Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2020

"BỞI ĐÂU KIỀU LẬN ĐẬN !"

*/ Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất cụ Nguyễn Tiên Điền (Nguyễn Du -10/8/1820 - 10/8/2020), báo Tuổi trẻ online có bài đăng nhiều kỳ về những chuyện liên quan đến cụ Nguyễn và truyện Kiều, trong đó có kỳ 4 ra ngày 16/9/2020 với tựa đề : "Bởi đâu Kiểu lận đận", mình đọc và thấy một hướng phân tích khá mới và thú vị vì hồi nào giờ mình chỉ đọc những bài phân tích  thương thân phận và 15 năm lưu lạc của nàng ấy thôi.   


 ..."Cuộc đoàn viên trong "Truyện Kiều" xưa nay từng được mổ xẻ, nhiều người cho rằng kết thúc không có hậu. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng chính duyên - nghiệp đã tạo nên kết thúc đau khổ như thế".

Dưới đây là bài phân tích của 2 Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và  Phan Đăng mình thấy hay nên mang về mời bạn bè ai thích đề tài này thì cùng đọc và suy ngẫm :

                           Kiều tự tạo nghiệp báo:

*/... Theo ông Sơn, cụ Nguyễn Tiên Điền là một đại cư sĩ Phật giáo đầu thế kỷ 19, thấm nhuần tư tưởng đạo Phật. Kiều là người con tinh thần, dĩ nhiên cũng là Phật tử, thể hiện 3 lần đi tu nhưng không được. Việc này không phải do mệnh trời, mà là duyên nghiệp do chính nàng Kiều tạo nên.

Ông Sơn diễn giải:Thúy Kiều thân tu hành, cả cố ý lẫn vô tình đã phạm phải ngũ giới: sát sinh, tà dâm, trộm cắp, nói dối, uống rượu. Bấy lâu nay người đời đã quá thương đoạn trường 15 năm lưu lạc (của nàng Kiều) mà đã bỏ qua, thậm chí tìm cách biện minh lỗi lầm cho nàng. 

...Sau những hành hạ của Hoạn Thư, Kiều chọn tu Phật ở Quan Âm các, có lễ xuất gia, với pháp danh Trạc Tuyền. Khi trốn khỏi ngôi chùa này, nàng đã "giắt để hộ thân" chuông vàng, khánh bạc, kim tiền, tức đã chủ ý phạm giới trộm cắp. 

Trên đường đi trốn, sau khi gõ cửa Chiêu Ẩn am, Kiều "tìm đường nói quanh" với sư bà Giác Duyên về tung tích của chính mình lẫn nguồn gốc đồ vật mang theo, nên phạm phải tội nói dối. Chủ ý phạm giới ắt tạo nghiệp, "dẫn lối" Kiều đến phường bán thịt, dân buôn người là Bạc Bà, Bạc Hạnh đưa nàng vào lầu xanh.

 ...Sau khi gặp Từ Hải, Kiều đạt đỉnh cao phú quý và quyền lực, được quyền báo ân và báo oán. ai cũng biết cảnh Kiều xử án: "chính danh thủ phạm" mối thù với Hoạn Thư, chỉ thông qua vài câu hợp lẽ, thuận tai thì Hoạn Thư được Kiều tức thì tha ngay. (Tha ra thì cũng may đời/ làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen)

Trong khi Hoạn Thư được tha thì có bảy người, (có người tội không quá nặng), những Ưng, Khuyển, Sở Khanh, Mã Giám Sinh... đều bị xử chết. Giết người là tội nặng nhất trong giới luật sát sinh, nàng lại giết đến bảy mạng. Đã từng vào cửa Phật, thay vì dùng ân báo oán cho oán tiêu tan, Kiều đã dùng oán báo oán để chất chồng oán. Nghiệp chướng "dứt ra rồi lại buộc vào như chơi" là vì thế...

Ngoài ba giới trộm cắp, nói dối và giết người, Kiều còn phạm thêm hai giới nhưng có thể châm chước vì bị cưỡng ép, đó là tà dâm và uống rượu: với "thâm niên" làm gái lầu xanh, ắt hẳn có sự lão luyện chuốc rượu truy hoan tiếp khách làng chơi. 

