Trang

Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

HỒI KÝ VỀ MẸ ! (2)

....
Năm mẹ tôi khoảng 16- 17 tuổi, bà xinh đẹp nổi tiếng một vùng. Dấu ấn đặc biệt đối với mẹ tôi ở độ tuổi trăng tròn này là lần Vua Bảo Đại đi kinh lý miền ngoài đã ghé Đức Thọ (quê ngoại của tôi) và mẹ tôi đã được  chọn là một trong bốn người đẹp của vùng đi dâng hoa cho Vua. Sau này thỉnh thoảng có người hỏi vui mẹ tôi là đi dâng hoa cho Vua thì thấy Vua thế nào, bà nói là dâng hoa nhưng không được nhìn Vua mà phải cúi đầu nhìn xuống! (là tôi chỉ nghe kể vậy). Sau sự kiện này, mẹ tôi vốn đã nổi tiếng vì đẹp nay lại càng nổi tiếng hơn nơi vùng quê yên bình. Sau khi mẹ tôi mất (thọ 71 tuổi), những lần tôi về quê ngoại giỗ mẹ, gặp những người già, bạn bè cùng thời của mẹ tôi thì tôi vẫn thường nghe các cụ nhắc: Ngày xưa mẹ cháu đẹp lắm, còn được đi dâng hoa cho Vua Bảo Đại...! ( tôi không đẹp nhưng tôi tự hào vì ...có mẹ là một người đẹp) hi hi!

Mẹ tôi là con của một gia đình khá giả có nhiều ruộng đất và có người làm công (điều này được minh chứng bởi vào thời kỳ cải cách ruộng đất gia đình ông ngoại tôi bị quy là địa chủ nên phần lớn ruộng đất, nhà cửa đã bị tịch thu .Vấn đề này thuộc về  lịch sử của đất nước, tôi chỉ nhắc lại vì đó là một mắt xích trong cuộc đời của mẹ tôi- và tất cả bây giờ đã là quá khứ, đúng, sai cũng đã là dĩ vãng, tôi chỉ là lớp con trẻ, được sinh ra rất lâu sau sự kiện này!). 

Một phần nhỏ nhà, đất của ông, bà ngoại tôi mà gia đình cậu tôi còn giữ lại được hiện nay:


Tuy được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có của ăn, của để nhưng vẫn là một gia đình mang nặng đầu óc phong kiến, cổ hủ, bởi vậy chỉ con trai mới được đi học, còn con gái thì không. Mẹ tôi có nhiệm vụ hàng ngày xách cặp cho cậu tôi đến lớp (học tiếng Pháp), vì vậy bà cũng học lỏm được một ít tiếng Pháp từ các cậu! So với 2 dì của tôi (ở miền Trung thì chị gái của mẹ cũng gọi là dì- không như miền Bắc gọi bác) thì mẹ tôi đẹp hơn về sắc lại thêm  có biết chút ít tiếng pháp! Mẹ tôi thích học chữ, bà ngoại tôi biết vậy nên đã đề đạt ý kiến của mình với ông ngoại tôi là xin cho mẹ tôi được đi học như các cậu, câu trả lời của ông ngoại tôi là: Con gái học làm gì, biết chữ để viết thư cho trai à ! Tuy vậy, ông cũng đồng ý cho mẹ tôi đi học đến lớp nhất (tiểu học) rồi thôi. Với tính ham học của mình, sau này vào khoảng năm 1960- 1961, có trường cấp 3 chuyển đến gần nhà, dù khó khăn về kinh tế lẫn tinh thần (đang mang thai, sanh, rồi nuôi tôi đơn thân vất vả) nhưng mẹ tôi vẫn học bổ túc văn hóa và học hết cấp 2. 
Tuy là gái quê nhưng bà ham đọc sách, thích xem phim, đọc thơ và làm thơ ! hồi chiến tranh, không biết bà tìm đâu ra để đọc các cuốn sách kinh điển như : Nam tước Phôn- Gôn-Rinh , Túp lều bác Tôm, Những người khốn khổ...  và ở quê nhưng mẹ tôi đặt báo phụ nữ ( cho mẹ) và báo thiếu niên tiền phong (cho tôi) và đặc biệt là mỗi khi có phim về chiếu cách nhà vài km  thì mẹ đều dắt theo tôi  đi xem. Tôi vẫn lưu giữ ký ức tuổi thơ về những tối ở quê mọi người háo hức đi xem phim chiếu ở sân bãi, rồi cuối tuần mong ngóng bác đưa thư để nhận báo mới và thư của Ba tôi từ chiến trường gửi về. (thực tế không luôn là màu hồng vì báo mới thì có đều đặn mỗi tuần, còn thư của Ba tôi thì...đây sẽ là một câu chuyện khác, rất khác và tôi hy vọng sẽ có một cảm xúc đặc biệt để tôi viết về Ba tôi, như tôi đã từng viết về Mẹ). Có lẽ sự ham mê đọc sách, báo và xem phim ảnh, viết nhật ký từ mẹ đã truyền sang tôi, bởi vậy với tôi từ bé đến bây giờ thì việc  đọc, viết thật sự là một thú vui tao nhã!

* P/s : Dưới đây là hình mẹ tôi, tôi và chị con dì của tôi (ngồi ngoài cùng bên trái), là người chị luôn tự hào vì: Người ta nói con giống dì ! (chị đã mất năm 1983 khi mới ngoài 30 tuổi!)
Hình này chụp năm 1973 mục đích chụp là để gửi cho Ba tôi khi đó  đang ở chiến trường miền nam . Tôi muốn lưu giữ lên đây những tấm hình xưa cũ, để sau này...một lúc nào đó khi tôi không còn, các con tôi sẽ tìm và xem lại ký ức của mẹ chúng. 

(...còn tiếp)