Trang

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

HỒI KÝ VỀ MẸ ! (6)

...Sau khi mẹ tôi bỏ nhà ra đi để phản đối lại việc bị cha gả bán cho Tây thì ông ngoại tôi thường xuyên uống rượu và luôn ở trạng thái say nhiều hơn tỉnh. Bà ngoại tôi thì vừa phải lo buôn bán đường xa, vừa muốn trốn những trận đòn vô cớ từ ông (ngày nay gọi là bạo hành gia đình), một chuyến đi buôn đường dài của bà phải trên 10 ngày mới về, khi về lại phải mua hàng để đi chuyến mới nên bà ít khi ở nhà, phần khác thì con cái cũng đã trưởng thành (con gái lớn đã gả chồng, các con trai người thì có vợ, người đi học xa nhà). Với tình hình gia đình như vậy nên bà ngoại tôi đã bàn cùng các con là nên cưới vợ lẽ cho ông  để có người thay bà ngoại tôi về mọi lĩnh vực trong gia đình.
Việc bà tôi cưới vợ lẽ cho ông tôi, thời Pháp thuộc là chuyện không hiếm, nhưng nó rơi vào gia đình mẹ tôi như là một cứu cánh để cho mọi người trong gia đình dễ thở hơn! Nói một cách chính xác thì người buồn nhiều nhất phải là bà ngoại tôi vì "Chồng chung ai dễ ai chiều cho ai", nhưng tôi đoán rằng bà đã bị những trận đòn vô cớ khi ông say rượu làm mờ đi tình cảm vợ chồng và sự ghen tuông thường tình của đàn bà!
Việc cưới vợ hai cho ông tôi diễn ra suôn sẻ, bà Hai về sống cùng nhà với ông, bà ngoại tôi. Như đã giao ước là lo chuyện nội trợ để bà ngoại tôi rảnh tay buôn bán. Bà Hai và ông ngoại tôi có thêm 3 người con chung (1 trai 2 gái)- Những người con này của bà Hai có cuộc sống vất vả hơn các con của bà ngoại tôi, vì khi  cậu và 2 dì chưa kịp lớn thì cơn bão cải cách ruộng đất ập đến (1953), ông ngoại tôi đã không chịu đựng nổi việc bị tịch thu tài sản, gia đình ly tán nên đã ...Sau khi ông ngoại tôi đi, không còn ai lo kinh tế cho bà Hai và các con nên bà Hai đã đưa các con về quê ngoại. Chuyện mưu sinh, cơm áo, gạo tiền đã đẩy xa các con bà Hai ra khỏi gia đình của bà ngoại tôi đến nhiều chục năm sau mới gặp lại  ... (vì tôi viết về mẹ tôi, nên những đoạn này tôi chỉ nhắc vào như một giai đoạn lịch sử của gia đình mẹ tôi mà thôi).

Trở lại chuyện về mẹ tôi, đầu năm 1945, lúc này mẹ tôi 20 tuổi (độ tuổi đẹp nhất của người con gái, không ngây thơ như tuổi 16, nhưng cũng chưa từng trải như phụ nữ 30- là tôi nghĩ thế, nhưng riêng mẹ tôi thì trước đó đã có những cú sốc tinh thần do chính cha mình gây ra, sau này cuộc đời của mẹ tôi còn nhiều thăng trầm khác mà chính những người thương yêu bà (hay bà thương yêu) gây ra, chứ không ai khác vì vậy tính cách của mẹ tôi, theo tôi thật khác lạ so với những phụ nữ nông thôn khác). Mẹ tôi đã cùng với một người chị con bác ruột (tôi gọi là dì Phú) lớn hơn mẹ tôi khoảng trên dưới chục tuổi, đi buôn chuyến bằng xe lửa. Hai người vào tận ga  Đà Nẵng -Tam Kỳ mua gạo về ga Vinh, Chợ Thượng bán buôn. Theo lời  mẹ tôi kể kể thì đi buôn nhưng con nhà giàu nên bà ăn mặc đẹp, quần áo lụa tơ tằm, cổ, tay đeo (kiềng) vòng vàng, tóc búi cao (mẹ tôi răng trắng, không ăn trầu, không đội khăn vấn đầu như phụ nữ xưa). Tôi hình dung mẹ tôi thời trẻ qua những bộ phim phim : Cành ngọc lá vàng, và những bộ phim dựng theo tiểu thuyết của nhà văn Hổ Biểu Chánh vậy đó.( Mẹ tôi có chụp một tấm hình ở tuổi này nhưng thời gian quá lâu làm hư hỏng, tôi có đưa ra tiệm ảnh phục hồi nhưng không được).
Cũng từ việc đi buôn bán đường xa này mà mẹ tôi đã gặp người chồng đầu tiên (ông C) và cũng bắt đầu từ đây, cuộc đời mẹ tôi bước sang một khúc quanh mới, gập ghềnh hơn nhiều so với quảng đời thanh xuân trước đó.
                                        

 Mẹ tôi cùng bạn bè đồng nghiệp trong một hội nghị ngành y : (mẹ bế tôi đứng thứ 3 từ trái qua)                        


                               (...còn tiếp)