Tư tưởng gieo nhân gặt quả của Phật giáo ấy, được Nguyễn Du "chốt hạ" rõ ràng trong mấy câu cuối của Truyện Kiều: "Đã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa/Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".

Kiều khổ vì đa cảm, đa mang

Trong khi đó, cư sĩ, nhà nghiên cứu Phan Đăng cho rằng Truyện Kiều là sự tổng hợp của tam giáo: "Tính thời đại của Truyện Kiều là sự tổng hợp triết lý của Nho giáo, Lão giáo, và đặc biệt đậm đà là triết lý Phật giáo. Đó là điều đương nhiên bởi Nguyễn Du rất thông hiểu đạo Phật". 

Ông nói cả ba tư tưởng có những nét gần gũi, tương đồng dễ nhận biết: vô vi của Phật giáo là không tạo nghiệp; còn vô vi của Nho và Đạo giáo là không làm gì ngược với tự nhiên. Dẫn lời Tam Hợp đạo cô đại diện Đạo giáo nói với sư bà Giác Duyên: "Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan/Vô duyên là phận hồng nhan đã đành/Lại mang lấy một chữ tình/Khư khư mình buộc lấy mình vào trong", ông nói: "Kiều đa tình, đa cảm, đa mang, hiểu theo nghĩa giàu cảm xúc; nguyên nhân dẫn đến khổ đau vì quá giàu cảm xúc như thế".

200 năm, hậu thế nhớ Tố Như - Kỳ 4: Bởi đâu đời Kiều lận đận? - Ảnh 2.

Tranh vẽ câu thơ “Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo” trong bản Kiều cổ ở Anh - Ảnh NXH cung cấp


             Ngược chiều" trong cuộc đoàn viên

Cuộc đoàn viên trong Truyện Kiều xưa nay từng được mổ xẻ: nhiều người cho rằng kết thúc không có hậu. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng duyên nghiệp tạo nên kết thúc đau khổ như thế. Nhà nghiên cứu Phan Đăng dẫn tình tiết thực tế: "Kết thúc Truyện Kiều ... ba con người ở cùng một nhà. Anh Kim Trọng nằm cạnh Thúy Vân nhưng lòng vẫn nghĩ đến Thúy Kiều. Cô Thúy Vân nằm cạnh chồng nhưng luôn nghĩ chồng đang nghĩ đến chị mình. Cô Thúy Kiều nằm một mình cứ nghĩ hai vợ chồng Kim Trọng đang hạnh phúc, chỉ có mình là cô đơn. Kết thúc đó là... vô hậu...".

Cách của người phương Đông, người Việt thường mong kết thúc có hậu. Nhưng kết thúc Truyện Kiều lại... vô hậu. Theo ông Đăng: "Nếu như kết thúc có hậu, người đọc không nghĩ gì nữa. Còn không có hậu thì người đọc sẽ nghĩ mãi, nghĩa là tác phẩm đó vẫn luôn luôn sống trong lòng của người đọc. Nguyễn Du giỏi về sử dụng cấu trúc đó".

Trong khi đó, GS.TS triết học Thái Kim Lan cho rằng Nguyễn Du đã dàn xếp cuộc đoàn tụ viên mãn, không xung đột, trở thành sự giải thoát cho Kiều. Trong đó, Thúy Vân là người gầy dựng gia đình phồn thịnh: "Một cây cù mộc một sân quế hoè". Trong khi Kiều chính là ý niệm tình yêu lý tưởng của Kim Trọng. Theo bà thì: "Kim Trọng là mẫu người tình lý tưởng Nguyễn Du dựng nên". Trong bản đàn đêm giao bôi, tác giả chứng tỏ chỉ có Kim Trọng mới thấu hiểu, mới là tri kỷ của Kiều...  

Ngoài ra theo bà, những lời "biện hộ" của Kim Trọng về chữ trinh: "Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường/Có khi biến có khi lường... Như nàng lấy hiếu làm trinh", không bằng chữ "không" của Kiều. Và chính chữ "không" ấy mới thật là trinh. 

Ở đây, Kiều chính là người chủ động "ban phát", quyết định mối tình chứ không phải là Kim Trọng. Điều này thể hiện sự phóng khoáng trong cách nhìn về người phụ nữ của Nguyễn Du...