thư không sợ mới lạ !hihi )


3/Người thứ ba là Từ Hải:

 Từ Hải là một người có hình dáng phi thường : "Râu hùm, hàm én, mày ngài/ vai năm tấc rộng, thân mười thước cao".Từ Hải là một anh hùng đích thực, võ nghệ xuất chúng, có tài thao lược : "Đường đường một đấng anh hào/ Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài". Đó là một tài tử đa tình và hào hiệp: trong tình cảm họ Từ không dềnh dàng kiểu“sớm mận, tối đào”, khi ưng là Từ Hải chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, cưới nàng làm vợ ngay và luôn. Còn Thúy Kiều sau khi trốn khỏi nhà Hoạn Thư, nàng lại rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh. Lần thứ hai Kiều bị đẩy vào chốn thanh lâu, khi Kiều may mắn gặp Từ Hải thì “ Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng” 

Ngay khi Từ Hải và Thuý Kiều vừa mới gặp nhau đã: “Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa”. Chỉ nghe Kiều nói một đôi câu khiêm nhường là Từ Hải đã “vừa ý gật đầu” và xem Kiều là người “tri kỷ” của mình ngay. Từ Hải đến lầu xanh gặp Thúy Kiều không phải tình “trăng gió” mà là “ tâm phúc tương cờ ”, tìm người "tri kỷ". Vì vậy khi nghe Kiều nói lên niềm hi vọng “ Tấn Dương thấy được mây rồng có phen", Kiều gửi gắm sự trông cậy sự chở che: "Rộng thương cỏ nội, hoa hèn / Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau” . Từ Hải khẳng định: Kiều là tri kỷ, gắn bó với nhau, giàu sang phú quý cũng không quên nhau. Đó là mối tình thực tế: "Một lời đã biết đến ta/Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau."

Từ Hải chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh rất đàng hoàng “Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn ". Từ Hải đã cưới Kiều làm vợ, con người "giang hồ quen thói vẫy vùng" này đã "sửa chốn thanh nhàn" sống trong mái ấm hạnh phúc lứa đôi “ Đặt giường thất bảo, vây màn bát tiên”.

Xét xem Từ Hải- Thúy Kiều có là tri kỷ của nhau không, ta thấy: Từ Hải đến với Kiều chỉ vì sắc đẹp ‘nghiêng nước nghiêng thành” của nàng. Còn Kiều đến với họ Từ chủ yếu là tìm thấy một chỗ dựa vững chắc cho cuộc sống bấp bênh của mình. Về tính cách thì Từ Hải và Thuý Kiều gần như là sự tương phản: Từ Hải:“vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”, còn Kiều thì “liễu yếu đào tơ”; Từ Hải “thanh gươm yên ngựa”, còn Kiều thì “cầm kỳ thi họa”; Từ Hải bộc trực, nói năng có phần bỗ bã  khi hỏi Kiều: “mắt xanh chưa để ai vào, có không ?”, còn Kiều thì nói năng nhẹ nhàng, bóng bẩy, chữ nghĩa “Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”… Cuộc tình duyên giữa Kiều với Từ Hải mang đậm màu sắc lãng mạn. Thật đẹp đôi: "Trai anh hùng, gái thuyền quyên/ Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng". Nhưng họ có là tri kỷ của nhau không? :

Qua cuộc đối thọai giữa Kiều và Từ Hải trong lần Kiều thuyết phục Từ Hải ra hàng, ta thấy sự  chênh lệch rất lớn về suy nghĩ của hai người . Từ Hải cho rằng:

 "Bó thân về với triều đình.

 Hàng thần lơ láo, phận mình ra sao.

 Áo xiêm ràng buộc lấy nhau.

 Vào luồn ra cúi công hầu mà chi.

 Sao bằng riêng một biên thuỳ.

 Sức này đã dễ làm gì được nhau…"

Trong khi đó, Kiều lại khuyên Từ nên về với triều đình vì: 

 "Sao bằng lộc trọng, quyền cao.

 Công danh ai dứt lối nào cho qua ?"

Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ thấy họ không phải là những người “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Xét ra thì Từ Hải là ân nhân của Kiều chứ không phải là người tri kỷ của nàng.

Như vậy dù có người yêu, người tình và cả chồng nhưng Thúy Kiều chưa gặp người tri âm, tri kỷ của đời mình ! Tiếc cho một người con gái tài sắc vẹn toàn, liễu yếu đào tơ mà bị vùi dập trong 15 năm đoạn trường...!

 (P/s: Bài viết là từ sự tổng hợp, sưu tầm có rút gọn, chỉnh sửa và bổ sung từ nhiều nguồn trên net)